Hệ thống cao tốc đỉnh cao ở Đức

Đường cao tốc Đức có từ những năm 1930 là nền tảng cho hệ thống cao tốc đầu tiên của thế giới. Trong nhiều thập niên, mạng lưới đường cao tốc không đơn thuần chỉ là cơ sở hạ tầng mà đã chuyển hóa thành biểu tượng văn hóa, xã hội của người Đức. Danh từ 'Autobahn' trong tiếng Đức được các nước khác sử dụng rộng rãi không chuyển ngữ.

Biểu tượng nổi bật

Ý tưởng xây dựng đường cao tốc kết nối các thành phố đang mở rộng của Đức sau Thế chiến thứ nhất đã được hình thành ở Cộng hòa Weimar thời hậu chiến. Con đường công cộng đầu tiên thuộc loại này được hoàn thành vào năm 1932, nối Cologne và Bonn, là một phần của đường 555 ngày nay.

 Cao tốc Đức được xây dựng với kỹ thuật bậc thầy. Ảnh: HÒA NGUYỄN

Cao tốc Đức được xây dựng với kỹ thuật bậc thầy. Ảnh: HÒA NGUYỄN

Mạng lưới đường cao tốc quốc gia đã được mở rộng dài 2.108km vào năm 1942. Tây Đức bắt tay vào việc xây dựng lại hệ thống sau Thế chiến thứ hai. Năm 1989, 2 mạng lưới của 2 miền Đông và Tây Đức sáp nhập và không ngừng mở rộng.

Cho đến nay, chiều dài hiện tại của toàn bộ mạng lưới là khoảng 13.000km, trở thành hệ thống lớn thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc và là một trong những biểu tượng nổi bật của nước Đức, bên cạnh nhà thờ Di sản thế giới ở Cologne hay tháp Truyền hình Berlin. Mạng lưới đường cao tốc Đức không chỉ nối liền các địa danh trên đất Đức mà còn đóng vai trò trọng điểm trong giao thông từ Nam Âu lên Bắc Âu hay sang Đông Âu. Hầu hết các đoạn đường đều có 2, 3 hoặc thậm chí 4, 5 làn mỗi hướng, cộng thêm một làn khẩn cấp cố định.

Kỹ thuật bậc thầy

Kỹ thuật xây dựng đường cao tốc Đức thậm chí còn được đề cao thành bậc thầy với chất lượng siêu việt. Người viết bài đã ngồi sau tay lái chờ trên đoạn đường cao tốc A4 mở rộng, chứng kiến tận mắt quá trình xây dựng công phu với nền móng cao cả chục mét, gồm nhiều tầng vật liệu và trên cùng phủ lớp bê tông cho mặt đường.

Thoát nước cực nhanh, mặt đường bằng phẳng, chống rung lắc, trơn trượt, hạn chế giãn nở tối đa trong mọi điều kiện thời tiết; nhờ cấu trúc bê tông lộ thiên nên bề mặt cũng có độ bám tốt hơn và giảm tiếng ồn khi lái xe, cho dù qua loại địa hình nào cũng duy trì tính chất phẳng, thẳng nhất. Hệ thống biển báo rõ ràng, nhất quán, những đoạn đường vòng, hẹp đều có biển cảnh báo trước cả cây số và nhắc lại liên tục khi tới gần.

Tất nhiên, chi phí xây dựng cũng thuộc loại cao nhất thế giới, khoảng 6-20 triệu EUR/km, tùy theo địa hình. Chi phí xây dựng, duy tu, bảo dưỡng cao tốc được chính phủ liên bang phân bổ từ nguồn thuế. Ô tô cá nhân được miễn phí đường, kể cả xe biển số nước ngoài. Xe tải đóng phí đường từ năm 2005 thông qua chip điện tử gắn ở bánh xe.

Lưu lượng xe tải, xe cá nhân mật độ cao lên đến 170.000 lượt xe/ngày trên một số tuyến cao điểm như A100 ở Berlin, khu vực phụ cận Cologne hay Stuttgart, còn trung bình toàn tuyến cao tốc Đức là khoảng 100.000 lượt xe/ngày. Do đó, phương pháp xây dựng kết hợp đường nhựa và đường bê tông cốt thép thỏa mãn yêu cầu khả năng chịu tải và dự trữ tải trọng cao, đặc tính bề mặt bền, hệ thống thoát nước đảm bảo thấm nhanh mà không làm hỏng lớp nền, khả năng lưu thông tốt, lâu dài, tuổi thọ tới 50 năm. Nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn cũng được giảm thiểu. Năm 2019, trên toàn tuyến cao tốc Đức xảy ra 32.272 vụ tai nạn có thương vong, với 356 người chết, chiếm 0,01%.

Duy nhất ở nước Đức được lái xe không hạn chế tốc độ, lên đến 70% toàn hệ thống đường cao tốc. Người Đức tự hào với ngành công nghiệp ô tô của họ, cả nước có khoảng 49 triệu ô tô con trên tổng số dân 84,3 triệu dân. Trong số này chỉ có số ít lái xe thường xuyên lái trên 160km/giờ, đa phần lái với vận tốc được khuyến cáo 130-140km/giờ. Các cuộc thảo luận xung quanh việc giới hạn tốc độ luôn là chủ đề nóng trong chính trường Đức, nhưng đã bị bỏ phiếu phản đối. Tuy vậy, khi giá nhiên liệu tăng cao, người điều khiển phương tiện cơ giới ở Đức tự động giảm vận tốc mà chẳng cần điều luật nào hạn chế.

Cách lái xe trên Autobahn:

- Vượt bên phải là trái luật.

- Biển điện tử trên cao được bật lên khi thời tiết xấu, tắc đường.

- Nếu phía trước có tắc đường do tai nạn, cần tạo ra làn khẩn cấp. Di chuyển phương tiện về phía bên phải và bên trái của lòng đường, tạo thành “làn đường giữa”. Nếu có nhiều hơn 2 làn đường, người lái xe ở làn bên phải sẽ ở bên phải, trong khi người lái xe ở làn thứ 3 hoặc thứ 4 bên trái sẽ ở bên trái.

ĐẶNG MINH LÝ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/he-thong-cao-toc-dinh-cao-o-duc-post722749.html