Hiểm họa rình rập các chung cư mini

Nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở tăng cao, nhất là với những người thu thập thấp, vài năm gần đây tại Hà Nội, TPHCM, loại hình nhà chung cư mini đang 'bùng nổ'. Tuy nhiên do thiếu các quy định pháp lý chặt chẽ và sự buông lỏng quản lý mà hoạt động của loại hình chung cư mini đang có nhiều biến tướng, kèm theo nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng tới những cư dân sinh sống ở các chung cư mini mà còn tác động tới tình hình an ninh trật tự, hạ tầng cơ sở, an toàn giao thông.

“Ma trận” chung cư mini

Trở lại khu vực phố Khương Hạ (ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nơi vừa mới xảy ra vụ cháy khủng khiếp tại chung cư mini ở số nhà 37 ngách 29/70, chúng tôi không khó có thể bắt gặp tại khu vực này trong các ngõ nhỏ có những chung cư mini cao 7-8 tầng đông kín người ở. Chỉ riêng tại ngõ 29/42 phố Khương Hạ đã có tới 3 chung cư mini là các số nhà 4, 11A, 15F, cao từ 7-10 tầng với hàng chục căn hộ. Một số người dân tại đây cho biết, các chung cư mini ở đây đều đã được xây dựng và đưa vào khai thác 3-4 năm nay. Những người sống trong các “tổ chim” tại chung cư mini đều là người ngoại tỉnh, với số lượng đông hơn rất nhiều so với người địa phương.

Cũng tại quận Thanh Xuân, các phố như Nhân Hòa, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân thuộc địa bàn quản lý của UBND phường Nhân Chính và Thanh Xuân Trung là hàng chục căn chung cư mini đua nhau mọc lên tại các ngõ nhỏ, ngách nhỏ khiến cho mật độ dân của khu vực này rất ngột ngạt. Thậm chí tại đây vào giờ cao điểm buổi chiều không chỉ có tắc đường mà cả ngõ, ngách cũng bị ùn tắc. Chưa dừng lại ở đó, giáp ranh với phường Nhân Chính là phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đây cũng được xem là “thủ phủ” của chung cư mini.

Ngày 14-9, trong vai người có nhu cầu thuê phòng ở các chung cư mini, chúng tôi đến hẻm 236 đường Hòa Hảo, phường 2, quận 10, TPHCM. Chủ khu trọ dẫn chúng tôi lên tầng 3 khu nhà, chỉ vào một phòng nhỏ chừng rộng chừng 10m2, có gác lửng và nói: “Căn phòng này người thuê trả 5 triệu đồng mỗi tháng, tiền điện, nước và vệ sinh tính riêng, ở bao nhiêu người thì tùy”.

Theo quan sát của chúng tôi, khu nhà rộng chừng 5m, dài 15m, cao 4 tầng kiểu “ống, hộp”, chủ khu trọ ngăn lại thành gần 20 phòng. Trong một diện tích không lớn lắm, khu trọ có gần 50 người cùng chung sống. Phía dưới tầng trệt là một không gian hẹp chứa hàng chục chiếc xe máy. Dù có đông người ở là thế, song lối ra vào duy nhất của nhà trọ kiểu chung cư mini này chỉ là một cánh cổng sắt rộng chừng 1,5m và một cầu thang bộ chật hẹp.

Còn tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), phóng viên ghi nhận một số căn hộ được lắp đặt rào sắt như chuồng cọp giúp phòng chống trộm, làm nơi phơi đồ…, dây điện, dây cáp viễn thông chằng chịt. Nhiều chung cư mini, nhà trọ, phòng trọ ở quận Bình Thạnh, quận 10, quận 3, quận 5… cũng được chủ tận dụng để chia thành nhiều phòng nhỏ cho sinh viên, học sinh, người lao động thuê.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng vi phạm đối với các hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ. Các sai phạm thường gặp là: xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng, tạo thành các tòa chung cư mini rồi tự do mua bán, chuyển nhượng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp ở các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn. Hiện cả nước còn khoảng 40.000 công trình có vi phạm về PCCC, ở các mức độ khác nhau và không dễ khắc phục.

Đầy rẫy “lồng cu, chuồng cọp”

Mới đây, tại buổi làm việc của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với UBND quận Tân Bình giám sát về việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2021, ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết, thực trạng đáng lo ngại về chung cư mini trên địa bàn quận. Theo đó, qua rà soát, quận có 31 công trình có số lượng phòng trọ trên 50 phòng đang cho thuê, cũng có thể đã bán bằng hợp đồng cho thuê 50 năm. Đây là loại hình đang khá phát triển, là một kiểu chung cư giá rẻ. Các chung cư mini này đều xin giấy phép xây dựng kiểu nhà ở riêng lẻ, sau đó ngăn phòng cho thuê, “nén” rất nhiều người sinh sống trong một không gian khá hạn chế.

Nhiều nhà ở riêng lẻ của người dân ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cải tạo thành chung cư mini để cho thuê. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Vào năm 2021, quận Tân Bình phát hiện 2 trường hợp cơi nới lấn chiếm hàng ngàn mét vuông, trong đó một trường hợp chung cư mini nén đến 100 phòng, một trường hợp nén đến 200 phòng. Theo ông Sơn, các chung cư mini này cũng không có ban quản trị, những hạng mục trong tòa nhà càng ngày càng xuống cấp, hệ thống PCCC không có, chủ nhà cũng ít thuê bảo vệ.

Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi ghi nhận tại chung cư cũ Nguyễn Thiện Thuật (phường 1, quận 3), dọc theo hành lang di chuyển là lớp lớp dây điện, dây cáp viễn thông chằng chịt, đan xen vào nhau thành từng búi dây nhợ. Còn tại khu chung cư cũ Ngô Gia Tự, Trần Nhân Tông (phường 2, quận 5), toàn bộ các căn nhà ở đây gần như được bịt kín bởi những lớp rào sắt như “chuồng cọp”. Thậm chí, phía trước lối ra vào của các công trình này đều bị bịt kín bởi hàng lớp phương tiện cá nhân của cư dân. Nhiều nhất phải kể đến cụm chung cư Thanh Đa (thuộc phường 27, quận Bình Thạnh), khi hầu hết các hộ dân đều cơi nới thêm khung sắt ở ban công, bịt kín lối thoát hiểm. Mục đích của việc lắp đặt thêm các khung sắt theo kiểu “lồng cu” là nhằm gia tăng diện tích sử dụng.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, hội viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho biết, sở dĩ các chung cư mini có thể tồn tại, phát triển mạnh là do trong quá trình xin cấp phép xây dựng, các hộ gia đình, cá nhân làm hồ sơ xây dựng với các điều kiện cấp phép xây dựng nhà với mục đích để ở, tuân thủ các quy định tại Điều 93 của Luật Xây dựng 2014. Tuy nhiên, sau khi được xây dựng, các chủ sở hữu hoặc người cho thuê thường thay đổi mục đích sử dụng. Đối tượng chung cư mini không nằm trong danh mục cấp phép hay quy chuẩn, quy phạm thông thường nên các gia đình xây nhà để khai thác chung cư mini sẽ lách luật.

Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thẳng thắn chỉ ra, tình trạng hỗn loạn chung cư mini là do sự bao che, lơ là, buông lỏng công tác hậu kiểm sau khi cấp phép xây dựng của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên mới có chuyện chung cư bị cháy ở phố Khương Hạ được cấp phép xây 6 tầng, nhưng lại cao tới 9 tầng và đưa vào khai thác sử dụng suốt thời gian dài mà không bị xử lý.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý; đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, báo cáo đề xuất giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục trước ngày 30-10.

Bộ Công an có công điện gửi Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, công an các địa phương về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC-CNCH, đặc biệt là đối với loại hình chung cư mini. Trong đó, Bộ Công an đề nghị công an các địa phương tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các yêu cầu về an toàn cháy đối với loại hình chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hiem-hoa-rinh-rap-cac-chung-cu-mini-post705655.html