Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Vĩnh Long

Hàng nghìn ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng không còn khả năng cứu chữa đã được người dân đốn bỏ, thay vào những rẫy thanh long ruột đỏ, vườn bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả cũng được bà con chuyển sang trồng cam sành, khoai lang, dưa hấu, bắp lai, đậu phộng, rau màu. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này ở Vĩnh Long đang giúp hàng nghìn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Rẫy thanh long ruột đỏ của ông Lê Văn Cúc ở xã An Phước (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) cho thu hoạch ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mở rộng diện tích thanh long ruột đỏ

Dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn bắt đầu xuất hiện tại đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2005, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh thấp. Nhưng vài năm sau, bệnh lây lan mạnh và gần như hầu hết các tỉnh trong khu vực có trồng nhãn đều bị nhiễm bệnh. Tại Vĩnh Long, bệnh chổi rồng bắt đầu hoành hành trên cây nhãn từ năm 2007, diện tích lây nhiễm bệnh ngày càng rộng, vườn nhãn kiệt quệ, nhà vườn khốn đốn. Ngân sách Trung ương và tỉnh Vĩnh Long đã chi hơn 55 tỷ đồng cho công tác dập dịch chổi rồng trên cây nhãn, nhưng hiệu quả không khả quan. Nhà vườn liên tục thất thu vì bệnh hoành hành, năng suất thấp, mà giá cả cũng bấp bênh. Ðến lúc ngành nông nghiệp tỉnh phải tính chuyện chuyển đổi cây trồng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, từ năm 2010 đến nay đã có hơn 2.500 ha nhãn nhiễm bệnh chổi rồng bị đốn hạ, chuyển sang cây trồng khác. Chỉ riêng năm 2014, diện tích vườn nhãn giảm hơn 1.600 ha. Trong đó, phần lớn diện tích được chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh hoặc trồng giống nhãn mới: nhãn Ido, giống nhãn mới có khả năng kháng bệnh chổi rồng, giá bán cao.

Vườn bưởi da xanh của ông Lê Văn Bình ở cù lao Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Từ TP Vĩnh Long đi dọc tỉnh lộ 902 về các xã An Phước, Chánh An của huyện Mang Thít, chúng tôi thật sự bất ngờ với những vườn thanh long ruột đỏ đang mùa cho trái. Ðứng giữa rẫy thanh long rộng hơn 15 công đất của ông Bạch Văn Nhân ở xã An Phước, tôi không thể nào nhận ra nơi đây từng là vườn nhãn bạt ngàn. Theo lời ông Nhân, vườn thanh long ruột đỏ đầu tiên của ông chỉ có vài công thử nghiệm, được ba năm tuổi, đã cho hiệu quả cao. Chỉ mới năm đầu tiên mà lời đến vài trăm triệu đồng, nên ông đã quyết định đầu tư, cải tạo vườn, thuê mướn máy móc đào bỏ gốc nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng, lên liếp trồng thanh long ruột đỏ. Bên cạnh vườn thanh long 15 công sắp thu hoạch, ông Nhân hiện đang cải tạo vườn cây tạp rộng 10 công đất để tiếp tục mở rộng mô hình này.

Cách đó không xa là rẫy thanh long ruột đỏ của ông Lê Văn Cúc. Từ một chủ lò gạch, gốm, đến nuôi cá tra thương phẩm đều không hiệu quả, nhưng ông Cúc không nản chí. Thấy được tiềm năng của cây thanh long ruột đỏ, ông Cúc đã đốn hạ cả vườn sầu riêng, phá dỡ mấy lán trại làm gốm để cải tạo trồng thanh long. Ngay mùa đầu tiên, trừ chi phí, ông Cúc bỏ túi hơn 200 triệu đồng. "Thấy mê quá nên tôi quyết định phá bảy công nhãn, trồng hết thanh long ruột đỏ. Loại này không phải lo đầu ra, vì có cơ sở thu mua của ông Tư Thạch với kho lạnh quy mô, số lượng bao nhiêu cũng mua hết, giá cả thị trường cũng khá cao và ổn định. Với năng suất bình quân khoảng ba tấn/ha, giá trung bình 30.000 đồng/kg là có thể bỏ túi bạc tỷ. Hiện nay mùa nghịch, giá thanh long ruột đỏ xuất khẩu được thu mua lên tới 66.000 đồng/kg", ông Cúc phấn khởi nói.

Từ hiệu quả thực tế của cây thanh long ruột đỏ, Bí thư Huyện ủy Mang Thít Nguyễn Thanh Liêm mong muốn tỉnh Vĩnh Long xúc tiến một dự án trồng thanh long ruột đỏ, giúp nhiều hộ nông dân nghèo có thể tham gia, với sự hỗ trợ của Nhà nước, ngành nông nghiệp và liên kết doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Ðẩy mạnh phát triển kinh tế vườn

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm nhận định: Mặc dù thanh long ruột đỏ có thị trường xuất khẩu rộng lớn, từ châu Á tới châu Âu, Mỹ, nhưng vấn đề chất lượng nông sản và đầu ra khó, nhất là khi chính vụ, vẫn là nỗi lo thường trực. Mặt khác, thanh long đang nằm trong khuyến cáo của Bộ NN và PTNT, không tăng diện tích. Vì vậy Sở đã tập trung kinh phí cho dự án phát triển kinh tế vườn từ 2012 đến nay. Trong đó, tập trung chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả, nhiễm bệnh sang cây trồng khác. Hiện tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh Vĩnh Long hơn 11.000 ha.

Chúng tôi đến xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, nơi có những nông dân phất lên thành tỷ phú, nhờ chuyển từ đất lúa sang trồng cam sành. Ði giữa vườn cam sành xanh mát, sẽ thu hoạch ngay dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh Năm Quang cho biết, tổng diện tích khu vườn lên đến 17 công. Mấy chục năm đều làm ruộng, nhưng cứ quanh quẩn, lúa cũ đổi lúa mới, không khá nổi. Khi thấy nhiều nông dân từ nơi khác đến thuê đất ruộng, lên liếp trồng cam, anh vô cùng ngạc nhiên. Rồi họ đều thắng đậm làm giàu nhanh chóng. Khi được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cây trồng, anh Năm Quang đã mạnh dạn chuyển hai công đất ruộng trồng cam thử nghiệm. Chỉ hai năm sau, vườn cam nhỏ của anh cho hiệu quả cao hơn 17 công ruộng. Nắm bắt cơ hội, anh Quang chuyển hẳn toàn bộ diện tích sang trồng cam sành. Vụ cam Tết năm nay, nếu trúng giá, khả năng anh sẽ thu về bạc tỷ.

Tại xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, có mô hình trồng 200 ha bưởi da xanh thuộc dự án phát triển kinh tế vườn của tỉnh Vĩnh Long. Cù lao Thanh Bình vốn nổi tiếng với vườn cây ăn trái có chất lượng tuyệt vời và là xứ sở của những ruộng lác (cói), cung ứng cho làng nghề dệt chiếu ở miền tây. Nhưng những năm gần đây, cây lác không còn cho hiệu quả kinh tế cao, mà lại tốn nhiều công lao động, nên nông dân đang chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, sầu riêng. Tổng diện tích trồng cây ăn trái của xã khoảng 1.126 ha, trong đó, phần lớn là sầu riêng và bưởi da xanh. Diện tích chuyển đổi từ nhãn nhiễm bệnh chổi rồng, măng cụt và ruộng lác của địa phương năm 2014 là 135 ha. Lão nông Lê Văn Bình, 61 tuổi, chỉ cho chúng tôi vườn bưởi da xanh ba năm tuổi đang cho trái, thu hoạch ngay dịp Tết, bảo, khu vườn này trước đây trồng măng cụt và bưởi năm roi, nhưng giá cả bấp bênh, rớt thảm hại. Khi thấy ông tự tay đốn hạ cả vườn măng cụt chỉ còn độ 20 ngày cho thu hoạch và đám bưởi năm roi, ai cũng tiếc ngẩn ngơ. Hiện nay, vườn bưởi da xanh của ông đã được thương lái đến dạm hỏi và ngã giá mua "sô" 40.000 đồng/kg, nhưng ông chưa chịu bán.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Vĩnh Long được Bộ NN và PTNT khuyến khích, hỗ trợ, nhất là đối với đậu nành, bắp lai, đậu phộng, dưa hấu... Bên cạnh đó, tỉnh còn trồng thêm một số loại cây khác như: dưa hấu, khoai lang, khoai mỡ, ấu, sen... Trong số này, dưa hấu đang dẫn đầu với tỷ lệ lợi nhuận lên tới 116%, tương đương 113 triệu đồng/ha; kế tiếp là khoai lang, lợi nhuận đạt từ 80 đến 100%; bắp đạt 78%, tương đương 72 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế của hoa màu cao từ hai đến năm lần so với trồng lúa, ngoài ra, việc luân canh màu trên đất lúa còn giúp cải tạo đất, làm giảm khả năng nhiễm sâu bệnh cho các mùa vụ tiếp theo.

Bài và ảnh: BÙI QUỐC DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/25354102-%20hieu-qua-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-o-vinh-long.html