Hệ thống y tế tư nhân đẩy mạnh phát triển chuyên sâu

Nhiều bệnh viện tư nhân đã xây dựng chiến lược phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho ngành y tế hiện nay.

Hệ thống y tế tư nhân ngày càng phát triển, giúp giảm tải cho ngành y

Mở rộng hệ thống

Trong những năm gần đây, hệ thống y tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, kỹ thuật chuyên sâu… luôn được chú trọng, thu hút không nhỏ lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

TS-BS. Nguyễn Văn Châu, Tổng giám đốc hệ thống Bệnh viện Xuyên Á thông tin, năm 2024, Xuyên Á vẫn giữ vững mục tiêu đẩy mạnh tiến độ đầu tư và có kế hoạch mở rộng hệ thống đến khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cụ thể, cuối năm 2023, Xuyên Á khởi công xây dựng Bệnh viện Xuyên Á Tây Nguyên, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, đưa vào hoạt động đầu năm 2025, với quy mô 700 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Trong quý II/2024, hệ thống Xuyên Á tiếp tục khởi công Bệnh viện Xuyên Á Gia Nghĩa với quy mô 300 giường bệnh, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đầu tư Bệnh viện Xuyên Á Lâm Đồng. Thời gian khởi công bệnh viện dự kiến vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

Hiện số lượng giường bệnh của y tế tư nhân tương đối thấp, chỉ hơn 6%, trong khi ngành y tế phấn đấu đưa con số này lên 30%, vì vậy, dư địa cho y tế tư nhân phát triển còn rất lớn.

“Nhu cầu khám, điều trị của người dân rất cao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, chiến lược của Xuyên Á là đưa hệ thống kỹ thuật cao đến các khu vực xa trung tâm thành phố, hoặc các tỉnh, thành phố xa trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám, cấp cứu của người dân”, ông Nguyễn Văn Châu cho hay.

Tại Thái Nguyên, Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên hiện có 2 bệnh viện đang vận hành là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên. Doanh nghiệp đang chuẩn bị mở Bệnh viện Việt Yên vào nửa cuối năm 2024, xin giấy phép xây dựng bệnh viện mới 300 giường tại Lạng Sơn, sửa chữa tòa nhà giai đoạn I để tăng thêm công suất cho Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên.

Năm 2024, doanh nghiệp này đặt mục tiêu duy trì hoạt động ổn định và phát triển tăng trưởng của 2 bệnh viện đang hoạt động. Đồng thời, nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ các kỹ thuật chuyên sâu và các dịch vụ kỹ thuật mới để khám chữa bệnh tốt hơn.

Liên tục nâng cao chất lượng

TS-BS. Nguyễn Văn Châu nhận định, ngành y tế sẽ phát triển vượt bậc trong những năm tới, cả hệ thống y tế công và tư, đặc biệt là lĩnh vực điều trị. Hiện số lượng giường bệnh của y tế tư nhân tương đối thấp, chỉ hơn 6%, trong khi ngành y tế phấn đấu đưa con số này lên 30%, vì vậy, dư địa cho y tế tư nhân phát triển còn rất lớn.

“Không chỉ số lượng, Xuyên Á tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược tăng cường những chuyên khoa sâu, nhằm nâng cao chất lượng. Trong tháng 3/2024, chúng tôi sẽ khánh thành Trung tâm Ung bướu. Trung tâm này được đầu tư để điều trị ung bướu chuyên sâu. Ngoài ra, Bệnh viện vẫn tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng y tế chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ trong hệ thống”, ông Châu chia sẻ.

Việc góp phần mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh chất lượng cao đang được nhiều bệnh viện tư nhân hướng đến. Mới đây, Bệnh viện Hồng Đức II (quận 12, TP.HCM) xây dựng hiện đại với quy mô 215 giường bệnh nội trú, phòng mổ Hybrid tiên tiến, DSA, MRI 3.0 Tesla, CT scan 128 lát cắt, hệ thống xét nghiệm tự động, chuẩn xác cao… đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 23/1/2024.

Bệnh viện Hồng Đức II đã triển khai đầy đủ các phòng khám ngoại trú, nội trú, giúp tiếp nhận điều trị chuyên sâu các vấn đề sức khỏe cả người lớn và trẻ em dựa trên thế mạnh trong triển khai phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa nhiều lĩnh vực như: chấn thương - chỉnh hình, ung bướu, lồng ngực - mạch máu…

Là một trong những bệnh viện tư nhân nỗ lực nâng cao chất lượng y tế TP.HCM, mới đây, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn đã trang bị hệ thống máy O-arm hiện đại, với các giải pháp cho phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và can thiệp cột sống. Đây là một trong những thiết bị chẩn đoán và điều trị cột sống hiện đại trên thế giới. Hiện nay, cả nước chỉ có 2 đơn vị y tế được trang bị hệ thống này là Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn.

Theo ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, Bệnh viện tiên phong trang bị hệ thống O-arm thay thế máy C-arm thế hệ cũ, mở ra hy vọng mới cho cả bác sỹ và bệnh nhân trong việc phẫu thuật cột sống được chính xác hơn, tránh được những tai biến có thể xảy ra, đồng thời rút ngắn thời gian mổ còn một nửa so với trước. Không những thế, với thời gian gây mê ít hơn, nên mức độ sang chấn ít hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn…

Ngoài hệ thống máy O-arm, Bệnh viện Nam Sài Gòn dự kiến đẩy mạnh đầu tư hệ thống trang thiết bị như máy cắt u bằng sóng siêu âm, máy nội soi phế quản, nội soi cột sống, hệ thống máy siêu âm, chụp CT, MRI, đo loãng xương mới…, với tổng chi phí đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng trong năm 2024.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/he-thong-y-te-tu-nhan-day-manh-phat-trien-chuyen-sau-d209646.html