Hiến kế phát triển bền vững vùng sâm Nam núi Dành

Trong khuôn khổ hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành diễn ra sáng 30/3 tại huyện Tân Yên (Bắc Giang), nhiều đại biểu đã hiến kế, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững vùng sâm Nam núi Dành.

Các đại biểu thăm gian trưng bày tại hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sâm Nam núi Dành.

Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm sinh học công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam)

Giúp người dân được tiếp cận sản phẩm

Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm sinh học công nghệ cao.

Sâm Nam núi Dành được ví như liều thuốc thảo dược quý có nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe. Theo y học cổ truyền, người dân thường dùng sâm Nam núi Dành giúp làm sáng mắt; hỗ trợ điều trị ho, cảm sốt, đau đầu và các bệnh mạn tính như viêm gan, thấp khớp. Theo y học hiện đại, nhiều nghiên cứu khoa học đã phân tích, chỉ rõ sâm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tan máu bẩm sinh, đái tháo đường, chống lại tình trạng tăng huyết áp do rối loạn chuyển hóa và tiểu đường tuýp 2, hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp...

Kết quả phân tích định lượng, củ sâm sau 7-8 năm trồng có hàm lượng Saponin khoảng 5% (thành phần hóa học chính trong sâm, có tác dụng bồi bổ sức khỏe), cao gấp 1,5 lần so với sâm Hàn Quốc. Tuy vậy, trước đây, người dân thường sử dụng sâm theo thói quen truyền thống như: Ngâm rượu, ngâm với mật ong. Cách làm này chưa khai thác hết giá trị của loài dược liệu quý.

Từ nghiên cứu và thực tiễn, tôi nhận thấy, để sản phẩm sâm Nam núi Dành đến được với nhiều người tiêu dùng hơn nữa, cùng với các giải pháp thu hút đầu tư, mở rộng quy mô vùng trồng, nâng chất lượng sản phẩm, các nhà sản xuất cần có giải pháp giảm giá thành, giúp người dân có nhu cầu đều tiếp cận được với sản phẩm này. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm được bào chế từ hoa, củ sâm dưới dạng khô, bột... để có thể lưu giữ, sử dụng lâu dài.

Ông David Trần, Giám đốc Khu vực các nước ASEAN, Tập đoàn Ibenetor (Hoa Kỳ)
Đưa sản phẩm chăm sóc sức khỏe vươn xa

Ông David Trần, Giám đốc Khu vực các nước ASEAN, Tập đoàn Ibenetor (Hoa Kỳ).

Sau đại dịch Covid-19, mặt hàng được người dân tìm kiếm, lựa chọn nhiều nhất là nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đây là điều kiện thuận lợi để sản phẩm sâm Việt Nam nói chung và sâm Nam núi Dành nói riêng mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tại hội nghị này, Tập đoàn Ibenetor tiếp tục ký chương trình hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và thương mại sâm Nam núi Dành. Qua đây tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến thương mại. Để các sản phẩm từ cây sâm quý hiếm vươn ra thị trường, trong đó có thị trường đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật như Hoa Kỳ, tôi mong rằng, huyện Tân Yên sớm hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn có tính ổn định bền vững.

Các hộ cần chăm sóc, chế biến, bảo quản sản phẩm theo quy trình an toàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện thuận lợi cho các DN về địa phương xúc tiến hợp tác thương mại từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông, chúng tôi tin tưởng sản phẩm sâm Nam núi Dành ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường.

Ông Trần Văn Khiển, Giám đốc HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh

Hỗ trợ mở rộng quy mô vùng trồng

Ông Trần Văn Khiển, Giám đốc HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh.

Hợp tác xã (HTX) Sâm núi Dành Đức Hạnh bắt đầu trồng sâm tại thôn Hậu, xã Liên Chung từ tháng 2/2022. Đến nay, tổng diện tích trồng sâm Nam của HTX đạt hơn 3 ha. Giống sâm được mua từ các hộ trồng lâu năm tại thôn Lãn Tranh, xã Liên Chung và do HTX nhân giống.

Việc sản xuất, chế biến sâm núi Dành tại HTX được Viện Nghiên cứu đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ ITC (Hà Nội) hợp tác, hướng dẫn theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vụ thu hoạch năm ngoái, đơn vị đã thu khoảng 2 tấn hoa tươi. Sau 2 năm trồng, đến nay, qua kiểm tra, gốc sâm đã có củ dài khoảng 30 cm, có mùi thơm, vị ngọt. Từ hoa, cây, lá và củ sâm tươi, HTX đã nghiên cứu chế biến thành nhiều sản phẩm tiêu dùng như: Sâm hòa tan, trà hoa sâm, sâm đóng túi, rượu sâm... Ngoài ra, 3 sản phẩm khác của HTX đang được thử nghiệm là: Nước tăng lực, nước bổ dưỡng và nước ngọt.

Thời gian tới, HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng, sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ; ký kết cung ứng phân bón hữu cơ, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, người dân 2 xã Liên Chung và Việt Lập. Xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất, chế biến nông sản và thực hiện dự án “Phát triển sâm núi Dành gắn với du lịch sinh thái".

Từ thực tiễn hoạt động, chúng tôi đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp sớm quy hoạch vùng nguyên liệu có tính tập trung; hỗ trợ một phần kinh phí mua cây giống, kỹ thuật chăm sóc, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con xây dựng vùng nguyên liệu sạch.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông, cảnh quan sinh thái để thúc đẩy du lịch cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

Trước mắt, đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục hành chính, phê duyệt chủ trương cho HTX Đức Hạnh xây dựng điểm xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm sâm Nam núi Dành gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Hậu, xã Liên Chung.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hien-ke-phat-trien-ben-vung-vung-sam-nam-nui-danh-145323.bbg