Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến năm Giáp Thìn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh 'đi xa' vừa tròn 55 năm (1969 - 2024). Ở Thừa Thiên Huế, người có vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất có lẽ là anh hùng Kan Lịch. Trong lần gặp cuối cùng vào năm 1969, Bác Hồ căn dặn: 'Trở thành anh hùng đã khó, nhưng giữ được các phẩm chất, đạo đức của anh hùng suốt đời càng khó hơn. Phải học tập và rèn luyện suốt đời'.

Ảnh tư liệu: Bác Hồ với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959

Người cầm quyền giữ được phẩm chất và đạo đức suốt đời còn khó hơn anh hùng, vì quyền lực luôn có nguy cơ làm con người tha hóa. Đây là điều mà nhân loại đã được cảnh tỉnh từ lâu. Là người sáng lập và là lãnh tụ tối cao của Đảng cầm quyền, đây cũng là điều Bác Hồ đặc biệt quan tâm suốt cuộc đời mình. Ngay từ khi Việt Nam vừa giành được độc lập, tháng 10/1945, Hồ Chủ tịch đã viết thư “Gửi các Ủy ban Nhân dân, các Bộ, Tỉnh, Huyện và Làng” (*); chỉ rõ “nhiều người phạm những lỗi lầm rất nặng nề”. Đó là: trái phép; cậy thế; hủ hóa; tư túng; chia rẽ; kiêu ngạo...

Đặc biệt, từ năm Nhâm Thìn - 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt, Hồ Chủ tịch đã có bài “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Chúng ta đều biết, Bác Hồ thường nêu gương về văn phong ngắn gọn. Vậy mà bài viết đã dẫn dài đến 10 trang khổ lớn; chứng tỏ lãnh tụ đã đặc biệt lo ngại về nguy cơ tha hóa của người nắm quyền lực và tỏ rõ quyết tâm diệt trừ những tệ nạn đó. Hồ Chủ tịch dành hai phần chính cho chủ đề chống tham nhũng với tiêu đề Phần II là “Phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu” và tiêu đề Phần III là “Tham ô lãng phí là kẻ thù của Nhân dân”. Xin được lưu ý, cho đến nay, Hồ Chủ tịch là người đầu tiên và quyết liệt nhất khi thẳng thừng lên án: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân, của bộ đội và Chính phủ… Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng, song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, cho nên lại biến thành người có tội với cách mạng… Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta... Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”…”

Với nội dung toàn diện và tinh thần không khoan nhượng trước “kẻ thù khá nguy hiểm nằm trong các tổ chức của ta”, có thể xem bài viết nêu trên là hiệu lệnh mở đầu cuộc tổng tiến công một “chiến dịch” lâu dài, khó khăn nhất vì chúng là thứ “giặc ở trong lòng” – một thứ ma quỷ lúc ẩn, lúc hiện, khéo ngụy trang, lừa bịp và mua chuộc chính đội quân có trọng trách diệt trừ chúng! Chính vì thế, trong bài viết, Hồ Chủ tịch còn chỉ rõ: “… Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công… Cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ…”.

Cũng chính vì thấy trước đây là trận chiến đấu lâu dài, vô cùng gian nan, vào năm Giáp Thìn, tròn 60 năm trước, tại “Hội nghị Chính trị đặc biệt” – có người gọi đây là “Hội nghị Diên Hồng” thời kỳ mới - họp vào đầu Xuân năm 1964, sau khi nhìn lại thành tựu 10 năm xây dựng đất nước kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chỉ rõ những nhiệm vụ trọng đại sắp tới, nhất khi cả nước sắp phải bước vào cuộc “trường chinh” lần thứ hai, Hồ Chủ tịch lại nhắc nhở:

“Cán bộ của Đảng, của Nhà nước và của các đoàn thể nhân dân, đảng viên, đoàn viên, thanh niên lao động cần phải xung phong gương mẫu trong sản xuất và công tác, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính…”

Và 5 năm sau, trong bài viết cuối cùng của Người nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3/2/1969 và trong Di chúc, Bác Hồ lại nhắc nhở những điều tương tự, chứng tỏ thứ “giặc trong lòng” còn ngoan cố hơn bọn “ngoại xâm”, nên phải “luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính” mới thoát được nguy cơ bị bọn ma quỷ đó cám dỗ.

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách, Hồ Chí Minh”, những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo kiên quyết cuộc đấu tranh “hết sức khó khăn, phức tạp” này. Trong phát biểu kết luận “Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh” ngày 19/6/2023, Tổng Bí thư đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề như thế. Đồng chí cũng đã cho biết: “…Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đến nay, các cơ quan chức năng qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện, chuyển cho cơ quan điều tra hơn 280 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tăng gần gấp 3 lần so với 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh…”.

Trước thềm Xuân Giáp Thìn - 2024 với rất nhiều nhiệm vụ trọng yếu – trong đó có việc chọn lựa sắp xếp lại đội ngũ mà đảng bộ các địa phương, đơn vị trong cả nước đã và đang tiến hành, chuẩn bị cho nhiệm kỳ 5 năm sắp tới với kỳ vọng đưa đất nước thực sự hóa Rồng, nhắc lại “hiệu lệnh” của Hồ Chủ tịch mở đầu cuộc Tổng tấn công diệt trừ tệ nạn tham nhũng từ một ngày Xuân Nhâm Thìn 72 năm trước là rất cần thiết. Con Rồng muốn bay cao, trong lòng phải thanh sạch; cũng như việc xây dựng “nền kinh tế Xanh” hay muốn có vườn cây xanh tươi phải nhổ sạch cỏ dại. Chính Bác Hồ đã ví việc “nhổ cỏ cho sạch” như nhiệm vụ “Phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu” trong bài viết vào năm Rồng - 1952…

(*) Những từ in nghiêng trong bài đều trích từ sách “Vì Độc lập Tự do, vì chủ nghĩa xã hội”, tuyển các bài viết, nói của Hồ Chí Minh. NXB Sự thật, 1970. Những từ in đậm là trong nguyên bản đã dẫn.

Trung Sơn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/hieu-lenh-nam-thin-cua-chu-tich-ho-chi-minh-137361.html