Hẻm chợ chiều 'lên đời' thành phố Tây, cư dân rủng rỉnh tiền

Một hẻm nhỏ giữa phố Tây Bùi Viện ngày nay từng được người Sài thành biết đến với tên gọi hẻm chợ chiều.

LTS: Không biết từ bao giờ, nhịp đời trong hẻm nhỏ Sài thành nhẹ nhàng đi vào thơ ca nhạc họa.

Hẻm Sài thành từ những năm 1960 hệt như lời bài hát Xóm đêm: “Đêm khuya ngõ sâu như không màu” và “Hắt hiu vàng ánh điện câu” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Đó có thể gọi là khoảng thời gian “đời nghèo mà vui” của người lao động nghèo, dân tứ xứ tìm về nương náu trong những con hẻm nhỏ.

Biến thiên lịch sử khoác lên các con hẻm “hắt hiu” một vòng đời mới: hiện đại, văn minh và nghĩa tình.

Tuyến bài Hẻm nhỏ Sài thành lưu dấu cổ kim của VietNamNet góp nhặt chuyện xưa chuyện nay, nhắc nhớ “đặc sản” hẻm của Sài Gòn - TP.HCM.

Kỳ 1: Chuyện ở khu đất dữ Sài Gòn xưa: Người đẹp vào quán bar, nhóm trai chờ đầu hẻm

Kỳ 2: Chuyện khó tin về những gã giang hồ ở khu đất dữ Sài Gòn xưa

Kỳ 3: Chuyện giang hồ xưa nhảy xe lửa làm điều khiếp vía ở con hẻm ôm trọn đường tàu

Kỳ 4: 5 đứa trẻ nhặt phế liệu và chuyện đau lòng nơi hẻm đường tàu Sài Gòn xưa

Hẻm 2 tên

Khu phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) có một hẻm mang 2 tên gọi khác nhau. Một đầu hẻm mang tên 104 Bùi Viện và đầu còn lại là 241 Phạm Ngũ Lão.

Con hẻm này được phân đôi bởi nút giao là một ngã tư ở giữa. Dựa trên sự phân chia tự nhiên đó, hẻm 104 Bùi Viện được tính từ nút giao đến đầu ngõ Bùi Viện và phần ngược lại thuộc hẻm 241 Phạm Ngũ Lão.

Con hẻm giữa lòng phố Tây có một đầu mang tên hẻm 104 Bùi Viện, đầu kia là hẻm 241 Phạm Ngũ Lão. Ảnh: Ngọc Lài.

Hẻm 241 Phạm Ngũ Lão từng được biết đến bằng tên hẻm chợ chiều. Ảnh: Ngọc Lài.

Từ những năm 1960, hẻm 241 Phạm Ngũ Lão được người dân đô thị Sài Gòn xưa biết đến với tên gọi hẻm chợ chiều.

Chị Châu Mỹ Lệ (51 tuổi, ngụ phường Phạm Ngũ Lão) cho biết, hẻm chợ chiều hình thành từ thời ông bà của chị. Ông bà chị Lệ có quê gốc ở Trà Vinh, di tản về hẻm chợ chiều, sống chủ yếu nhờ nghề buôn bán.

Ngoài chị Lệ, bậc cao niên ở khu vực phố Tây khẳng định, hẻm 241 Phạm Ngũ Lão từng nhộn nhịp người mua kẻ bán, đủ các mặt hàng như hàng ăn uống, thịt cá, rau củ tươi sống…

Ngày đó, con hẻm ngập nước, phải lót ván để đi. Dù nước ngập sâu nhưng các tiểu thương vẫn làm sàn, kê hàng bày bán đông đúc.

“Năm 1980, tôi khoảng 8 tuổi, có nghe cha tôi kể, dù chợ Bến Thành kế bên nhưng bà con thích mua hàng ở hẻm chợ chiều.

Ở đây, hàng hóa bán giá cả phải chăng, còn chợ Bến Thành chủ yếu phục vụ khách du lịch”, chị Mỹ Lệ chia sẻ.

Chị Mỹ Lệ hào hứng kể chuyện xưa ở hẻm chợ chiều. Ảnh: Ngọc Lài.

Ngoài ra, hẻm chợ chiều còn một điểm đặc biệt hơn so với những con hẻm khác trong khu vực. Đó là xe tải chở nón lá ở Bình Định thường ghé hẻm để xuống hàng.

Khoảng 2-3h sáng, xe tải vào đến đường Phạm Ngũ Lão, bấm còi liên tục. Nghe tiếng còi báo hiệu, cư dân hẻm chợ thức giấc, những lao động sống bằng nghề vác nón thuê lật đật chạy ra.

Tiền công tính theo số cây nón nên nhiều người tranh thủ, giành nhau khuân vác. Thậm chí, một số còn hỏi dò nhà xe, ra đường Phạm Ngũ Lão đứng chờ cả đêm.

Lâu dần, nhu cầu tiêu dùng nón lá ở TP.HCM giảm xuống, rồi mất hẳn. Hẻm không còn những đêm thức trắng, đón những chuyến xe đầy ắp nón lá của xứ nẫu.

Tấm lòng hào sảng

Từ năm 1990, khách du lịch quốc tế đến TP.HCM tham quan nhiều hơn. Trong đó, Tây balo (du lịch bụi) đổ dồn về khu vực hẻm chợ chiều.

Cư dân hẻm đổi hướng làm ăn, dẹp sạp nghỉ bán, chuyển sang xây dựng khách sạn, quán bar… Hẻm chợ chiều ẩm thấp, ngập nước được cải tạo thành hẻm bê tông, nhà cửa, khách sạn mọc lên như nấm.

Phố Tây Bùi Viện hình thành, cư dân hẻm chuyển hướng kinh doanh. Ảnh: Ngọc Lài.

Lúc đó, chị Mỹ Lệ tạm nghỉ bán hàng ăn khoảng 1-2 năm, chuyển qua giao rượu bia cho các quán nhậu, bar…

“Đa số tiểu thương nghỉ bán do lớn tuổi hoặc chuyển hướng làm ăn. Hiện tại, hẻm chỉ còn tôi và chị bán bún riêu là người từng bán ở hẻm chợ chiều”, chị Lệ cho biết.

51 năm ở hẻm 241 Phạm Ngũ Lão và 27 năm bán hủ tiếu, hơn ai hết, chị Lệ gắn bó, chứng kiến những đổi thay từng ngày của con hẻm.

Lúc phố Tây hình thành, quán hủ tiếu của chị đông khách hơn, đặc biệt có nhiều thực khách nước ngoài. Mỗi sáng, du khách đổ ra hẻm ăn sáng rất đông đúc, đến trưa họ tỏa đi khắp nơi tham quan.

Đến tối, các hàng quán, bar ở mặt tiền đường Bùi Viện lên đèn hoạt động thì đời sống trong hẻm trở về trạng thái thưa vắng.

Trước dịch Covid-19, một số hộ dân mở dịch vụ giữ xe trong hẻm sâu. Khi dịch bệnh đi qua, phố Tây bớt sôi động, dịch vụ này cũng chết dần.

“Dù không náo nhiệt như trước nhưng vài người có nhà gần đường Bùi Viện vào hẻm ăn sáng, tâm sự với tôi là ngoài đó ồn ào, không ngủ được.

Một số quyết định cho thuê nhà, đến nơi khác sống. Họ tiết lộ tiền đặt cọc thuê nhà trong vài năm đủ để mua một căn nhà nhỏ ở chỗ khác”, chị Mỹ Lệ thông tin.

Ở hẻm phố Tây còn quán hủ tiếu của chị Lệ và quán bún riêu không phải trả tiền thuê mặt bằng. Ảnh: Ngọc Lài.

Theo người dân phố Tấy, ở đây rất dễ sống và làm ăn có phần thuận lợi hơn những nơi khác. Dù ở khu trung tâm của TP.HCM lại pha tạp lối sống của khách nước ngoài nhưng bà con sống trọng nghĩa tình.

Gần 30 năm mở quán hủ tiếu, chị Lệ không phải trả một đồng tiền thuê mặt bằng. Đó là chuyện hiếm trong thời buổi tấc đất tấc vàng.

“Nếu không có nghĩa tình, hàng xóm không thương thì tôi đâu được buôn bán cho đến bây giờ”, chị Lệ nói.

Ngoài chị Lệ, những hộ dân khác khẳng định cư dân của hẻm rất đoàn kết. Đặc biệt, tổ trưởng ở đây rất quan tâm, vận động bà con tương trợ lẫn nhau. Người có thu nhập rủng rỉnh thường hỗ trợ, góp tiền giúp các lao động tạm trú, neo đơn.

Đợt đỉnh dịch Covid-19, bà con chia nhau từng bó rau, con cá, ký gạo… Nghe hàng xóm bệnh, họ nhắn tin, gọi điện hỏi han, động viên.

Du khách thong thả ăn sáng ở hẻm phố Tây. Ảnh: Ngọc Lài.

Quý cái tình của cư dân, nhiều khách Tây quyết định thuê trọ, tìm việc làm bám trụ lâu dài ở hẻm. Hàng ngày, họ hỏi han hàng xóm, ngồi cà phê vỉa hè, ăn hủ tiếu, bún riêu…

Giữa đô thị sôi động, nhịp đời ở hẻm chầm chậm trôi qua, cả chủ lẫn khách đều cảm nhận được nghĩa tình bền chặt.

Ngọc Lài

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hem-cho-chieu-len-doi-thanh-pho-tay-cu-dan-rung-rinh-tien-2175229.html