Hé lộ bí quyết của 'thợ săn thần dược' tăng cường bản lĩnh đàn ông

Để bắt được hải sâm - thứ được xem là "thần dược", tăng cường bản lĩnh đàn ông, các thợ săn phải có kinh nghiệm.

Đã bắt đầu mùa hải sâm nhưng cha con anh Hà Ngọc (SN 1986), trú tại xóm 7, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vẫn “bình chân như vại”, mặc cho mọi người rủ rê ra biển săn bắt. Anh Ngọc đã cùng bố đi biển bắt hải sâm này từ năm 10 tuổi, đến nay cũng được 20 năm.

“Quê tôi, con hải sâm được gọi là con “rum”, nhưng hiện giờ chưa nhiều lắm đâu, ở gần biển đi cả buổi chẳng bắt nổi 3kg. Muốn bắt thì phải ra xa hơn và lặn sâu hơn kia, bởi con “rum” thường sống ở các vùng nước biển nông, dưới đáy nhiều cát”, anh Ngọc cho biết.

Anh Ngọc và dụng cụ bắt "rum".

Anh Ngọc chia sẻ: "Người ta nói bây giờ là mùa nhưng thực chất “rum” có quanh năm. Tuy nhiên do chúng là loài động vật cấp thấp, chịu nóng rất kém, vì vậy bắt đầu vào mùa hè “rum” thường lặn dần xuống biển và không dám nổi lên. Chỉ khi bắt đầu thời tiết mát dịu dần “rum” mới thức dậy và nổi lên mặt nước kiếm ăn. Thời gian “rum” nhiều nhất là vào khoảng tháng 3 và tháng 4. Mỗi tháng có khoảng 2 tuần có con nước để săn rum biển, nhiều người đi cả ngày lẫn đêm”.

Theo đó, loài hải sản này có màu xám đất, thân dạng ống và dài như quả dưa chuột, quanh mình có nhiều chất nhớt, trơn. Ở giữa thân phình to, thon nhỏ ở hai đầu, trên miệng có nhiều tua. Thức ăn của chúng là phù du và các chất hữu cơ dưới biển.

Đây được xem là " thần dược " cường dương.

Dụng cụ chỉ cần một cái xiên dài khoảng 25cm (tránh việc rơi mất dụng cụ nên một số người dân thường cột thêm chai nổi trên mặt nước), một cái túi đựng là có thể đi săn hải sâm.

Anh Ngọc cho biết thêm: Nghề này nhìn thì đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Hồi xưa, cứ ra biển, đến đoạn nào nước cao ngực người, rồi đi giật lùi dọc theo bãi biển, hai chân liên tục đạp nhẹ xuống cát để tìm con “rum”.

Do mình con “rum” rất mềm và nhầy nên chạm vào là nhận ra ngay. Mỗi khi bàn chân cảm nhận được trúng con mồi, thợ săn ngay lập tức lặn xuống, một tay nắm lấy thân “rum”, một tay dùng xiên thọc sâu vào cát để cắt đứt chân nó và hất lên, sau đó nhanh chóng bỏ vào túi mang theo bên mình.

Hiện, cha con anh Ngọc và nhiều người trong làng đã mở rộng phạm vi đánh bắt “rum”. Thay vì chỉ quanh quẩn ở vùng biển quê mình, họ di chuyển sang Hà Tĩnh và Thanh Hóa.

“Mặc dù, công việc tương đối khổ cực, nguy hiểm luôn rình rập nhưng chúng tôi vẫn phải bám nghề. Hôm nào may mắn cũng sẽ được hơn nửa triệu, bù cho những ngày không kiếm được”, anh Ngọc cho biết.

Ngư dân Lê Sóng Lạng (SN 1960), với kinh nghiệm gần 45 năm đi biển cho hay: “Người không có kinh nghiệm chạm vào được “rum” một cái là mất dấu ngay. Chỉ những người nào hết sức khéo léo thì mới có khả năng bắt được nó thôi, đặc biệt là phải bơi giỏi, bởi khi chúi xuống bắt thì phải lộn “cây chuối” dưới nước mà. Nhưng muốn bắt được loại thần dược này cần phải ngâm mình hàng tiếng liền dưới nước, không có sức không làm được đâu”.

Ngư dân Lạng diễn tả lại cách săn "rum".

Ông Lạng cũng cho biết, cách đây gần chục năm, ngày đi săn như vậy trung bình mỗi người có thể bắt được hàng yến. Nhưng vào thời gian đó giá hải sâm này còn khá rẻ, một cân như vậy chỉ vài chục nghìn. Hiện nay, giá hải sâm đã lên đến khoảng 100.000 đồng/kg, nhưng nguồn đã cạn kiệt.

“Chính vì giá trị cao nên ai cũng cố gắng ra biển săn bắt khiến cho “rum” càng ngày càng hiếm. Đã vào đầu mùa nhưng số lượng “rum” rất ít, đi gần bờ chẳng kiếm được bao nhiêu đâu. Ai muốn bắt phải ra xa hơn nhưng ở nơi đó thì cần phải trang bị áo lặn. Cố gắng, mỗi ngày cũng có thể bắt được khoảng 7 – 8kg”, ông Lạng lắc đầu vì giờ đã già nên không thể đi đánh bắt “rum” nữa.

Theo quan niệm từ xa xưa, hải sâm được xem là “tứ đại danh thái” (bốn loại thực phẩm nổi tiếng) cùng với óc khỉ, tay gấu và yến sào của ẩm thực cổ truyền phương Đông và được mệnh danh là “nhân sâm của biển cả”. Người ta tin tưởng vào tác dụng chữa nhiều bệnh của nó, nhất là trị việc yếu sinh lý của người đàn ông.

Theo y học cổ truyền Việt Nam, hải sâm có vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ thận ích tinh, dưỡng huyết nhuận táo, tráng dương… Ngoài ra, nó còn được dùng để cầm máu, tiêu đờm, chữa thần kinh suy nhược, viêm phế quản, ho, mụn nhọt.

Theo kinh nghiệm dân gian, hải sâm phơi khô, tán bột là vị thuốc có tác dụng trị các bệnh về suy giảm khả năng sinh dục. Còn nếu ăn tươi có tác dụng bổ dưỡng và tăng “nóng” bản lĩnh đàn ông

Anh Ngọc

Xem thêm video:

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/he-lo-bi-quyet-cua-tho-san-than-duoc-tang-cuong-ban-linh-dan-ong-a315656.html