Hiệu quả là mấu chốt

Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.

Minh họa/INT

Dù còn nhiều bất ổn - cả tiềm ẩn và hiện hữu - Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2024 có thể đạt 6% và 6,2% trong năm 2025.

Cụ thể, theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng trong năm 2023.

Ngoài ra, sự phục hồi khá toàn diện của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối; thặng dư thương mại được duy trì, tiêu dùng trong nước phục hồi, các biện pháp kích thích tài khóa được tiếp tục thực hiện cùng với chương trình đầu tư công được coi là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.

Dù vậy, ADB cũng cho rằng, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Do đó, ADB khuyến nghị, để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước.

Đó là sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Mối liên kết giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế còn lỏng lẻo.

Thị trường vốn non trẻ, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng. Những nút thắt, rào cản trong giải ngân vốn đầu tư công cũng như trong hoạt động của doanh nghiệp cũng cần sớm tháo gỡ.

Thực tế, nhiều chỉ tiêu kinh tế của nước ta có xu hướng phục hồi từ đầu năm 2022 nhưng mức tăng trưởng chung năm 2023 và quý I/2024 vẫn chưa trở về mức trước đại dịch Covid-19.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng, nhất là từ năm 2022 đến quý I/2024. Xuất khẩu dần hồi phục, nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức thì bên cạnh những dấu hiệu tích cực này, vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại như đầu tư tư nhân chững lại; bất động sản; tiêu dùng tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Bởi vậy, để thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, vấn đề quan trọng nhất vẫn là hiệu quả thực thi các giải pháp, chính sách... Theo đó, các nhóm chính sách giải pháp đã triển khai trong 2023 có thể có điều chỉnh nhưng về cơ bản cần được tiếp tục thực hiện trong năm 2024.

Và nếu như năm 2023, trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng thì năm 2024 cần xác định rõ là thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, cần khai thác hiệu quả động lực của quy hoạch quốc gia cũng như các luật mới được Quốc hội thông qua... Có cơ chế trao quyền cho các địa phương để gia tăng cơ hội thu hút đầu tư, đồng thời có cách tiếp cận mới trong phát triển thị trường tài chính, tiền tệ...

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Có thể thấy, dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, những mục tiêu phát triển đã đề ra sẽ đạt được.

Yên Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-la-mau-chot-post679570.html