Hiểu lầm tai hại khi chăm trẻ sốt

(Lam me) - Hạ sốt cho trẻ, có một số việc người lớn tưởng tốt, nhưng hóa ra nguy hại vô cùng.

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, biểu thị rằng cơ thể đang hoạt động để chống lại chứng viêm nhiễm. Thông thường, căn bệnh này không đáng lo.

Nếu tré bị sốt mà vẫn chơi đùa bình thường, thì người lớn đừng vội cuống và rối lên. Tất cả những gì bạn cần làm để khiến bé dễ chịu hơn là:

- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn

- Cung cấp đủ nước. Có thể dùng các dung dịch bù nước có bán trên thị trường, nhưng cần tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc người có kinh nghiệm đáng tin.

- Lau người trẻ bằng nước ấm.

- Cho trẻ dùng acetaminophen hay ibuprofen theo hướng dẫn của bác sĩ, để giảm sự khó chịu.

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa).

Trong trường hợp trẻ lờ đờ, kém vận động, chậm chạp… người lớn cần gọi cho bác sĩ nếu...

- Trẻ 3 tháng tuổi (hoặc nhỏ hơn) nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C, ngay cả khi trẻ không có dấu hiệu bệnh.

- Trẻ 3 - 6 tháng tuổi có nhiệt độ trên 38.3 độ C hoặc cao hơn, bởi ở tuổi này có nguy cơ mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn nguy cấp (dù tỉ lệ vẫn thấp) cao hơn ở các trẻ lớn hơn.

- Trẻ đang sốt (dù ở bất cứ độ tuổi nào) có xuất hiện các triệu chứng khác như: nổi ban đỏ, đau tai, sưng hạch bạch huyết, hay khó thở... cần đưa đến bác sĩ khám để chắc chắn rằng trẻ không mắc phải các bệnh nguy hiểm khác, như viêm phổi hay viêm màng não.

Những hiểu lầm tai hại khi chăm sóc trẻ bị sốt:

- Rất nhiều bậc phụ huynh do thiếu hiểu biết, hoặc chủ quan nên tự ý mua thuốc Aspirin hay thuốc kháng viêm Nonsteroids cho bé sử dụng. Đây là việc làm hoàn toàn sai lầm, vì các loại thuốc này có thể khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.

- Một số người cho rằng, cho trẻ uống ít nước hoặc nặn vài giọt chanh vào miệng... sẽ tốt hơn cho trẻ đang sốt (có kèm theo co giật). Sự thật, việc làm này có thể khiến trẻ bị sặc và gây tử vong.

- Đổ vào nước ấm một chút rượu hay cồn để lau người cho trẻ… là bí kíp được truyền tai của rất nhiều người. Hoàn toàn đúng, khi nhận định hành động này có thể giúp cơ thể trẻ mát hơn rất nhanh, tuy nhiên, rượu hoặc cồn bốc hơi theo nước sẽ làm trẻ dễ ngộ độc, gây nguy hại cho sức khỏe.

- Không ít người mách nhau, lấy chanh xoa khắp người sẽ giúp trẻ hạ sốt. Đây là một điều cần tuyệt đối tránh, vì trong chanh có chứa axit loãng, dễ làm bỏng làn da còn mỏng mảnh của bé.

- Khi trẻ bị sốt, đừng dại dột mà cạo gió cho trẻ. Bởi nếu làm như vậy, bác sĩ sẽ không theo dõi được chỗ nào xuất huyết do bệnh, chỗ nào là nốt cạo gió.

- Sợ trẻ lạnh, nhiều phụ huynh tích cực lấy chăn quấn hoặc cho trẻ mặc nhiều quần áo. Việc làm này vô hình chung gây hại lớn đến sức khỏe của trẻ, bởi mồ hôi bí bách, không được thoát ra sẽ tích tụ và làm bé càng bệnh nặng hơn. Thậm chí, nó có thể dồn lên não, khiến trẻ bị co giật.

Người lớn không được tự ý mua và cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, trẻ bị sốt thường không muốn ăn, nên người lớn cũng cần chú ý để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ. Đặc biệt, khi trẻ sốt cao, do các men tiêu hoác bị ức chế, trẻ thường chán ăn, vì vậy, phải cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa.

Với trẻ bú mẹ: Cho trẻ bú nhiều lần hơn và thời gian mỗi lần bú lâu hơn bình thường. Nếu trẻ không tự bú được, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống.

Với trẻ lớn hơn (đã ăn bổ sung): Tăng thêm số bữa trong ngày với các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hóa và chia thành nhiều bữa nhỏ. Thay đổi thức ăn, cho trẻ ăn những loại thức ăn hợp khẩu vị để giúp trẻ ăn nhiều, kích thích sự thèm ăn. Cần cho trẻ ăn tăng đạm và dầu mỡ để đảm bảo đủ nhu cầu đạm và năng lượng khi bị sốt.

Nguồn 24H: http://www.eva.vn/lam-me/hieu-lam-tai-hai-khi-cham-tre-sot-c10a96022.html