Hiểm họa sạt lở đất, xâm thực dọc bờ sông Gianh - Quảng Bình

Con người không thể chống lại thiên tai nhưng có thể phòng tránh, giảm nhẹ tác hại của nó. Tuy nhiên, khi thiên tai kết hợp với thảm họa do con người gây ra thì hậu quả không thể lường trước được. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và xã hội. Trong đó, cộng đồng địa phương được xem là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kỳ 1: Nỗi lòng cư dân vùng sạt lở

Trước thông tin phản ánh của cư dân địa phương về tình trạng sạt lở đất dọc bờ sông Gianh, gây nguy hiểm cho nhiều hộ dân; chúng tôi đã đến để xác nhận và tìm hiểu. Theo ghi nhận, bờ sông Gianh đoạn đi qua xã Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) bị sạt lở nghiêm trọng. Tại địa phận thôn Đồng Ngang, xã Phong Hóa xuất hiện cung sạt trượt dài gần 30m, ăn sâu hơn 10m vào mép con đường trải bê tông theo phương thẳng đứng. Hiện tượng rạn nứt mặt đường, các tấm bê tông trải đường bị rút xuống lòng sông đã xảy ra. Trước đấy con đường này rộng 2,5m thì hiện nay tại khu vực sạt lở, lòng đường chỉ rộng còn hơn 50cm; gây mất an toàn cũng như tiềm ẩn tai nạn cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày.

Cung sạt trượt dài gần 30m, ăn sâu hơn 10m.

Theo lời kể của cư dân nơi đây, trong cơn lũ dữ cuối năm 2016, các thôn của xã Phong Hóa đều bị ngập sâu. Thôn Đồng Ngang nằm ven sông Gianh, lũ ngập nặng, sóng nước rất mạnh, thôn bị cô lập. Nhiều nhà dân bị lũ cuốn trôi. Nước ăn sâu vào đến sát nhà dân ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của bà con.

Bờ sông cách móng nhà khoảng hơn 1m.

Trong thời gian này, 14 hộ gia đình nơi đây phải di cư về nhà ông Mai Văn Thái, để trú ngụ vì ngôi nhà này được xây kiên cố, móng nền cao, lại tích trữ sẳn lương thực. Sau cơn lũ số 1, khoảng cuối tháng 10/2016 thì tình trạng sạt lở đất xảy ra.

Nhà ông Mai Văn Thái vài tháng trước đây còn cách bờ sông vài chục mét, nhưng sau lũ, bờ sông còn cách móng nhà khoảng hơn 1m.

Ông Thái nói: Chúng tôi giờ bất lực và quá hoang mang. Không biết nhà đổ sập xuống sông lúc nào. Mùa đông này, cứ hôm nào mưa là cả gia đình tôi phải khăn gói gấp rút sang nhà nội ngoại ở, không dám ở nhà. Mong chính quyền các cấp sớm cho chúng tôi di dời đến nơi ở mới để an cư chứ sống mà cứ nơm nớp tình trạng sạt lở bờ sông rút luôn cả ngôi nhà xuống, thật sự rất khốn đốn. Hiện hiểm họa sạt lở đất, xâm thực này khiến 14 hộ dân cư ven sông luôn phải sống thấp thỏm lo âu.

Sạt trượt theo phương thẳng đứng, con đường bê-tông bị rút xuống lòng sông.

Nguyên nhân của việc sạt lở này ban đầu được xác định là do độ dốc lòng sông Gianh lớn, tạo nên dòng chảy mạnh gây áp lực. Khi lũ về sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, gây xói mòn, sạt lở bờ sông.

Trước sự xâm thực nặng nề của sông, chính quyền địa phương đã tổ chức đoàn công tác khảo sát, khoan thăm dò địa chất để lên phương án xây kè chống sạt lở. Trong khi đó, tâm nguyện của 14 hộ dân nơi đây mong muốn phương án hỗ trợ di dời đến nơi an toàn.

Liệu có phái hoàn toàn do lũ

Bên cạnh tác động của thiên tai, việc nhiều ghe thuyền hút cát khiến cho tình hình sạt lở ven sông Gianh, đoạn qua khu vực thôn Đồng Ngang nói riêng và xã Phong Hóa nói chung diễn ra nghiêm trọng khiến người dân lo lắng và bức xúc.

Nhiều năm qua, khu vực này chưa từng hứng chịu những đợt sạt lở nặng nề sau thiên tai, bão lũ như thời điểm từ giữa năm 2015 đến nay. Người dân ở đây luôn thấp thỏm lo âu, khi ngay cách khu dân cư 200m xuất hiện bãi tập kết cát của doanh nghiệp khai thác mỏ Lưu Thủy. Đoạn giữa thôn Đồng Ngang, đối diện với nhà của 14 hộ dân nơi đây mỗi ngày có 4 - 5 ghe thuyền neo đậu, hút cát từ lòng sông.

Tàu thuyền hút cát ngay cạnh khu vực sạt lở. (Hình ảnh do cư dân cung cấp)

Thông tin phản ánh từ người dân cho biết, doanh nghiệp khai thác mỏ Lưu Thủy thành lập từ đầu năm 2015, hoạt động không phép vài tháng đầu rồi dừng lại vì bị cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra. Sau đó, doanh nghiệp này làm các thủ tục để được cấp giấy phép khai thác cát, sỏi từ lòng sông Gianh. Từ đó, ghe thuyền hoạt động thường xuyên, hút liên tục, đến nỗi bà con nôi đây phát bực mình vì giữa trưa hay cả đêm khuya tiếng máy nổ ầm ầm từ phía lòng sông, xé tan không gian yên bình của làng quê và xáo trộn mọi sinh hoạt thường nhật như ăn, ngủ, học hành.

Bãi tập kết cát của doanh nghiệp khai thác mỏ Lưu Thủy ngay gần khu vực sạt lở.

Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Gianh tại xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, việc nhanh chóng được đầu tư xây dựng một tuyến kè là rất cần thiết, nhất là vào thời điểm mùa mưa bão đang đến gần.

Sạt lở đất, công trình bị sụt lún dọc sông Gianh sau mưa lũ.

Nhất Linh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/hiem-hoa-sat-lo-dat-xam-thuc-doc-bo-song-gianh-quang-binh.html