Hết thời mua sắm ô tô tràn lan tại các dự án sử dụng vốn ODA

Chiều 25/10, tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, việc dự án sử dụng vốn ODA để mua sắm ô tô là không được phép, trừ các trường hợp đặc biệt.

Việc hạn chế tối đa mua sắm xe tại các dự án sử dụng nguồn vốn ODA góp phần đảm bảo an toàn nợ công bền vững (Ảnh: TL).

Xung quanh những ý kiến nghi ngại về việc mua sắm xe ô tô tại nhiều dự án ODA và hướng quản lý số lượng các loại xe này sau khi dự án kết thúc, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng: Trước kia, mua ô tô phục vụ dự án là điều đương nhiên. Tuy nhiên, Chính phủ đã có chỉ đạo rất rõ ràng là thắt chặt quản lý mua sắm. Đối với vốn ODA, Bộ Tài chính xác định, đây là vốn vay để đầu tư các công trình thiết yếu, trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải tập trung phục vụ cho việc mua sắm.

“Lâu nay, Chính phủ đã yêu cầu không sử dụng vốn vay ODA để mua sắm ô tô, trừ các trường hợp cần thiết, như dự án y tế cần mua xe chuyên dụng để xử lý dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ phê duyệt cho phép để mua xe phục vụ cho vùng dịch của bà con. Hiện nay, việc dự án mua sắm ô tô thông thường là không được phép, một số dự án có yêu cầu nhưng Bộ Tài chính luôn luôn có ý kiến phản biện bất kỳ hình thức nào…” - ông Hoàng Hải cho hay.

Tính tổng 10 năm qua (từ 2005 đến 2015), Việt Nam đã ký kết vay khoảng 45 tỷ USD vốn ODA nước ngoài. Số vốn này dùng cho hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tuy vậy, từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ được Ngân hàng Thế giới đưa ra khỏi diện được vay ưu đãi phát triển vì trở thành nước thu nhập trung bình và rất có thể, nước ta sẽ chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%.

Khi đó, áp lực trả nợ vay nước ngoài sẽ lớn hơn, các khoản vay mới cũng ít ưu đãi hơn, chịu lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn… Do vậy, Việt Nam sẽ phải tính toán và cơ cấu lại nợ, đồng thời phải làm sao sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và cân đối với khả năng trả nợ.

Phúc Khang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/het-thoi-mua-sam-o-to-tran-lan-tai-cac-du-an-su-dung-von-oda.html