Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất phù hợp

Là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Hướng Hóa đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thu nhập cao từ cây chanh leo

Cũng như nhiều hộ nông dân khác trong vùng, trước đây ông Lê Đình Tường ở thôn Tân Phú, xã Tân Liên lựa chọn cây cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, sau nhiều năm cây cà phê đã trở nên già cỗi, năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Qua tìm hiểu, đầu năm 2018 ông đã mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê với diện tích hơn 0,7 ha để chuyển sang trồng cây chanh leo. Không phụ lòng người, chỉ sau chưa đầy 6 tháng trồng và chăm sóc, cây chanh leo đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Tường, chỉ với 0,7 ha chanh leo nhưng bình quân mỗi năm ông thu hoạch được hơn 32 tấn chanh thành phẩm. Với giá bán từ 5.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại, sau khi trừ chi phí ước tính mỗi năm ông thu lãi 70 - 80 triệu đồng từ vườn chanh leo. “Năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19 nên giá bán có giảm xuống nhưng so với các loại cây trồng khác thì cây chanh leo vẫn cho lợi nhuận cao hơn hẳn. Hiện nay, ngoài 0,7 ha chanh leo trồng từ năm 2018, tôi còn trồng thêm gần 1 ha chanh leo theo hướng an toàn sinh học và bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng khoảng 30 - 50 kg/ngày”, ông Tường cho hay.

Vườn chanh leo của ông Lê Đình Tường tại thôn Tân Phú, xã Tân Liên. Ảnh: L.A

Ông Tường cho biết thêm, so với các loại cây ăn quả khác thì trồng chanh leo chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn do phải đúc trụ bê tông và sử dụng dây thép để làm giàn cho chanh leo. Còn việc chăm sóc rất đơn giản, cây chanh leo có sức đề kháng rất cao, sinh trưởng mạnh, thích nghi với nhiều loại đất. Vì vậy để cây chanh leo phát triển tốt chỉ cần cung cấp đầy đủ nước tưới. Trong quá trình trồng chỉ cần tỉa cành, lá; ngoài ra cần tuân thủ đúng quy trình phòng trừ dịch bệnh của Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật để cây phát triển tốt. Ưu điểm của cây chanh leo là sau thời gian trồng khoảng 6 tháng là bắt đầu cho thu hoạch và thu hoạch được quanh năm, thời gian thu hoạch kéo dài từ 2,5 - 3 năm. Bình quân 3 ngày cây chanh leo cho thu hoạch 1 lần, mỗi lần từ 1 - 2 tạ, trọng lượng bình quân khoảng 12 - 20 quả/kg; trong đó khoảng 30 - 40% quả đạt trọng lượng và chất lượng để xuất khẩu. “Tôi làm nông nghiệp nhiều năm, đã thử sức với nhiều loại cây trồng. Tôi thấy trồng chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Nếu chăm sóc tốt, có đầu ra ổn định, cây chanh leo không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà hoàn toàn có thể làm giàu được”, ông Tường khẳng định.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hướng Hóa Nguyễn Xuân Thế cho biết, tuy mới xuất hiện trên địa bàn huyện từ 2 - 3 năm nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại trên địa bàn huyện đã có gần 50 hộ tham gia trồng chanh leo với diện tích gần 30 ha, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Tân Liên, Tân Hợp và Tân Lập. Kết quả cho thấy cây chanh leo thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Hướng Hóa; có đầu ra ổn định và chi phí đầu tư không quá lớn; tổng sản lượng ước đạt 500 tấn/ năm, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. Đặc biệt, một số vườn trồng theo hướng liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc nhờ chăm sóc tốt, tuân thủ quy trình thì năng suất lên tới 30 tấn/ha, mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. “Theo kế hoạch, trong thời gian tới toàn huyện sẽ triển khai trồng thêm khoảng 13 - 15 ha chanh leo. Đây là loại cây trồng hứa hẹn là loại cây chủ lực giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, đem lại lợi nhuận về kinh tế cao”, ông Thế thông tin.

Hiệu quả từ sản xuất cà phê sạch

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm cà phê sạch, chất lượng, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế và có thị trường tiêu thụ ổn định, chị Nông Thị Hanh ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp đã đứng ra liên kết với các hộ nông dân sản xuất cà phê sạch với thương hiệu Ta Lư Coffee, bước đầu thu được những kết quả hết sức khả quan.

Sản phẩm cà phê sạch mang thương hiệu Ta Lư Coffee. Ảnh: L.A

Trao đổi với chúng tôi, chị Hanh cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm làm trong công tác phát triển cộng đồng, chị nhận thấy cà phê Khe Sanh có chất lượng tốt, thơm ngon… Tuy nhiên do thiếu đầu tư, không tuân thủ quy trình chăm sóc, bà con nông dân khi thu hoạch thường tuốt toàn bộ quả trên cây, kể cả quả xanh lẫn cành, lá; sau khi thu hoạch đem ngâm nước để tăng khối lượng… làm giảm chất lượng hạt cà phê. Thương lái chủ yếu chỉ thu mua cà phê nhân xô mang trộn với cà phê vùng khác để xuất khẩu. Với quyết tâm nâng cao chất lượng hạt cà phê, xây dựng thương hiệu cà phê sạch, từ năm 2010 chị liên kết với 60 hộ nông dân, quy mô 1 ha/hộ đầu tư sản xuất theo hướng cà phê sạch. Theo đó, các hộ nông dân sản xuất cà phê phải tuân thủ theo đúng quy trình cà phê sạch của Hội Cà phê Khe Sanh như không dùng thuốc diệt cỏ trong rẫy cà phê, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học phải có thời gian cách ly tối thiểu 2 tháng trước khi thu hoạch, hạn chế dùng phân bón hóa học, chỉ thu hái những quả chín đỏ… nhằm tạo ra sản phẩm cà phê sạch ngay từ khâu thực hiện các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến. Đồng thời, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Theo chị Hanh, hiện nay, bình quân mỗi vụ chị thu mua khoảng 100 tấn quả tươi và sản xuất được khoảng 20 tấn cà phê thóc. Đầu tư máy móc, thiết bị để rang xay cà phê nhân, cà phê bột cung cấp cho các doanh nghiệp, các chuỗi cửa hàng cà phê lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg.

Sau một thời gian vừa sản xuất, vừa kinh doanh, nhận thấy đủ khả năng để tự sản xuất, cung cấp sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chị đã tìm hiểu, làm thủ tục để đăng ký nhãn hiệu và hướng đến xây dựng thương hiệu cà phê. Năm 2018, sản phẩm cà phê sạch của chị chính thức mang tên Ta Lư Coffee. Với sản phẩm này, chị đã tham gia chương trình OCOP của tỉnh và được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây là động lực để chị đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước đưa cà phê Khe Sanh vươn ra chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới. Theo chị Hanh, sản xuất cà phê sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao khi tiết kiệm được tiền đầu tư phân hóa học, thuốc BVTV các loại và giá bán trên thị trường cũng cao hơn do sản phẩm đạt chất lượng tốt. Chính vì vậy, trong thời gian tới chị tiếp tục mở rộng liên kết với nông dân để sản xuất cà phê sạch theo hướng bền vững. “Quy trình sản xuất cà phê sạch chất lượng của tôi được các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ, giúp sản phẩm tạo được “thương hiệu”, dù giá thành sản phẩm cao hơn so với việc sản xuất đại trà song thị trường tiêu thụ khá ổn định, được người tiêu dùng đánh giá cao”, chị Hanh khẳng định.

Làm giàu từ măng tre

Từ nguồn măng tre tươi có sẵn trên địa bàn, từ năm 2009, chị Phạm Thị Hương, Khối 3B, thị trấn Khe Sanh đã bắt tay vào sản xuất sản phẩm măng chua để cung cấp cho thị trường. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay các sản phẩm măng muối chua và măng dầm tỏi ớt của chị đã có mặt rộng khắp các địa phương trong cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Phạm Thị Hương giới thiệu các sản phẩm từ măng tre. Ảnh: L.A

Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề chế biến măng tre, chị Hương cho biết, Hướng Hóa là huyện miền núi, nguồn măng tre ngoài tự nhiên khá lớn nhưng người dân chủ yếu khai thác và bán măng tươi, hiệu quả kinh tế thấp và thị trường tiêu thụ nhỏ. Nhận thấy tiềm năng từ măng tre, năm 2009 chị quyết định thu mua măng tươi của người dân về sơ chế và sản xuất măng chua để cung cấp cho thương lái ở các chợ. Đến năm 2014, chị quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Hoàng Tuấn Tùng với 2 sản phẩm chủ lực là măng muối chua và măng dầm tỏi ớt. Nhờ tuân thủ theo quy trình sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng cộng với việc tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường, đến nay các sản phẩm từ măng tre của chị đã có mặt tại 3 cửa hàng của hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc, các cửa hàng thực phẩm sạch tại các địa phương. Theo chị Hương, bình quân mỗi năm chị thu mua khoảng 60 tấn măng tươi và sản xuất được 30 tấn măng thành phẩm, mang lại doanh thu từ 600 - 800 triệu đồng. Ngoài 2 sản phẩm chủ lực là măng muối chua và măng dầm tỏi ớt, chị còn nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm măng khô, măng salat, tương măng… để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Hai sản phẩm măng muối chua và măng dầm tỏi ớt của công ty vừa đoạt Giải 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và hiện đang được chọn đi thi cấp khu vực”, chị Hương cho biết.

Theo chị Hương, để có sản phẩm chất lượng, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu phải tươi ngon, được chế biến đúng quy trình, không có chất bảo quản, đóng gói hút chân không để bảo quản được lâu. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hạn chế phụ thuộc vào khai thác ngoài tự nhiên, hiện nay chị đang trồng 3 ha cây tre lấy măng để chủ động nguồn nguyên liệu. “Với năng suất dự kiến từ 50 - 70 tấn măng tre/ ha thì sau khi bước vào thu hoạch, công ty sẽ mở rộng công suất chế biến lên gấp 3 - 5 lần hiện nay”, chị Hương cho biết thêm.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150412