Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản sau đại dịch

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi, tăng mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản hậu Covid-19.

Thủy sản hưởng lợi từ nới lỏng quy tắc xuất xứ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm thị phần lớn (trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam).

Tại Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022 diễn ra ngày 30/5, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP sẽ mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là ngành thủy sản khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực.

Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Bà Thủy phân tích, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng và ưu đãi thuế.

Điển hình như tận dụng Hiệp định RCEP, xuất khẩu thủy sản sang Australia có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ lộ trình giảm thuế. Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 128,1 triệu USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo tính toán sơ bộ, tôm và cá các loại là các chủng loại thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Australia. Trong đó, tôm là chủng loại thủy sản có tỷ trọng lớn nhất trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia, tăng từ 66% trong các tháng đầu năm 2021, lên 73% trong cùng kỳ năm 2022.

Còn nhiều dư địa thâm nhập thị trường RCEP

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội, dư địa gia tăng xuất khẩu thủy sản vào các nước tham gia RCEP. Ông Nông Đức Lai - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ, Trung Quốc là thị trường khổng lồ bởi quy mô dân số lớn, sức tiêu dùng cao. Kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng mạnh, năm 2021 là 3,6 triệu tấn, giá trị 15 tỷ USD, tăng gấp đôi so với những năm 2015 - 2016.

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2022 có sự khởi sắc đáng kể, đạt hơn 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm cá tra, cá basa, tôm đông lạnh. “Với quy mô thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc nên còn nhiều dư địa, cũng như thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường tỷ dân này”- ông Nông Đức Lai khẳng định.

Hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo Bộ Công thương, giá thành cao là điểm yếu của thủy sản Việt Nam. Cộng hưởng với đó là sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô khiến giá trị hàng hóa không cao, đặc biệt là thương hiệu thủy sản Việt Nam chưa được nhận diện tốt trên thị trường. Việc hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm là khuyến cáo được đưa ra cho doanh nghiệp thủy sản trong nước để thâm nhập an toàn, bền vững vào thị trường khối Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực.

Đề cập đến tiềm năng xuất khẩu thủy sản, bà Trần Lê Dung - Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho hay, tính đến tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Malaysia đã tăng 40,7% so với cùng kỳ - một con số rất ý nghĩa, cho thấy xuất khẩu thủy sản Việt Nam tại Malaysia có triển vọng tăng trưởng rõ rệt.

Malaysia là đất nước Hồi giáo, nên nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản là khá lớn. Do đó, RCEP tạo điều kiện cho Malaysia hội nhập sâu hơn vào nền thương mại, đầu tư tự do toàn cầu nhờ xóa bỏ 90% thuế quan giữa các nước thành viên. Hơn nữa, thông qua cửa ngõ Malaysia, thủy sản Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường khác.

Dư địa để thâm nhập thị trường RCEP là rất lớn, bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cũng khuyến nghị, để tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định RCEP làm nâng cao lợi thế so sánh của ngành thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối; đồng thời cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật và rào cản kỹ thuật trong thương mại của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Diệu Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hiep-dinh-doi-tac-kinh-te-toan-dien-khu-vuc-rcep-co-hoi-lon-cho-xuat-khau-thuy-san-sau-dai-dich-106194.html