Hiệu quả bước đầu mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất ở xã Thông Hòa

Nhằm đa dạng hóa mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, trong thời gian qua luôn được các cấp, các ngành có liên quan trong tỉnh Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình và đã có không ít mô hình phù hợp với thực tế ở từng địa phương và bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Điển hình như mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất tại xã Thông Hòa.

Lãnh đạo Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh cùng bà con tại địa phương tham quan mô hình.

Lãnh đạo Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh cùng bà con tại địa phương tham quan mô hình.

Mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất được triển khai thực hiện từ tháng 3 năm 2023 tại hộ ông Mai Hoàng Khiêm, ở ấp Rạch Nghệ và hộ anh Nguyễn Minh Nhựt, ở ấp Ô Chích cùng ở xã Thông Hòa. Hình thức thực hiện mô hình, Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 50% chi phí con giống (4.500 con cá trê vàng giống/hộ), thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh, men vi sinh; đồng thời được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi. Tổng kinh phí hỗ trợ gần 20 triệu đồng. Qua thời gian hơn 03 tháng thả nuôi các hộ đều áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa được dịch bệnh xảy ra trên cá trê vàng nên tỷ lệ sống đạt trên 80% và đã cho thu hoạch, tổng sản lượng trên 840kg, với giá bán 60.000 đồng/kg. Sau khi bán trừ đi các khoảng chi phí đầu tư các hộ tham gia mô hình có lợi nhuận gần 05 triệu đồng/hộ.

Nói về hiệu quả mô hình nuôi cá trê vàng, anh Nguyễn Minh Nhựt, ở ấp Ô Chích, xã Thông Hòa cho biết: thấy mô hình nuôi cá trê vàng rất thích hợp với địa phương, dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, ít bệnh, qua hơn 03 tháng thả nuôi thì cá đạt trong lượng từ 04 - 07 con/kg, thương lái đến cân tới nhà. Về kỹ thuật trước khi thả giống cần vệ sinh, duyệt khuẩn, sau khi thả giống cần thường xuyên bổ sung men tiêu hóa, vitamin thì con cá sẽ phát triển tốt.

Trong vài năm trở lại đây, cá trê vàng là loại cá đồng luôn có giá trị kinh tế cao và ổn định, tuy nhiên nguồn lợi cá trê vàng tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Do đó, với việc đầu tư mô hình nuôi cá trê vàng nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân có thêm mô hình sản xuất mới, phù hợp tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cho nông hộ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở ấp Ô Chích, xã Thông Hòa nói: qua tham quan mô hình nuôi cá trê vàng thì thấy mô hình này rất hiệu quả có thể nhân rộng ra cho bà con tại địa phương để có thể tận dụng mặt nước ao mương có sẵn của gia đình để thả nuôi, tăng thêm thu nhập kinh tế cho gia đình.

Cá trê vàng là một trong những loài thủy sản dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, ít bệnh, phù hợp đối với hộ dân ít diện tích đất sản xuất, có thể tận dụng ao, mương của gia đình để đầu tư thả nuôi, trong quá trình nuôi cần thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật sẽ hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập kinh tế cho gia đình.

Đánh giá kết quả qua mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất ở xã Thông Hòa cũng như định hướng một số giải pháp thực hiện mô hình trong thời gian tới, ông Nguyễn Hùng Mận, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh cho biết: “Mô hình nuôi cá trê vàng của Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh được triển khai thực hiện tại 02 hộ gia đình ở xã Thông Hòa, sau hơn 03 tháng đầu tư thả nuôi thấy khá hiệu quả, cá có tỷ lệ lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt ít và hướng tiếp theo của Hội sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình, đặc biệt là mô hình nuôi cá trê vàng này trong thời gian tới để nông dân có thể tận dụng các mặt nước ao mương đầu tư thả nuôi, để tăng thêm nguồn thu cho gia đình”.

Có thể nói, trước tình hình diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi đã và đang diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân.

Hy vọng rằng, với kết quả bước đầu của mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất được triển khai thực hiện thí điểm tại xã Thông Hòa sẽ mở ra hướng đa dạng hóa đối tượng vật nuôi trên địa bàn huyện Cầu Kè, phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hiện nay, qua đó góp phần tạo thu nhập ổn định, phát triển kinh tế nông hộ bền vững.

Bài, ảnh: THÂN NI

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/hieu-qua-buoc-dau-mo-hinh-nuoi-ca-tre-vang-trong-ao-dat-o-xa-thong-hoa-31338.html