Hết cảnh nơm nớp lo mất thẻ BHYT, giờ khám chữa bệnh bằng căn cước công dân và quét vân tay

Bên cạnh việc triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn nữa, BHXH Việt Nam tiếp tục thêm bước tiến mới đó là ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT.

Chị Đỗ Thị Mai (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, từ tháng 3/2022, chị đã dùng căn cước công dân để khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Trước đây, khi đi khám bệnh chị luôn phải mang theo thẻ BHYT, sổ khám bệnh và xuất trình chứng minh thư nhân dân để bệnh viện kiểm tra lại thông tin và nhận diện ảnh. Tuy nhiên đến nay, việc khám, chữa bệnh BHYT của chị đều sử dụng căn cước công dân. Điều này đã giúp giảm thời gian và đỡ phải mang theo nhiều giấy tờ.

Tiết kiệm thời gian, thuận tiện cho người khám bệnh

Ông Phạm Huy Gắng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) bị tai biến, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh lúc 4 giờ sáng ngày 14/7 vừa qua. “Nhà chỉ có 2 vợ chồng đã cao tuổi, nửa đêm gần sáng tôi thấy người khó chịu, không cử động được tay và chân trái nên gọi vợ đưa đi viện cấp cứu mà không kịp mang thẻ BHYT. Vào viện, các bác sĩ cho biết mọi chế độ BHYT của tôi đều được thanh toán qua căn cước công dân”, ông Gắng chia sẻ.

Đến nay có 12.504 cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng căn cước công dân gắn chip (97,6%).

Đến nay có 12.504 cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng căn cước công dân gắn chip (97,6%).

Bác sĩ CKII Trần Trung Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Vận chuyển 115, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 100 – 120 bệnh nhân. Trong đó số ca cấp cứu tối khẩn cấp (như bệnh nhân chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nhân nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…) không kịp chuẩn bị thẻ BHYT khi nhập viện chiếm số lượng khá đông. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân là người lao động xa quê đến Bắc Ninh làm việc không mang theo thẻ BHYT.

Với những trường hợp này, trước đây sẽ phải nhờ người thân mang thẻ BHYT đến viện, mất thời gian, công sức. Thậm chí, có những trường hợp không tìm thấy thẻ đã phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh rất tốn kém.

Tuy nhiên, từ khi bệnh viện triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chip theo Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030), tất cả các trường hợp không có thẻ BHYT đều được cán bộ y tế kiểm tra và sử dụng thông tin BHYT tích hợp trong căn cước công dân nếu hợp lệ.

Nếu như trước đây, cùng lúc người bệnh phải xuất trình cả 2 loại thẻ: BHYT để lấy thông tin và chứng minh thư nhân dân để đối chiếu thông tin; thì giờ đây chỉ cần xuất trình cho cán bộ y tế căn cước công dân có gắn chip. Điều này giúp người bệnh không phải mang nhiều giấy tờ, tránh tình trạng quên, mất hoặc không may làm rách thẻ BHYT giấy.

Với cán bộ y tế, tích hợp các thông tin trong cùng 1 loại thẻ, cùng 1 lần quét giúp giảm bớt khâu đối chiếu, đảm bảo thông tin chính xác hoàn toàn, không xảy ra tình trạng sai lệch, không khớp giữa các loại giấy tờ. Như vậy, quy trình thủ tục được nhanh gọn, thuận tiện, giúp tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh trắc học

BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chia sẻ, xác thực, đồng bộ thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 15/7/2023, hệ thống đã xác thực được 88.797.864 thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu quốc gia do BHXH Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 91% tổng số người tham gia) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc tại cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH các cấp cũng đang được đẩy mạnh.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc tại cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH các cấp cũng đang được đẩy mạnh.

Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 123.866.984 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là cơ sở để BHXH Việt Nam tiến hành chuyển đổi sang sử dụng số định danh cá nhân, số căn cước công dân thay thế cho mã số BHXH.

Đến nay có 12.504 cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng căn cước công dân gắn chip (97,6%); với 31 triệu lượt sử dụng, tra cứu (được tích hợp trên ứng dụng VneID - ứng dụng định danh điện tử quốc gia (rất tiện lợi). Điều đó có nghĩa, trước đây, khi công dân khám chữa bệnh, phải xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân, cán bộ y tế phải tiếp nhận và kiểm tra. Đến nay, chỉ cần căn cước công dân gắn chip để làm thủ tục khám chữa bệnh (đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian cho công dân và cán bộ y tế). Cơ quan BHXH tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc tại cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH các cấp cũng đang được đẩy mạnh. Tại cơ sở khám chữa bệnh, trước đây, cán bộ y tế khi tiếp đón bệnh nhân phải qua 4 bước (tối thiểu). Đến nay, khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học: Từ 4 bước nay chỉ còn 2 bước; Người dân tự check in và tự xác thực sinh trắc. Thời gian rút ngắn từ 10-15 phút cho 1 điểm, nay chỉ còn 6-15 giây; Chỉ cần 01 cán bộ y tế hỗ trợ cho tất cả các quầy xác thực (1 buổi cơ sở y tế đẩy nhanh, tiết kiệm 1-1,5 giờ); Người bệnh được phân luồng sớm hơn, tiết kiệm chi phí tuân thủ, di chuyển, công bằng trong việc lấy số thứ tự khám chữa bệnh.

Với cơ quan BHXH, khắc phục tình trạng mượn thẻ BHYT, căn cước công dân, tiết kiệm chi phí… Quản lý chặt chẽ (chính xác), tránh trục lợi, phục vụ tốt công tác giám định, kiểm tra, thanh tra, quản lý với khoảng 170 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT 1 năm.

Với hơn 11 triệu người dân hưởng các chế độ BHXH 1 năm thì việc triển khai xác thực sinh trắc học trên căn cước công dân gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính là rất ý nghĩa, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí và tăng cường quản lý của các cơ quan, chống lãng phí, trục lợi.

Ngành BHXH chủ động đi trước, đón đầu chuyển đổi số

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành BHXH Việt Nam. Đây là tiền đề để toàn Ngành tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới với quyết tâm kiến tạo và xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đánh giá, BHXH Việt Nam là đơn vị luôn đồng hành, có sự phối hợp rất sớm, thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

“BHXH Việt Nam đã chủ động, đồng hành cùng với Bộ Công an trong thực hiện thu thập dữ liệu, phục vụ cho việc xác thực cơ sở dữ liệu về dân cư để triển khai thành công Đề án 06 của Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Theo Thứ trưởng Ngọc, thời gian qua, BHXH Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ, đội ngũ cán bộ… mà còn chủ động, đi trước đón đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phối hợp, hỗ trợ nhiều Bộ, ngành, địa phương vì mục tiêu chung, góp phần vào làm giàu thêm cơ sở dữ liệu quốc gia.

“Với các dịch vụ công của Ngành được triển khai trực tuyến, liên thông đã đóng góp lớn vào văn minh, văn hóa, kinh tế của xã hội, đồng thời cũng góp phần phòng chống các hành vi vi phạm, mang lại lợi ích toàn diện”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Minh Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/het-canh-nom-nop-lo-mat-the-bhyt-gio-kham-chua-benh-bang-can-cuoc-cong-dan-va-quet-van-tay-1094093.html