Hé lộ kết quả kinh doanh quý I: Phân hóa giữa các ngân hàng

SSI Research vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý I/2023 của 32 công ty trong phạm vi nghiên cứu của đơn vị này. Trong số này, có 8 ngân hàng dự kiến có lợi nhuận tăng trưởng, trong khi có 2 ngân hàng dự kiến sẽ có lợi nhuận suy giảm.

Theo dự báo của SSI Research, trong số 32 doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu thì có 18 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý I/2023. Trong số này có 8 ngân hàng dự kiến sẽ có lợi nhuận tăng trưởng gồm: ACB, BID, CTG, HDB, MBB, STB, VCB, VIB. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác cũng tăng trưởng dương như: ACV, CTR, DBD, FPT, IMP, KBC, PVD, PVT, QNS, VRE.

SSI Research ước tính kết quả kinh doanh quý I/2023 của 32 công ty, trong đó có 18 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 14 công ty có dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.

Đối với ACB, chuyên gia của SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong quý I/2023 có thể giảm khoảng 1% so với đầu năm do nhu cầu tín dụng thấp. Tổng huy động của ACB dự kiến tăng trưởng tốt hơn tín dụng khoảng 2% - 3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến tăng nhưng vẫn duy trì dưới 1%. Mặc dù lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm với tốc độ nhanh hơn so với lãi suất huy động, SSI Research cho rằng, biên lãi ròng (NIM) vẫn sẽ cao hơn so với quý I/2022 nhưng thấp hơn so với quý trước. Do đó, kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của ACB sẽ đạt khoảng 4,8 - 5 nghìn tỷ đồng (+16,7% - 21,6% so với cùng kỳ).

Nhiều ngân hàng dự báo duy trì lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý I. Ảnh: Minh họa.

Nhiều ngân hàng dự báo duy trì lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý I. Ảnh: Minh họa.

Đối với BID, SSI Research dự báo tăng trưởng huy động tăng nhẹ so với đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì ổn định với mức tăng 4% so với đầu năm. NIM dự kiến sẽ đi ngang so với quý trước và giảm nhẹ so với cùng kỳ. Chi phí tín dụng dự kiến giảm từ mức nền cao của quý I/2022, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của BID đạt khoảng 32 - 39% so với cùng kỳ.

Với CTG, SSI Research dự báo ngân hàng này có thể đạt khoảng 6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2023, tăng khoảng +3% so với cùng kỳ.

SSI Research cũng dự báo lợi nhuận trước thuế của HDB trong quý I/2023 ước đạt 3 - 3,2 nghìn tỷ đồng (+20% - 25% so với cùng kỳ) với tín dụng tăng trưởng mạnh 10% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát.

Lợi nhuận trước thuế của MBB cũng dự kiến đạt khoảng 6,5 - 7 nghìn tỷ đồng, tăng 10% - 18% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi cân bằng ở mức +3,5% so với đầu năm.

Đối với STB, theo SSI Research, hoạt động kinh doanh cốt lõi của STB dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng vượt trội 57% - 70% so với cùng kỳ (2,5 - 2,7 nghìn tỷ đồng) so với mức nền thấp trong quý I/2022. Trong khi tăng trưởng tín dụng của STB dự kiến sẽ thấp hơn 1% so với cuối năm 2022, tổng tiền gửi dự kiến sẽ tăng nhẹ trong quý I/2023.

Với VCB, SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng quý I/2023 đạt +2,5% so với đầu năm và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 10,5 - 11 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế của VIB cũng dự kiến đạt khoảng 2,5 - 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng từ 10% - 18% so với cùng kỳ) trong quý I/2023, đạt 22% kế hoạch được công bố tại đại hội cổ đồng. SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tổng tín dụng và tổng tiền gửi sẽ gần như đi ngang so với năm 2022. Trong khi NIM của VIB ước tính thấp hơn so với quý IV/2022 còn tỷ lệ nợ xấu được dự báo sẽ tăng lên.

Một số ngân hàng dự báo lãi trước thuế quý I giảm do chi phí tín dụng cao và rủi ro từ chất lượng tài sản. Ảnh: Minh họa.

Một số ngân hàng dự báo lãi trước thuế quý I giảm do chi phí tín dụng cao và rủi ro từ chất lượng tài sản. Ảnh: Minh họa.

Trong khi đó, ngoài các công ty BSR, DCM, DGW, DPM, FRT, GAS, HAH, HPG, HSG, QTP, TRA, VTP, trong danh sách lần này, SSI Research cũng dự báo có 2 ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng âm là MSB và TCB.

Theo đó, đối với MSB, SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng và tiền gửi ước đạt lần lượt 13,5% và 8% so với đầu năm. Tuy nhiên, áp lực từ việc chất lượng tài sản suy giảm sẽ hiện rõ hơn trong quý I/2023, gây ảnh hưởng thận trọng đến lợi nhuận cốt lõi của MSB. Do đó, đơn vị này kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ đạt khoảng 1,3 - 1,5 nghìn tỷ đồng (-13% - 0% so với cùng kỳ).

Còn đối với TCB, theo quan điểm của SSI Research, lợi nhuận của TCB sẽ chịu ảnh hưởng kém tích cực trong quý I/2023 do NIM giảm và chi phí tín dụng cao hơn dự kiến. Lợi nhuận trước thuế của TCB dự kiến sẽ giảm so với cùng kỳ./.

Báo cáo của SSI Research còn dự báo 2 "ông lớn" của ngành thép sẽ có lợi nhuận quý I/2023 suy giảm. Theo đó, HPG vẫn có thể ghi nhận lỗ trong quý I/2023, so với mức lợi nhuận dương 8,2 nghìn tỷ đồng trong quý I/2022, do công suất hoạt động tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu. Tuy nhiên, mức lỗ có thể ít hơn nhiều so với mức lỗ của 2 quý liền trước nhờ sự hồi phục của giá thép. Còn với HSG, lợi nhuận đã có sự hồi phục khả quan kể từ tháng 2 và có thể đạt 50 tỷ đồng trong quý II niên độ tài chính năm 2023 nhờ giá thép phục hồi. Tuy nhiên, so với kết quả trong quý II niên độ tài chính năm 2022, mức lợi nhuận trong quý vừa qua vẫn có thể giảm hơn 70%.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/he-lo-ket-qua-kinh-doanh-quy-i-phan-hoa-giua-cac-ngan-hang-125317.html