Hệ sinh thái hoạt động sa sút, thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính, FIT đang bị chiếm dụng vốn ngày càng trầm trọng?

Nếu không có doanh thu tài chính tăng đột biến gấp hơn 3 lần cùng kỳ, FIT có thể đã lỗ nặng trong quý đầu năm.

Thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính

CTCP Tập đoàn F.I.T (mã CK: FIT) đã công bố báo cáo tài chính quý 1 năm 2023 với doanh thu đạt 335,5 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ. Giá vốn vẫn tăng khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh gần 36% xuống còn 58,5 tỷ đồng.

Khoản lãi gộp trên thực tế không đủ trang trải các chi phí phát sinh trong kỳ. Nếu không có doanh thu tài chính tăng đột biến gấp hơn 3 lần lên 268,4 tỷ đồng, FIT có thể đã lỗ nặng trong quý đầu năm. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 1 của FIT đạt 206,5 tỷ đồng, gấp nhiều lần cùng kỳ và vượt xa kế hoạch cả năm.

Không chỉ tập đoàn mẹ, các công ty thành viên trong hệ sinh thái của FIT hầu hết đều kinh doanh sa sút.

Theo thuyết minh, nguyên nhân khiến doanh thu tài chính tăng vọt đến từ lợi nhuận từ hợp nhất CTCP Cap Padaran Mũi Dinh (224 tỷ đồng). Cap Padaran Mũi Dinh được khởi công từ tháng 2/2022 là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng trên diện tích gần 800 ha, chia làm nhiều phân khu gồm: các chức năng khách sạn, resort, biệt thự biển, các khu tổ hợp căn hộ khách sạn, vui chơi, giải trí và du lịch thể thao.

Tổng mức đầu tư của toàn dự án ước tính hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Ngày 14/11/2022, FIT chính thức ký hợp đồng hợp tác với Banyan Tree, sau khi ký kết dự án Cap Padaran Mũi Dinh sẽ được tư vấn chiến lược tư vấn kỹ thuật. thiết kế và quản lý vận hành một cách chuyên nghiệp đúng tầm vóc của một đại dự án.

Báo cáo tài chính quý 1/2023

Bị chiếm dụng vốn ngày càng trầm trọng

Bên cạnh sự sụt giảm lợi nhuận của hoạt động cốt lõi, FIT còn phải đối diện với sự gia tăng nhanh chóng của khoản phải thu ngắn.

Khoản phải thu ngắn hạn dù đã giảm 2,25% so với thời điểm đầu năm xuống còn 3.436 tỷ đồng nhưng tỷ trọng trên tổng tài vẫn rất cao, ở mức 47,1% vào cuối quý 1. Thời điểm 31/3/2023, FIT dự phòng phải thu khó đòi 110 tỷ đồng giảm nhẹ 1,62% so với thời điểm đầu năm.

Theo dõi qua các năm có thể nhận thấy tốc độ tăng nhanh chóng của khoản phải thu ngắn hạn. Năm 2020, tổng khoản phải thu ngắn hạn là 464 tỷ đồng, tuy nhiên vào năm 2022, chỉ sau 2 năm con số này đã tăng lên gấp 7,6 lần, lên mức 3.516 tỷ đồng.

Việc gia tăng nhanh chóng các khoản phải thu ngắn hạn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang bị chiếm dụng vốn ngày càng nhiều từ phía các đối tác, và đồng thời đây cũng là biểu hiện của việc doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc quản lý các khoản phải thu hiệu quả.

Hệ sinh thái làm ăn sa sút

Năm 2022 trước đó, do không có nguồn thu bất thường nào đột biến, kết quả kinh doanh của FIT tệ hơn rất nhiều. Lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ đạt 71,6 tỷ đồng, giảm đến 69% so với cùng kỳ. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm nặng đến 1.676 tỷ đồng.

Không chỉ tập đoàn mẹ, các công ty thành viên trong hệ sinh thái của FIT hầu hết đều kinh doanh sa sút.

Trong đó, CTCP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (công ty con cấp 1) bất ngờ ghi nhận lỗ sau thuế lên tới 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 ghi nhận lãi 132 tỷ đồng.

CTCP Nước khoáng Khánh Hòa (công ty con cấp 1) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 sụt giảm tới 63% so với năm 2021, xuống còn 4,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận 13.3 tỷ đồng.

CTCP Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền tây (công ty con cấp 2) cũng ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận năm 2022 nghiêm trọng, khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 94% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 1,1 tỷ đồng.

Khả quan nhất là CTCP Dược phẩm Cửu Long (công ty con cấp 2) khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng 28% so với năm 2021, lên mức 113 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ tổng doanh thu thuần lại sụt giảm từ mức 12,4% năm 2021 xuống còn 11,1% trong năm 2022.

Gia Sơn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/he-sinh-thai-hoat-dong-sa-sut-thoat-lo-nho-hoat-dong-tai-chinh-fit-dang-bi-chiem-dung-von-ngay-cang-tram-trong-post251863.html