Hệ lụy khôn lường khi thợ học việc ra tay sửa chữa ô tô

Sửa chữa ô tô đòi hỏi thợ có tay nghề cao, nhưng hiện nay nhiều thợ học việc vẫn vô tư hành nghề đã gây ra những hệ lụy không nhỏ cho chủ xe.

Nhiều thợ học việc thò tay sửa chữa ô tô

Tại nhiều xưởng dịch vụ sửa chữa ô tô hiện nay, ngoài những nhân viên được đào tạo qua những trường lớp chính quy vẫn còn rất nhiều thợ sửa chữa trưởng thành từ những lò dạy truyền miệng. Có những nhân viên sửa chữa ô tô không cần bằng cấp, thậm chí chưa học hết cấp 3, chỉ cần chăm chỉ đi theo phụ việc là thành thợ.

Tại một gara ô tô tại Hà Nội, Nguyễn Cương - một thợ học việc có tuổi đời tròn 20 nhưng đã làm thợ sửa chữa ô tô được 4 năm. Cương tâm sự, khi mới vào nghề chủ yếu đi theo thợ chính giúp họ làm những việc nặng như bê lốp, sắp xếp dụng cụ làm việc. Sau khi làm một vài tháng sẽ được đảm nhận những công việc phức tạp hơn như bảo dưỡng hệ thống phanh, thay dầu, lọc dầu động cơ và những công việc khác.

Nên chọn học việc tại các trường lớp chính quy, việc học việc truyền miệng luôn để lại những hệ lụy không nhỏ.

“Với một người học việc thì thường cần 6 tháng sẽ cứng tay nghề hoặc lâu là một năm là có thể đứng ra làm những việc có độ khó trung bình như bảo dưỡng các hệ thống treo, lái. Còn đối với những công việc lớn như đại tu các hệ thống thì cần phải mất 3-5 năm mới có thể một mình một việc được”, Cương tâm sự.

Ngoài nguồn nhân lực dồi dào, chi phí nhân công giá rẻ cũng là một tiêu chí để các chủ gara tuyển thợ học việc. Thường lương dành cho một thợ học việc mới vào nghề chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Mức lương này thấp hơn nhiều so với con số từ 8-12 triệu đồng/tháng trả cho một thợ lành nghề.

Các gara nhỏ đang phát triển theo mô hình “thợ khoán”, tức là tại gara lúc nào cũng sẵn 2-3 thợ học việc đảm nhận các công việc bảo dưỡng đơn giản và 1-2 thợ cứng làm nhưng việc sửa chữa có độ khó trung bình. Chỉ khi có những công việc lớn như đại tu khung gầm, động cơ thì chủ gara mới gọi những thợ giỏi lâu năm tới làm. Phần công việc sẽ được khoán từ 1-2 tuần tùy vào độ khó.

Với mô hình làm việc như thế các gara tối ưu được chi phí nhân công và lợi nhuận sẽ cao hơn. Chỉ có những gara lớn, lượng công việc đều thì mới có những thợ giỏi làm việc liên tục.

Hệ lụy từ thợ học việc

Thợ học việc đem tới cho gara lợi nhuận không nhỏ, nhưng đi kèm với đó là những hệ lụy mà chính chủ xe là người phải gánh chịu.

Anh Trần Lê là một nhân viên lâu năm tại một gara tư nhân ở Hà Đông cho biết, do là một xưởng sửa chữa nhỏ nên ông chủ kiêm luôn thợ chính và chỉ thuê 2-3 thợ học việc. Có lần một thợ học việc được giao thực hiện việc thay lọc dầu động cơ cho chiếc xe Mazda BT-50 nhưng do phần lọc dầu nằm khuất phía trong bánh lái nên người này đã lắp sai.

Thật may là ngay ngày hôm sau chủ xe đã phát hiện vệt dầu chảy dưới gầm xe và đưa xe quay lại kiểm tra. Khi đó, phát hiện do lọc dầu lắp không đúng nên đã gây rò rỉ mất 1/3 lượng dầu động cơ.

"Rất may họ đưa xe đến kiểm tra kịp thời nếu không tình trạng thiếu dầu bôi trơn có thể gây bó cứng động cơ dẫn tới các hư hỏng nghiêm trọng và lúc đó chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng", anh Lê kể.

Nhiều trường hợp xe mới ra khỏi gara đã gặp hư hỏng.

Tương tự anh Văn Minh (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) kể lại việc từng cho xe ô tô của mình vào một gara ngoài để thay lưỡi gạt mưa. Tại đây, một thợ học việc khi tháo lưỡi gạt mưa đã tuột tay làm cần gạt đập vào kính chắn gió gây nứt kính. Dù rất cáu giận nhưng sự việc đã xảy ra và cũng vì có tính thương người nên anh đành chịu 50% chi phí thay kính chắn gió.

Còn rất nhiều trường hợp khác như: Đổ nhầm dầu động cơ vào bình nước làm mát, đổ thiếu dầu động cơ hay vặn các bulong sai lực, sai chiều. Cũng không thiếu trường hợp xe vừa lăn bánh khỏi gara thì “bánh đi trước xe theo sau”...

Theo ông Ngô Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội ô tô thể thao, hiện nay các gara ô tô đang hoạt động một cách tự do, không có sự quản lý, hậu kiểm dẫn đến nhiều trường hợp khách hàng khiếu kiện về dịch vụ nhưng cũng không đi đến đâu. Vì thế, việc đầu tiên là cơ quan quản lý cần có kiểm tra chặt chẽ các cơ sở không có hoặc không đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định.

"Đứng ở góc độ một quản trị viên của Cộng đồng Otofun và cũng là một người sử dụng ô tô hằng ngày, tôi cho rằng để quản lý tốt nhất chất lượng dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, ngoài các quy định hiện có thì cần có thêm quy định cho phép cơ quan quản lý nhà nước về an toàn kỹ thuật thực hiện việc giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở này".

Nguyễn Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/he-luy-khon-luong-khi-tho-hoc-viec-ra-tay-sua-chua-o-to-d600942.html