Hé lộ 'Con đường Hoàng gia' tại Khu đền tháp Mỹ Sơn

Trong quá trình thăm dò khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở khu vực tháp K thuộc Khu di tích Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), các nhà nghiên cứu đã xác định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII, mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến. Đây là 'Con đường Hoàng gia' - con đường dẫn để thần linh - vua chúa và tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng Thánh địa Mỹ Sơn.

Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, Thánh địa Mỹ Sơn là một trong những trung tâm đền tháp chính của Ấn Độ giaoớ̉ khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Đây là tổ hợp gồm 68 kiến trúc đền tháp phân bố thành 8 cụm, mỗi cụm có một đền tháp chính và các đền tháp phụ trợ phân bố ở trung tâm một thung lũng núi đường kính khoảng 2km, với trục chính là suối Khe Thẻ.

Một đoạn của “Con đường Hoàng gia” tại khu vực tháp K được phát lộ.

Mỹ Sơn được người Chăm bắt đầu xây dựng vào thế kỷ IV và liên tục được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn, nhỏ trong nhiều thế kỷ sau đó và chỉ kết thúc khi vùng đất phía bắc sông Thu Bồn sáp nhập vào lãnh thổ nước Đại Việt (năm 1306) và bị lãng quên cho đến khi được người Pháp phát hiện vào năm 1885. Do vậy, ở Mỹ Sơn đã tồn tại những đại diện, thậm chí là đại diện tiêu biểu nhất của hầu hết các giai đoạn và phong cách nghệ thuật kiến trúc Chămpa theo bảng phân loại phong cách nghệ thuật kiến trúc người Pháp P.Stern đưa ra từ năm 1942, mà cho đến nay vẫn là công trình nghiên cứu không thể thay thế.

Nằm trong hệ thống kiến trúc tháp Chăm, các kiến trúc ở Mỹ Sơn được xây dựng với mục đích thờ tự các vị thần Ấn Độ giáo, chủ yếu là thờ thần Shiva thể hiện qua bộ ngẫu tượng Linga - Yoni, biểu tượng của thần Shiva, các tượng thờ, những bức phù điêu thể hiện chủ đề thần Shiva giữ vai trò chủ đạo. Vai trò khu di tích đảm nhận là trung tâm tôn giáo của vương triều, được đích thân các nhà vua tổ chức xây dựng. Chính vì vậy mà Mỹ Sơn được các nhà nghiên cứu gọi là “Thánh địa” tôn giáo của vương quốc Chămpa.

“Kết quả nghiên cứu ở Khu di tích Mỹ Sơn trong những năm qua đã xác định ngoài những công trình kiến trúc đền tháp hiện còn, nơi đây cũng hiện diện những phế tích kiến trúc mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể nhận diện rõ ràng như các khu phế tích kiến trúc tháp M, N, K; những dấu tích kiến trúc đã phát hiện khi nghiên cứu tu bổ, tôn tạo các khu tháp G, H, L; những dấu tích kiến trúc ở khu vực sân Nhà Đôi - Mỹ Sơn…”, ông Nguyễn Công Khiết cho biết thêm và đưa ra nhận định, trong số những vấn đề cần nghiên cứu có vấn đề nghiên cứu những phế tích kiến trúc phân bố quanh khu tháp K.

Những tư liệu được tích lũy trong nhiều năm qua của các nhà khoa học trong nước và quốc tế; đặc biệt là những tư liệu khảo cổ thu thập từ việc các chuyên gia khảo cổ Ấn Độ trùng tu tháp K năm 2017-2018 đã đưa đến một giả thiết về con đường thần đạo đi vào Mỹ Sơn khác hẳn với cách thức hiện nay được thiết kế để đón du khách đến tham quan Mỹ Sơn.

Tháp K là một tháp đơn lẻ nằm ở phía tây bắc thung lũng, nằm khá độc lập với các nhóm tháp khác. Tháp được xây dựng trên vùng đất phẳng rộng, khá cao, phía tây và tây nam không xa tháp là dòng suối Khe Thẻ chảy uốn lượn. Thực hiện Quyết định số 1156 /QĐ-BVHTTDL ngày 4/5/2023 của Bộ VH-TT&DL về việc thăm dò khảo cổ tại khu vực tháp K, trong tháng 6/2023, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thăm dò khảo cổ quanh khu vực tháp K với diện tích 20m2. Các nhà khảo cổ đã mở 5 hố thăm dò, mỗi hố có diện tích 4m2. Các hố thăm dò đều được mở theo dạng rãnh giao thông hào, kích thước 1x4m, hướng hố được đặt theo hướng của di tích.

Kết quả đào thăm dò đã xác định có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII, mà lần đầu tiên giới nghiên cứu khảo cổ - lịch sử trong nước và quốc tế được biết đến. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tính chất của con đường thể hiện đầy đủ nhất trong tên gọi là “Con đường Hoàng gia” - con đường dẫn để thần linh - vua chúa và tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng Thánh địa Mỹ Sơn.

Theo ông Nguyễn Công Khiết, từ kết quả nghiên cứu cũng đặt ra một số vấn đề khoa học cần được tiếp tục giải quyết. Đó là dấu tích “Con đường Hoàng gia” đã được phát hiện, đoạn đường có thể xác định theo hố thăm dò dài trên 65m và xác định trên khảo sát điền dã dài trên 150m tính từ tháp K, nhưng nó kéo dài tới đâu và có hướng thẳng đến khu E - F như hiện nay không?

Thêm nữa, niên đại con đường hiện đang được xác định sơ bộ vào khoảng thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K. Tuy nhiên, theo bia ký còn ghi lại, những ngôi tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ V; dấu tích kiến trúc sớm nhất còn lại là tháp F1 có niên đại cuối thế kỷ VIII. Vậy có khả năng tìm thấy dấu tích của một con đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn trước thế kỷ XII?

“Liên quan đến vấn đề thứ 2 rất quan trọng, là liệu Thánh địa Mỹ Sơn có thay đổi về không gian linh thiêng qua mỗi thời kỳ lịch sử? Việc nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc đường đi ở khu vực quanh tháp K nhằm làm rõ về sự hiện diện của “Con đường Hoàng gia” đi vào Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa là một việc làm rất cần thiết. Hoàn thành công việc sẽ đóng góp thêm những tư liệu mới góp phần nhận thức toàn diện hơn về không gian văn hóa - lịch sử - kiến trúc Mỹ Sơn.

Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần giúp Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phát huy tốt hơn giá trị lịch sử văn hóa di tích; tổ chức đưa đón du khách theo đúng con đường di sản người Chăm đã để lại, giúp du khách có cái nhìn rõ ràng hơn về Thánh địa Mỹ Sơn và văn hóa Chămpa trong lịch sử”, ông Khiết nhận định.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/he-lo-con-duong-hoang-gia-tai-khu-den-thap-my-son-i704792/