Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Nghiên Loan

Những năm gần đây cấp ủy, chính quyền xã Nghiên Loan (Pác Nặm) đã có nhiều biện pháp khuyến khích, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Chị Triệu Thị Sự, thành viên Tổ hợp tác Bản Nà chuyển đổi đất ruộng sang trồng các loại rau màu.

Đồng chí Nông Đức Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan cho biết: Những năm qua, Nghiên Loan đã chỉ đạo, vận động Nhân dân tích cực đầu tư thâm canh lúa nước, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; tận dụng lợi thế đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Xã đã tuyên truyền, vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả, cỏ voi phục vụ chăn nuôi gia súc... Người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, xóa đói nghèo.

Tổ hợp tác trồng rau sạch Bản Nà, xã Nghiên Loan được thành lập năm 2019, hiện nay có 13 thành viên, khu vực trồng rau tập trung ở các thôn Bản Nà, Pác Liển, Khuổi Muổng. Bà Đổng Thị Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Tổ đã chuyển đổi 1,3ha diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả trái vụ, cung cấp cho các trường học và thị trường huyện Ba Bể, Pác Nặm. Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường học tạm dừng hoạt động gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng Tổ hợp tác Bản Nà vẫn duy trì hoạt động, thu nhập bình quân của các thành viên đạt từ 10 - 13 triệu đồng/người/vụ. Năm 2020, Tổ hợp tác được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, mở rộng quy mô, liên kết thêm thành viên, tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập, hướng tới thành lập hợp tác xã.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Nghiên Loan tập trung thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi trâu, bò; nâng cao số lượng, chất lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Hiện nay, người dân tập trung chăn nuôi trâu, bò hàng hóa gắn với trồng cỏ, nuôi lợn thương phẩm và gia cầm. Nhiều hộ dân đã chủ động thành lập các tổ hợp tác, tham gia các nhóm đồng sở thích theo Dự án CSSP như: Vỗ béo trâu, bò, chăn nuôi lợn... để cùng chia sẻ và tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Toàn xã hiện có hơn 2.800 con trâu, bò, ngựa; hơn 4.300 con lợn và hơn 11.700 con gia cầm.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên kinh tế của xã Nghiên Loan những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể. Mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, điển hình như: Mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu, bò của các hộ Đường Văn Duyên (Bản Nà), Đinh Văn Hoanh (Pác Liển), Nông Văn Chung (Nà Vài) thu nhập bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi trâu, bò của hộ Mã Nông Khang (Bản Nà), Lý Văn Lâm (Khuổi Tuốn) cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng... Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 19,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 38,1%, giảm 3,44% so với đầu năm.../.

Thanh Hảo

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202202/hieu-qua-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-o-nghien-loan-b37329a/