Hệ thống 2 lá phiếu giúp Pheu Thai không 'thua trắng'

Việc Thái Lan quay lại với hệ thống bầu cử tách biệt giữa khu vực bầu cử và danh sách đảng được cho là giúp tập trung nghị sĩ về những đảng lớn.

 Hai thùng phiếu riêng biệt để bầu ứng viên ở khu vực bầu cử (màu tím) và bầu cho chính đảng (màu xanh) tại kỳ bầu cử Thái Lan năm nay. Ảnh: Bangkok Post.

Hai thùng phiếu riêng biệt để bầu ứng viên ở khu vực bầu cử (màu tím) và bầu cho chính đảng (màu xanh) tại kỳ bầu cử Thái Lan năm nay. Ảnh: Bangkok Post.

Không có kết quả kiểm phiếu áp đảo như dự đoán, thậm chí đảng Tiến bước (MFP) bất ngờ dẫn trước, song Pheu Thai vẫn thuộc nhóm những đảng chiếm phần đông số ghế tại quốc hội.

Một điểm khác biệt với đảng Pheu Thai năm nay, so với kỳ bầu cử gần nhất vào năm 2019 là hệ thống hai lá phiếu có thể giúp Pheu Thai nhận thêm hàng chục ghế từ tỷ lệ phiếu bầu toàn quốc.

Hệ thống hai phiếu bầu là gì?

Khi cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu vào ngày 14/5 để bầu 500 ghế của Hạ viện khóa mới, họ nhận được hai lá phiếu.

Lá phiếu thứ nhất (màu tím) dùng để trực tiếp bầu ứng viên mà họ muốn đại diện cho khu vực bầu cử (constituency) của mình tại hạ viện. Những lá phiếu này sẽ chọn ra chủ nhân cho 400 trên 500 ghế hạ viện khóa mới.

Lá phiếu còn lại (màu xanh) là phiếu danh sách đảng (party list), nghĩa là cử tri sẽ bầu cho đảng mình ủng hộ. Lá phiếu thứ hai sẽ định đoạt mỗi đảng nhận được bao nhiêu trong số 100 ghế Hạ viện còn lại, dựa vào số lượng phiếu danh sách đảng họ giành được trên toàn quốc.

 Dự kiến số ghế các đảng ở Thái Lan giành được sau kết quả bầu cử. Đồ họa: Nikkei.

Dự kiến số ghế các đảng ở Thái Lan giành được sau kết quả bầu cử. Đồ họa: Nikkei.

Quốc hội Thái Lan "quay xe"

Hệ thống hai lá phiếu được áp dụng từ năm 2001, ngoại trừ kỳ bầu cử gần nhất vào năm 2019, vốn sử dụng hệ thống một lá phiếu.

Bangkok Post cho hay tại kỳ bầu cử cách đây 4 năm, người dân trực tiếp đi bầu 350 nghị sĩ theo khu vực bầu cử (tương tự năm nay). Tuy nhiên, 150 ứng viên theo danh sách đảng sẽ được phân chia theo tỷ lệ tổng số phiếu sau bầu cử, với công thức như sau:

(Tỷ lệ phiếu bầu x 500 ghế Hạ viện) - số ghế đã thắng trong bầu cử khu vực.

Quy định này khiến các đảng lớn gặp bất lợi, và là nguyên nhân khiến đảng Pheu Thai năm ấy không giành được ghế nào trong 150 vị trí thuộc danh sách đảng, dù giành nhiều ghế bầu cử khu vực nhất.

Vào năm 2019, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cho Pheu Thai trên toàn quốc là 21,92%, và đảng này đã thắng 136 ghế bầu cử khu vực. Tính theo công thức trên (21,92% x 500 - 136), Pheu Thai bị "trắng tay" trong 150 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng. Trong khi đó, những đảng không có được ghế bầu cử khu vực nào như đảng Tự do Thái Lan có thể giành 10 ghế danh sách đảng.

Thái Lan quay trở lại hệ thống hai lá phiếu sau khi quốc hội thông qua sửa đổi hệ thống bầu cử vào năm 2021.

Trong khi đó, kỳ bầu cử năm nay sử dụng hệ thống bỏ phiếu danh sách đảng độc lập, theo "công thức 100" (ảnh dưới). Với cách tính này, các đảng lớn có thể nhận thêm số ghế danh sách đảng mà không bị ràng buộc theo kết quả bầu cử khu vực.

 Cách ước tính mỗi đảng sẽ nhận được bao nhiêu ghế trong 100 vị trí được bầu theo danh sách đảng. Đồ họa: Fulcrum.

Cách ước tính mỗi đảng sẽ nhận được bao nhiêu ghế trong 100 vị trí được bầu theo danh sách đảng. Đồ họa: Fulcrum.

Các đảng lớn có lợi thế trong năm nay

Napon Jatusripitak, nhà nghiên cứu thuộc Viện Yusof Ishak, cho rằng hệ thống bầu cử năm nay sẽ giúp cử tri thu hẹp các lựa chọn, trong bối cảnh cử tri được cho là đã tinh tường hơn, có thể nhận ra sự khác biệt giữa các đảng tranh đua, về chính sách và hệ tư tưởng.

 Đảng Tiến bước (MFP) tạm dẫn đầu khi Thái Lan gần hoàn tất quá trình kiểm phiếu. Đồ họa: Bangkok Post.

Đảng Tiến bước (MFP) tạm dẫn đầu khi Thái Lan gần hoàn tất quá trình kiểm phiếu. Đồ họa: Bangkok Post.

Một Hạ viện với ít nghị sĩ từ các đảng nhỏ lẻ cũng giúp các đảng lớn hoạch định chính sách và lập liên minh dễ dàng hơn, giảm tình trạng phải thỏa hiệp với quá nhiều đảng để nhận được phiếu bầu, ông Napon nhận định. Kỳ bầu cử năm 2019 đã tạo ra chính phủ liên hiệp với số lượng đảng phái nhiều nhất trong lịch sử Thái Lan.

Ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng các đảng nhỏ sẽ gặp bất lợi nếu muốn có ghế trong quốc hội, dẫn đến số lượng các đảng tranh cử ít hơn. Nhiều người cho rằng hệ thống một lá phiếu khiến Quốc hội Thái Lan dân chủ hơn khi nhiều đảng được đại diện, theo Bangkok Post.

Dù có những thay đổi, việc các đảng có thể liên minh và lập chính phủ sau kỳ bầu cử được cho là không dễ dàng.

Liên minh các đảng tại Quốc hội cần 376 phiếu để thành lập chính phủ. Với việc Thượng viện Thái Lan có phần đông nghị sĩ trong số 250 người ủng hộ quân đội, đây sẽ là thách thức không nhỏ với phe đối lập, và hiện vẫn còn nhiều kịch bản được dự báo về một chính phủ liên hiệp khóa mới.

 Kết quả bầu cử Thái Lan tính tới chiều 15/5. Đồ họa: Ủy ban Bầu cử Thái Lan. Việt hóa: Trần Hoàng.

Kết quả bầu cử Thái Lan tính tới chiều 15/5. Đồ họa: Ủy ban Bầu cử Thái Lan. Việt hóa: Trần Hoàng.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/he-thong-2-la-phieu-giup-pheu-thai-khong-thua-trang-post1431648.html