Hiểm họa từ cá tầm nhập lậu

(HQ Online)- Cá tầm nhập lậu đã và đang gây ra nhiều mối lo ngại cho cả người tiêu dùng lẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh cá tầm trong nước.

Cá tầm nuôi tại trại nhà anh Phong. Ảnh: Ngọc Hương

Theo anh Phong, giá CTTQ rẻ hơn hẳn cá tầm trong nước, ngoài vấn đề chủ động về giống và thức ăn, còn là do thời gian nuôi CTTQ ngắn hơn hẳn. Cụ thể, cá tầm Việt Nam một năm chỉ nuôi được một lứa. Trong khi đó, CTTQ lớn nhanh hơn, chỉ 3 tháng là xuất trại. Có thể thức ăn mà người nuôi cá Trung Quốc sử dụng không phải loại thông thường dành cho cá tầm, có thêm chất tăng trưởng kích thích nào khác.

Được bán với mức giá khoảng 160.000-180.000 đồng/kg, cá tầm Trung Quốc (CTTQ) luôn được các tiểu thương gán cho cái mác cá Việt Nam để thu hút khách hàng. Chủ cửa hàng Kim Dung bán hàng hải sản trên phố Thể Giao (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Cá Tầm được chị nhập từ SaPa hoặc Tam Đảo và bán ra với giá 180.000 đồng/kg.

Cũng khẳng định cá mình đang bán hoàn toàn là cá tầm nuôi trong nước, chị Phương, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho hay, vài ngày gần đây giá cá tầm có tăng hơn khoảng 30.000-40.000 đồng so với trước, lên mức 180.000-190.000 đồng/kg. Đó là do thời điểm này phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về cá tầm nhập lậu, các đơn vị Quản lý thị trường làm mạnh tay nên hàng về ít. “Chỉ được vài ngày đầu như vậy thôi, tới khoảng tuần sau là đâu lại vào đấy, giá cá sẽ hạ xuống thấp hơn”, chị Phương nói.

Mặc dù các tiểu thương luôn luôn khẳng định là đang buôn bán cá tầm Việt Nam, đảm bảo chất lượng, nhưng anh Phong, chủ trang trại nuôi cá tầm tại bản Khoang, cách trung tâm thị trấn Sapa (Lào Cai) khoảng 30km cho biết: Tới 90% cá tầm được bày bán tại chợ và kể cả trong các nhà hàng đều là CTTQ. Bởi, giá bán ra của thương lái còn thấp hơn cả giá xuất tại trại của chủ nuôi. Anh Phong cho biết, trung bình giá cá tầm gia đình anh bán tại trại đã là 220.000 đồng/kg.

Trong khi đó, CTTQ nhập lậu tại biên giới chỉ có giá khoảng 70.000-80.000 đồng/kg. Nếu như cá Việt Nam thon, dài, thịt cá săn chắc thì CTTQ lại có vẻ mập, ngắn và nhão hơn. Anh Phong chia sẻ, thời gian qua, việc cá CTTQ ồ ạt nhập lậu vào Việt Nam đã gây những khó khăn nhất định cho người nuôi cá trong nước như gia đình anh. Đó là lượng cá bán chậm hơn, sụt giảm và có phần bị cạnh tranh về giá.

Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cá tầm Việt Nam - Bắc Giang cho biết: Tham gia vào lĩnh vực nuôi cá tầm từ nhiều năm nay nhưng Công ty ông vẫn chưa thể phát triển mô hình rộng ra được vì gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh bởi cá tầm nhập lậu giá rẻ. Theo đó, cá tầm hiện được công ty ông Khải và một số công ty trong nước bán ra với giá bán buôn là 210.000-220.000 đồng/kg, bán lẻ là 250.000-300.000 đồng/kg. So sánh với giá cá tầm Trung Quốc, giá bán tại các chợ là 160.000-180.000 đồng/kg thì dễ hiểu, vì sao cá tầm trong nước rất khó phát triển.

Theo ông Khải, CTTQ có giá rẻ là do Trung Quốc chủ động được nguồn giống trong khi Việt Nam phải NK từ Nga. Đặc biệt, giá thức ăn của cá Trung Quốc rẻ hơn nhiều lần. Bởi vậy, DN nuôi cá tầm trong nước khó cạnh tranh được về mặt giá thành. Ông Khải cho biết, đã từng gửi nhiều văn bản, đơn từ gửi các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có biến chuyển gì. Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc thì ngành nuôi cá tầm Việt Nam sẽ rất “khốn đốn”. “Chúng tôi cần sự cạnh tranh công bằng, cá phải được NK theo đường chính ngạch, vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo tiêu chí an toàn cho người tiêu dùng mà Nhà nước cũng không thất thu”, ông Khải đề xuất.

Người tiêu dùng khĩ phân biệt cá tầm Việt Nam (trái) và cá tầm Trung Quốc (phải). Ảnh: S.T

Lỗ hổng trong kiểm dịch

CTTQ bày bán tràn lan và mỗi ngày vẫn được tiêu thụ với số lượng không nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng bàn là toàn bộ số cá tầm nhập lậu này đều không được kiểm dịch, ẩn họa nhiều nguy cơ bệnh dịch. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trên thực tế số lượng hàng nhập lậu còn lớn hơn nhiều so với số lượng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý.

Ông Tám khẳng định, Bộ NN&PTNT cũng rất bức xúc trước hiện tượng cá tầm nhập lậu ồ ạt và sẽ phối hợp tích cực với các bộ, ngành khác để giải quyết vấn đề này. Đồng thời, Bộ cũng sẽ kiến nghị Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban 127 Trung ương) giải quyết vấn đề CTTQ nhập lậu vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, còn quá nhiều kẽ hở trong việc kiểm soát cá tầm nhập lậu, đặc biệt là công tác kiểm dịch.

Thực tế là, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) vẫn có trạm kiểm dịch tại sân bay Nội Bài nhưng chỉ thực hiện kiểm soát hàng hóa XNK mà không kiểm soát hàng lưu thông trên các chuyến nội địa. Trong khi đó, CTTQ được nhập lậu vào nội địa qua đường bộ, rồi vận chuyển lậu từ Bắc vào Nam qua đường hàng không nội địa. Đề cập tới vấn đề này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: Do đã bố trí các trạm kiểm dịch ở đường bộ, cũng là trên đường đi và đến các sân bay nên không nhất thiết phải có các trạm tại cảng hàng không nội địa.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao đã có các trạm kiểm dịch đường bộ mà cá tầm nhập lậu lại vẫn có thể lọt qua đường hàng không và lưu hành rộng rãi trong nội địa. Khi đưa ra vấn đề, có cần thành lập thêm trạm kiểm dịch nội địa tại cảng hàng không hay không, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Cục sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này để triển khai, đáp ứng kịp thời tình hình thực tế.

Hiện chế tài xử phạt cho việc buôn lậu cá từ Trung Quốc rất thấp, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, lợi nhuận từ những chuyến hàng này lại rất lớn. Do đó, các đối tượng buôn bán vẫn cố tình vi phạm. Trong khi chờ các cơ quan chức năng bàn thảo, tìm kiếm các phương án đối phó với tình trạng cá tầm nhập lậu ồ ạt, người tiêu dùng vẫn ngày ngày đối mặt với nhiều nguy cơ, hiểm họa từ cá nhập lậu bày bán tràn lan, còn các DN vẫn đang phải tìm mọi cách đối chọi để duy trì sự tồn tại.

Đức Quang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hiem-hoa-tu-ca-tam-nhap-lau.aspx