Hiện thực hóa nghị quyết mới càng sớm càng tốt (*): Đột phá, sáng tạo từ người đứng đầu

Để triển khai Nghị quyết 98, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị ở TP HCM vào cuộc. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, khi thực hiện nhiệm vụ được giao phải thật sự chủ động, sáng tạo

Nghị quyết (NQ) mới với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mà Quốc hội vừa thông qua là động lực cho TP HCM tăng tốc phát triển xứng tầm bởi khát vọng và sứ mệnh mới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức (CB-CC) phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và tận hiến vì sự phát triển của thành phố.

"Cán bộ là gốc của mọi công việc"

Nhắc lại lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trên để thấy rằng CB-CC có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền hành chính nhà nước.

Bởi lẽ, đội ngũ CB-CC có nhiệm vụ tổ chức thực thi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh và bền vững. Dù mọi chủ trương, chính sách được Đảng và Nhà nước ban hành có nội dung kịp thời, sát, đúng với đòi hỏi của thực tiễn, song nếu để đội ngũ CB-CC yếu kém thực thi thì chủ trương, chính sách dù có hay đến mấy cũng không thể đem lại hiệu quả như mong muốn.

Việc NQ 98 vừa được thông qua không chỉ là sự đồng tình, ủng hộ mà còn là niềm tin của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM. Tất cả đều mong mỏi TP HCM tăng tốc phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, sớm trở thành thành phố văn minh, hiện đại để "cùng cả nước, vì cả nước".

Nghị quyết 98 có nhiều cơ chế, chính sách rất mới, đòi hỏi cán bộ, công chức phải có năng lực, trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Để triển khai 44 nhóm chính sách, 7 nhóm cơ chế lớn có nội dung rất mới, mang tính đột phá rất cao của NQ 98 nhằm sớm đạt kết quả như kỳ vọng, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị ở TP HCM phải vào cuộc. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của mỗi CB-CC, nhất là người đứng đầu, khi thực hiện nhiệm vụ được giao phải thật sự chủ động, sáng tạo trong công tác tổ chức, điều hành, thực thi, làm sao để đạt hiệu quả thiết thực và rõ nét nhất. Cùng với đó, mỗi CB-CC, nhất là người đứng đầu, cũng phải chịu trách nhiệm trước tổ chức về nhiệm vụ ở cương vị công tác được giao…

Trong nhiều hội nghị, hội thảo gần đây, không những từ tiếng nói cử tri hay các nhà khoa học, mà lãnh đạo TP HCM đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng một bộ phận CB-CC có biểu hiện e dè, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm. Điều đó dẫn đến việc ách tắc, làm chậm tiến độ giải quyết công việc của toàn hệ thống, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố.

Có thể phân ra hai nhóm CB-CC "sợ trách nhiệm": 1. Năng lực, trình độ chuyên môn kém, nắm bắt chủ trương, quy định của pháp luật có hạn, khi thực thi nhiệm vụ sẽ sợ sai, sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. 2. Suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì có lợi ích riêng, thiếu trách nhiệm, lơ là với nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, sự bất cập, chồng chéo của hệ thống văn bản (luật, nghị định, thông tư…) hay lỗ hổng về pháp lý cũng làm cho nhiều CB-CC lúng túng khi thực thi nhiệm vụ.

Trong khi đó, NQ 98 có nhiều cơ chế, chính sách rất mới nên khi triển khai vào thực tiễn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi CB-CC vừa có năng lực, trình độ chuyên môn cao vừa thể hiện được sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo với nhiệm vụ được giao. Rộng hơn nữa là cần sự tận hiến của CB-CC cho sự phát triển của TP HCM nói riêng và đất nước nói chung.

Tự hào, vinh dự khi được giao việc

NQ 98 cho thấy rất nhiều việc TP HCM cần phải làm ngay, làm thật sự bài bản và khoa học để đi trước mở đường, đảm nhận vai trò dẫn dắt các vùng phụ cận và cả nước.

Để xử lý tình trạng một bộ phận CB-CC "sợ trách nhiệm" một cách hợp tình, hợp lý, trước hết, TP HCM cần xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phù hợp nhằm bảo vệ những người luôn năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ với tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì ra sức làm", xem đây là giải pháp đột phá hàng đầu trong thực hiện NQ.

Phát huy và gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước ở các cấp trong cải cách hành chính là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để người thi hành nhiệm vụ không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của TP HCM.

Việc triển khai thực hiện các nội dung của NQ 98 sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, áp lực khi xử lý công việc sẽ là thử thách đối với mỗi CB-CC. Vì vậy, TP HCM cần quan tâm đến chế độ đãi ngộ thật sự xứng đáng, khen thưởng kịp thời đối với những CB-CC có tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu, cũng như trực tiếp thực thi nhiệm vụ được giao.

Mỗi CB-CC phải nhận thức rằng khi được giao tham mưu, triển khai thực hiện những phần việc của NQ 98 là niềm tự hào, vinh dự của bản thân. Từ đó, CB-CC phải không ngừng nỗ lực để tận hiến bằng cả trí lực, sức lực của mình vì sự phát triển của TP HCM. Đồng thời, xử lý nghiêm, thậm chí đưa ra khỏi hệ thống cơ quan chức năng, những CB-CC có tư tưởng e dè, lơ là, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Các ban, ngành, đơn vị cũng cần chú trọng xác định và xây dựng tiêu chí đánh giá CB-CC; tạo điều kiện, động lực để họ phát huy được năng lực, sở trường của mình trong việc tham mưu và thực hiện các phần việc được giao.

Cần phải thường xuyên xem trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương và sự nêu gương của đội ngũ CB-CC; kiên quyết xử lý CB-CC dù mới có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-6

TS Trương Đức Thuận (Tạp chí Cộng sản)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/hien-thuc-hoa-nghi-quyet-moi-cang-som-cang-tot-dot-pha-sang-tao-tu-nguoi-dung-dau-2023070221171885.htm