Hiệu lực cầu nguyện

Cuốn 'Hiệu lực cầu nguyện' của thiền sư Thích Nhất Hạnh bàn luận sâu về cầu nguyện trong tôn giáo lẫn đời sống.

Tác phẩm Hiệu lực cầu nguyện của thiền sư Thích Nhất Hạnh tập hợp những bàn luận chuyên sâu về khái niệm, phương thức và mục đích của cầu nguyện trong đạo Phật.

Tác giả cũng luận giải cách thức cầu nguyện trong đạo Ki-tô, nhìn nhận vai trò trong y khoa và lợi ích đối với trị liệu. Ngoài ra, sách còn cung cấp một số bài tập thiền định như phương thức trị liệu sức khỏe đơn giản mà hiệu quả, dễ ứng dụng vào đời sống hằng ngày.

Cuốn sách được viết bằng ngôn từ chân phương, dễ hiểu, trình bày rõ ràng, có hệ thống, lần lượt đi qua các nghi vấn, phương thức và mục đích của cầu nguyện.

Bìa sách "Hiệu lực cầu nguyện".

“Người cầu nguyện và đấng cầu nguyện là hai thực tại gọi là không pháp, tức là hai thực tại không tách rời nhau được.

Không pháp có thể được dịch là interrelated realities. Điều đó rất căn bản trong đạo Bụt.

Tôi tin chắc rằng trong Cơ Đốc giáo, những người giác ngộ, những người tu lâu, những người có tuệ giác, cũng thấy được như vậy. Họ thấy rằng Chúa ở trong trái tim của mình, Chúa là mình, và mình là Chúa; không phải mình và Chúa là hai thực tại riêng biệt.

Chúng ta không bị chia cách bởi những danh từ. Nếu thật sự tu học thì chúng ta có cùng một bản chất của tình thương, của chánh niệm, của tuệ giác với Bụt, với Chúa. Vì vậy cho nên có những tín hữu Ki-tô thấy rất rõ rằng đối tượng của cầu nguyện và người cầu nguyện không phải là hai đối tượng tách biệt"

Trích Hiệu lực cầu nguyện

Thiền sư hướng bạn đọc đến cách hiểu cầu nguyện không đơn thuần là hành động tâm linh viển vông hay ký thác hoàn toàn vào đấng tối cao. Cần hiểu rõ bản chất của cầu nguyện kết hợp tu tập mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, cuốn sách như cẩm nang gần gũi, hữu dụng, nhất là trong bối cảnh thời đại nhiều biến động.

Nhà sư, học giả Sogyal Rinpoche nhận định: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những tiếng nói quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần lắng nghe vị thầy này”.

Gia Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hieu-luc-cua-loi-cau-nguyen-2220704.html