Hiểu đúng về tục lì xì

Theo phong tục Tết truyền thống, mỗi dịp năm mới, trẻ sẽ được nhận tiền lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành, may mắn. Tuy nhiên, những năm gần đây hầu như các bé chỉ biết nhận lì xì, thậm chí còn mở ngay ra xem được mừng tuổi nhiều hay ít, khiến người mừng rất ngại ngùng. Thậm chí, có những phản ứng khi tiền lì xì ít, khiến với nhiều người, tục lì xì đã mất đi nét đẹp văn hóa vốn có mà vô tình trở thành một áp lực.

Dạy con nhận lì xì đúng cách

Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam. Mỗi gia đình cần dạy cho con trẻ hiểu đúng về tục lì xì và cách nhận lì xì đúng cách, để Tết được những niềm vui trọn vẹn.

Cũng giống như bất cứ gia đình nào, những ngày cuối năm mỗi người mỗi việc, Chị Khôi cùng các con dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị một cái tết đầm ấm, sum vầy.

Tận hưởng chút thời gian nghỉ ngơi, đọc cuốn sách yêu thích. Chị Khôi cũng không quên chia sẻ với các con của mình về phong tục tập quán ngày tết, ý nghĩa của tục lì xì đầu năm.

Em Đinh Tuyết Lâm - quận Nam Từ Liêm chia sẻ: "Các khoản tiền một phần đưa bố mẹ, một phần tiết kiệm và chỉ giữ một khoản nhỏ mua sách, truyện".

Em Đinh Tuyết Lâm - quận Nam Từ Liêm

Cũng bởi sự quan tâm chia sẻ từ gia đình, Tuyết Lâm đã có kỹ năng ứng xử khi gặp phải tình huống so sánh tiền mừng tuổi của các bạn cùng lớp với nhau

Em Đinh Tuyết Lâm - quận Nam Từ Liêm chia sẻ thêm: "Trong lớp có nhiều bạn hay khoe, cháu thấy không nên tại có thể có bạn có hoàn cảnh khó khăn, các bạn sẽ rất tự ti".

Đừng để lì xì trở thành áp lực

Bạn Nguyễn Thị Mai Linh - quận Hà Đông chia sẻ: "Hồi nhỏ, có lẽ mình thích được ông bà mừng tuổi càng nhiều càng tốt. Nhưng bậy giờ mình đã lớn, mình đã hiểu được việc kiếm ra đồng tiền rất khó, cho nên mình cũng không quan trọng lắm. 10 nghìn, 20 nghìn cũng là tình cảm của mọi người dành cho mình".

Bạn Trần Minh Quang - quận Cầu Giấy chia sẻ: "Cái mệnh giá lì xì của mình thường khá nhỏ, chỉ khoảng tầm 10, 20 nghìn. Bố mẹ, ông bà có thể cho rằng cái tiền lì xì đó không đáng, bởi vì nó khá là nhỏ. Mà số tiền mình kiếm ra lại khá là ít, thì tốt nhất là nên giữ cho bản thân. Mình cảm thấy khá tủi thân".

Bạn Thạch Tuấn Khanh - quận Ba Đình chia sẻ: "Mình lì xì ít thì sẽ bị bố mẹ coi là ích kỷ, keo kiệt hay là kiểu không quan tâm gì đến các em, các cháu. em nghĩ là nên chia đều các cháu mỗi cháu 10 đến 20 nghìn thôi ạ, vì thu nhập mình cũng không quá cao".

Hiểu đúng về tục lì xì

PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và nhân học Việt Nam chia sẻ: "Mục đích của lì xì thực ra là phát lộc đầu năm. Người cao tuổi, người lớn tuổi phát lộc cho những người trẻ để mang lại may mắn cho năm mới. Bây giờ trong một số trường hợp, nó trở thành gánh nặng đối với những người có thu nhập thấp. Nhiều người sợ đến ngày Tết, sợ nhất là lì xì. Lì xì ít thì cảm thấy hình như là bị coi thường, rằng là mình keo kiệt. Thật ra khi ấy nó mất đi giá trị thật của lì xì. Vì thế cho nên quan niệm về lì xì ngay nay có nhiều cái thay đổi".

PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và nhân học Việt Nam

"Lì xì phải được nhìn nhận như một nét đẹp của đời sống văn hóa, phải nhìn văn hóa một cách cởi mở. Nhận lì xì như nhận niềm vui, nhận sự hân hoan, nhận lộc mà tổ tiên, ông bà, bố mẹ cho mình" - PGS.TS Lâm Bá Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, PGS.TS Lâm Bá Nam còn chia sẻ thêm: "Vấn đề này trước hết là chúng ta cần giáo dục thế hệ trẻ, kể cả những đứa trẻ còn bé khi mà nhận lì xì, thì chúng ta mới giữ và quay trở về với nếp văn hóa được".

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/hieu-dung-ve-tuc-li-xi-218690.htm