'Hiệp sĩ núi rừng' với 34 triệu bữa ăn đến các em nhỏ vùng cao

34 triệu bữa ăn (từ 2018 đến đầu năm 2024) là con số mà chàng trai được mệnh danh là hiệp sĩ núi rừng Hoàng Hoa Trung và các cộng sự mang đến cho các em nhỏ vùng cao thông qua dự án Nuôi em.

Hoàng Hoa Trung là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, và là 1 trong 50 nhân vật Việc tử tế điển hình được Chủ tịch nước gặp mặt đầu năm 2024.

Hiệp sĩ núi rừng Hoàng Hoa Trung.

Những con số “biết nói”

“Con đường mà tôi chọn có màu cổ tích bởi vì chúng ta không thể nghĩ rằng, một nhóm tình nguyện tự phát có thể xây được những điểm trường cũng như có thể nuôi cơm được em nhỏ”, Hoàng Hoa Trung, nhà sáng lập hệ sinh thái Nuôi em (gồm dự án Nuôi em và nhiều dự án cộng đồng khác) chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, dự án Nuôi em đã có mặt tại ba quốc gia. Tại Campuchia, Nuôi em hỗ trợ cho 650 học sinh; tại Kenya (châu Phi), hỗ trợ 350 học sinh và tại Việt Nam, Dự án đang đồng hành và hỗ trợ tại 23 tỉnh, thành với số lượng 95.000 học sinh.

Bên cạnh dự án Nuôi em, Hoàng Hoa Trung còn được cộng đồng biết đến với các dự án Sức mạnh 2000, Được học, Tủ sách nuôi em, Phòng tin học cho em…

Hoàng Hoa Trung và các em nhỏ vùng cao.

Sức mạnh 2000 với phương châm “Tiền lẻ mỗi ngày, triệu người chung tay xây nghìn trường mới” phát động ngày 27/2/2020 là dự án gây quỹ tiếp theo của dự án Ánh sáng núi rừng ra đời năm 2009.

Xuất phát từ ý tưởng tích tiểu thành đại, Sức mạnh 2000 cùng toàn xã hội thay những trường tạm tại Việt Nam, xây hàng trăm cây cầu và nhà nhân ái. Hiện tại, Dự án đã lan tỏa đến 31 tỉnh thành trên cả nước, xây dựng được 480 công trình, trong đó có hai công trình tại Ấn Độ và Kenya.

Còn dự án Được học, hỗ trợ laptop cũ cho sinh viên người dân tộc, cho đến thời điểm hiện tại, sau chưa đầy 2 năm, đã kêu gọi và trao tặng 218 laptop cũ cho 218 sinh viên khó khăn là người dân tộc thiểu số.

Hoàng Hoa Trung cũng rất tự hào khi nhắc đến dự án Tủ sách nuôi em. Chỉ trong 10 tháng, bằng tất cả sự nỗ lực, Dự án đã chuyển thành công 709 tủ sách đến gần 1.000 điểm trường tại 11 tỉnh, thành.

Còn dự án Phòng tin học cho em, với sức mạnh của cộng đồng, trong vòng hơn 5 tháng triển khai đã kết nối và trao tặng 43 phòng tin học với 563 bộ máy tính mới gửi tới 12.000 học sinh dân tộc thiểu số trên vùng cao. Gần đây nhất, vào tháng 1, Phòng tin học cho em đã phát động chiến dịch Chiến binh cầu vồng.

Bé trai Nguyên Khang, một trong 70 chiến binh cầu vồng cho biết: “Khi lên Bắc Kạn làm từ thiện, con đã đi rất nhiều điểm trường và phát hiện các điểm trường này đều không có máy tính. Khi về nhà, con đã nói chuyện này với mẹ và mẹ giới thiệu cho con về chiến dịch Chiến binh cầu vồng. Con đã sử dụng số tiền kiếm được từ quảng cáo để tham gia Chiến dịch”.

Thủ lĩnh dự án Nuôi em Hoàng Hoa Trung và nghệ sĩ Đen Vâu nấu ăn cho các em nhỏ vùng cao.

Muốn làm thiện nguyện suốt cuộc đời

Hoàng Hoa Trung cho biết, mình bắt đầu hoạt động thiện nguyện từ năm 17 tuổi. “Khi đó, mình nghĩ rằng, mình cần phải gây quỹ từ những gì nhỏ nhất, có thể tìm từ những thứ bỏ đi, từ rác thải phế liệu...

Sau đó, dần dần mình thấy rằng, cần phải gần gũi với cộng đồng hơn, cần thiết kế những mô hình, dự án mà người ta chỉ cần đọc xong có thể đóng góp luôn. Sau này, nhờ có Facebook kết nối tất cả mọi người với nhau trong một cộng đồng, Nuôi em được yêu thương và phát triển lên đến hàng trăm nghìn người”, Hoàng Hoa Trung chia sẻ.

Nuôi em được chính các thầy, cô giáo đang dạy các em và đang nấu cơm cho các em ăn hàng ngày cập nhật thường xuyên trên mạng xã hội và các diễn đàn. Những người ủng hộ Nuôi em có thể trao đổi trực tiếp với các thầy, cô.

Mỗi năm, có hàng trăm anh, chị nuôi được lên vùng cao để gặp các bạn nhỏ mà họ đang nuôi. Chính vì thế, mọi người rất tin tưởng vào sự minh bạch của Dự án và ngày càng ủng hộ nhiều hơn.

“Công nghệ đã giúp Nuôi em đến gần với mọi người hơn, kể những câu chuyện thật hơn”, Hoàng Hoa Trung cho biết.

Với mong ước được làm thiện nguyện suốt đời, Hoàng Hoa Trung tâm sự, ngày trước đã từng có một biến cố “nho nhỏ” xảy ra và khi vượt qua được biến cố ấy, Trung nghĩ rằng: “Nếu mình còn sống, thì mình có ích gì cho xã hội? Bản thân tôi thấy, nếu mình không có ích gì cho người khác nữa thì không hiểu mình sống để làm gì?”.

Thiện nguyện dường như đã ngấm vào máu thịt Hoàng Hoa Trung. Anh luôn thao thức làm thế nào để có thể thêm các phòng tin học, thêm những ngôi trường...

“Chẳng có lý do gì để mình dừng lại, mình cứ cống hiến thôi. Đi thật nhiều, gặp thật nhiều, kết nối thật nhiều để làm sao mình có giá trị vì hàng trăm nghìn em nhỏ nữa cần được mình hỗ trợ”, chàng hiệp sĩ núi rừng chia sẻ.

Đưa các em học sinh xuống Hà Nội gặp lại nhà sáng lập dự án Nuôi em - Hoàng Hoa Trung tại Gala Việc tử tế, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sá Tống, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên xúc động chia sẻ:

“Trường chúng tôi rất hạnh phúc khi được chú Trung và chú Đen (nghệ sĩ Đen Vâu) mang đến cho các em một niềm hạnh phúc vô cùng lớn, đặc biệt là những bữa ăn phong phú hơn, có nhiều dinh dưỡng hơn. Các em yêu trường, yêu lớp hơn và không còn bỏ học nữa”.

Được truyền cảm hứng từ người sáng lập dự án Nuôi em - Hoàng Hoa Trung, nghệ sĩ Đen Vâu đã sáng tác ca khúc “Nấu ăn cho em”.

Ngay khi ra mắt, ca khúc đã lan tỏa những nguồn cảm hứng tích cực đến cộng đồng xã hội. Nguồn kinh phí thu được từ ca khúc này được rapper đóng góp cho dự án Nuôi em.

Rất nhiều người thông qua “Nấu ăn cho em” đã liên hệ với dự án Nuôi em để nhận nuôi cơm trưa cho học sinh vùng cao.

“Qua câu chuyện của Đen Vâu đã có hơn 30.000 em nhỏ được nhận nuôi”, Hoàng Hoa Trung cho biết.

Thanh Huyền

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/hiep-si-nui-rung-voi-34-trieu-bua-an-den-cac-em-nho-vung-cao-20240228213532499.htm