Hiểu để sử dụng hiệu quả ngữ liệu chương trình Ngữ văn mới

Dạy học Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 và Chương trình GDPT 2018 có nhiều khác biệt, trong đó có khác biệt về ngữ liệu.

Giáo viên Trường Tiểu học Phenikaa hướng dẫn học sinh trong giờ Tiếng Việt.

Dạy học hiệu quả môn Ngữ văn theo chương trình mới, giáo viên cần hiểu rõ khác biệt này, đồng thời mạnh dạn sử dụng quyền chủ động trong sử dụng các ngữ liệu một cách phù hợp.

Cần rõ sự khác biệt

Theo cô Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên), cả sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018 đều được lựa chọn, biên soạn và xây dựng công phu; cùng chung mục tiêu cụ thể hóa chương trình, đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung bài học được quy định trong chương trình.

Tuy nhiên, điểm khác là Chương trình 2006, giáo viên, học sinh sử dụng sách giáo khoa như “pháp lệnh”, nội dung sách giáo khoa được coi là nguồn kiến thức duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi cử và chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất.

Nguồn ngữ liệu trong sách giáo khoa còn hạn chế, chưa phong phú. Việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn chỉ lấy những tác phẩm trong chương trình làm ngữ liệu ra đề thi phần nghị luận văn học.

Trong khi đó, Chương trình GDPT 2018, chương trình là thống nhất trên toàn quốc, còn sách giáo khoa là học liệu đặc biệt có sự kiểm duyệt của Bộ GDĐT.

Các ngữ liệu trong sách giáo khoa đều được biên soạn và xây dựng công phu trên cơ sở đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang dạy học hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Việc sắp xếp chủ đề bài học và lựa chọn ngữ liệu sử dụng trong sách giáo khoa phong phú và đa dạng hơn. Một chương trình có thể có nhiều bộ sách giáo khoa, sách giáo khoa không phải “pháp lệnh” mà là học liệu tham khảo quan trọng, giáo viên có thể tham khảo nhiều sách giáo khoa.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Phương Bắc, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Lương Tài (Bắc Ninh) cho rằng, trong dạy học, với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006, ngữ liệu trong sách giáo khoa gần như bắt buộc giáo viên sử dụng.

Hầu hết thầy cô không dám tự ý thay ngữ liệu khác để thực hiện trong tiết dạy. Môn Ngữ văn, văn bản đọc hiểu sẽ được sử dụng nhiều lần: Làm ngữ liệu trong các bài dạy về Tiếng Việt, Tập làm văn và cả đề kiểm tra, đề thi.

Nhưng Chương trình GDPT 2018 thì ngược lại, ngữ liệu chỉ có tính gợi mở, tham khảo để giáo viên sử dụng trong tổ chức hoạt động dạy. Nếu thấy ngữ liệu chưa đáp ứng tốt nhất mục tiêu bài dạy, hoặc chưa phù hợp với đối tượng học sinh của mình, giáo viên hoàn toàn có quyền tìm một ngữ liệu khác để thay thế, miễn là đảm bảo đạt được mục tiêu dạy học.

Kiểm tra, đánh giá lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, ngữ liệu tương đồng, cùng thể loại với các văn bản được đọc hiểu để học sinh vận dụng năng lực khám phá, khai thác. Đặc biệt, ngữ liệu của Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn chú trọng đến nguồn được trích để bảo đảm tính tin cậy, chính xác, khoa học.

Điều này cũng tương tự ở cấp Tiểu học. Chia sẻ của cô Hoàng Phương An - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phenikaa (Hà Nội), với Chương trình GDPT 2006, sách giáo khoa được coi như pháp lệnh; không được cắt xén nội dung, giáo viên cần phải nhất nhất tuân theo.

Hiện nay, định hướng của Chương trình GDPT 2018 là dạy học theo chuẩn đầu ra nên giáo viên quan tâm đến yêu cầu cần đạt được cho từng bài học, từng chương học và từng môn học. Do đó, việc giáo viên sử dụng sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy sẽ linh hoạt hơn. Giáo viên sẽ coi đây là nguồn tài liệu tham khảo để áp dụng cho việc giảng dạy của mình.

Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên).

Sử dụng hiệu quả ngữ liệu trong chương trình mới

Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng ngữ liệu SGK Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018, cô Nguyễn Thị Thu Hường nhấn mạnh trước hết đến việc giáo viên phải nghiên cứu sâu, nắm thật vững chương trình tổng thể và chương trình môn học.

Cần đầu tư nhiều hơn, tìm hiểu sâu nội dung bài học ở các bộ sách khác nhau (ngoài bộ sách giáo khoa nhà trường lựa chọn) và các ngữ liệu hiện hành. Từ đó, thầy cô sẽ xác định được nội dung cốt lõi đáp ứng được yêu cầu cần đạt của bài học và tiến hành xây dựng kế hoạch bài dạy hợp lý, linh hoạt. Có thể thiết kế PowerPoint trình chiếu sinh động để thu hút học sinh.

Thêm nữa, nếu muốn đưa vào ngữ liệu mới để giảng dạy, giáo viên phải tìm cách để học sinh được tiếp cận ngữ liệu, có thể qua hình thức photo tài liệu, gửi đường link…cho các em. Thầy cô cũng phải thay đổi cách tiếp cận, dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh.

“Năm thứ 2 thực hiện Chương trình GDPT 2018, bản thân tôi luôn linh hoạt sử dụng các bộ sách giáo khoa. Tùy vào nội dung mà lựa chọn cách lý giải hợp lý và ngắn gọn nhất cho học sinh dễ hiểu. Tôi cũng luôn mạnh dạn trao đổi, chia sẻ thông tin về nội dung có thể vận dụng ở các bộ sách khác nhau để tổ chức hoạt động dạy và học hiệu quả”, cô Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ.

“Tại Phenikaa School, việc lựa chọn ngữ liệu giảng dạy hướng tới và phù hợp với học sinh, nhằm giúp học sinh đạt được mục tiêu bài học là việc vô cùng quan trọng”. Khẳng định điều này, cô Hoàng Phương An cho biết, ngay từ đầu năm học, giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường đều tham gia đầy đủ các buổi đào tạo, định hướng chương trình.

Từ đó, tiến hành triển khai sinh hoạt chuyên môn tại các tổ nhóm của nhà trường và xây dựng chuyên đề giảng dạy phù hợp và theo hướng khai thác ngữ liệu mở.

Giáo viên có thể sử dụng một ngữ liệu ở trong sách giáo khoa (được Hội đồng thẩm định phê duyệt qua rất nhiều khâu) để khai thác theo nhiều hướng khác nhau để đạt được chuẩn đầu ra.

Đồng thời, giáo viên cần tìm kiếm thêm nhiều nguồn tài liệu tham khảo khác (có trích dẫn nguồn và được thẩm định uy tín), qua các khâu thẩm định, phê duyệt của bộ phận chuyên môn nhà trường để từ đó xây dựng ngữ liệu học tập linh hoạt, sáng tạo, hướng về người học.

“Về nguyên tắc, khi khai thác ngữ liệu của sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, giáo viên cần dựa vào chuẩn yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018. Nếu không phù hợp, giáo viên có thể đề xuất thay thế ngữ liệu khác”, cô Hoàng Phương An lưu ý.

Hiện nay, trong sách giáo khoa nhà trường lựa chọn để giảng dạy không có những ngữ liệu, nội dung như nhiều bài viết phản ánh trên mạng, gây xôn xao dư luận thời gian gần đây. Nhà trường có cho rà soát một số bộ sách khác hiện hành cũng chưa thấy những nội dung này. Tuy nhiên, hình ảnh này có xuất hiện ở những tài liệu tham khảo của một số nhà xuất bản khác.

Cô Hoàng Phương An

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-de-su-dung-hieu-qua-ngu-lieu-chuong-trinh-ngu-van-moi-post658081.html