Hé lộ âm mưu của IS sau vụ tấn công sân vận động ở Anh

Giới chuyên gia cho rằng bằng cách tấn công những đứa trẻ đang dự buổi biểu diễn của nữ ca sĩ nhạc pop người Mỹ Ariana Grande tại sân vận động Manchester Arena, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng muốn kích động sự giận dữ tối đa và gieo mầm mống chia rẽ thông qua việc hướng mọi người quay sang chống lại những người Hồi giáo.

Vụ tấn công đẫm máu nhất tại anh kể từ năm 2005.

Vụ tấn công này khiến 22 người bị thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương. Đây là vụ tấn công gây thương vong nghiêm trọng nhất ở Anh kể từ tháng 7/2005, khi đó 4 kẻ đánh bom liều chết thuộc mạng lưới al-Qaeda tấn công các tàu điện ngầm và xe buýt ở thủ đô London làm 52 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương.

Theo David Videcette - cựu thám tử của Metropolitan Police (Sở cảnh sát đô thành London), người từng điều tra các vụ tấn công ở London năm 2005, IS có vẻ như đã rất kỹ càng trong việc lựa chọn mục tiêu tấn công ở Manchester. Ông nói: "Tôi cho rằng đây là một âm mưu có tính toán của chúng (IS) nhằm kích động sự giận dữ và phẫn nộ của công chúng để họ chuyển hướng sang căm thù người Hồi giáo bởi như vậy sẽ giúp chúng dễ dàng tuyển mộ lực lượng". Theo ông Videcette, vụ đánh bom ở Manchester cũng trùng với thời điểm kỷ niệm 4 năm ngày binh sỹ Lee Rigby bị hai kẻ khủng bố sát hại ở London và hai tháng sau vụ tấn công gần tòa nhà Quốc hội Anh. Ông Videcette cho rằng thông điệp của chúng là "chúng tôi có thể làm mọi điều tùy thích, ở những nơi chúng tôi muốn và theo cách chúng tôi lựa chọn. Không ai có thể ngăn cản được chúng tôi".

Yves Trotignon, cựu nhân viên cơ quan tình báo nước ngoài của Pháp DGSE, đã so sánh vụ tấn công ở Manchester với hai vụ tấn công tàn bạo ở Pháp hồi năm ngoái: Một vụ tấn công bằng xe tải khiến 86 người bị thiệt mạng ở thành phố biển Nice và vụ sát hại linh mục Jacques Hamel gần Rouen. Ông nói: "Trong các vụ tấn công này, điều gây sốc nhất chính là mục tiêu. Tất cả các cơ quan an ninh đều lo ngại rằng những kẻ khủng bố sẽ tấn công vào những mục tiêu mà công chúng đều biết rằng không có khả năng chống đỡ. Chẳng hạn như vụ tấn công ở Nice, với những đứa trẻ bị đè bẹp và giết hại, hoặc vụ sát hại linh mục Hamel. Tất cả đều gây sốc nặng".

Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng vụ tấn công tại sân vận động Manchester thật "kinh hoàng và đáng ghê tởm", nhưng bà nhấn mạnh rằng vụ tấn công này không thể chia rẽ được nước Anh.

Trong khi đó, ông Videcette nói rằng đây là vụ đánh bom quy mô lớn đầu tiên tại Anh kể từ các vụ tấn công ở London năm 2005, và đó là một thực tế cần quan tâm. Ông nhấn mạnh: "Có một sự thay đổi đáng kể bởi hai lý do: Thứ nhất là xu hướng tấn công và thứ hai là sự chuyên nghiệp trong việc chế tạo thiết bị gây nổ ngẫu tác được che giấu mà không lực lượng bảo vệ nào phát hiện ra".

Shashank Joshi, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng, mặc dù phương thức tấn công và mục tiêu tấn công được coi là bất thường ở Anh, song thực tế chúng cũng không phải đặc biệt nếu đặt trong bối cảnh quốc tế. Ông nói rằng vụ tấn công nhằm vào những người đi nghe nhạc ở Manchester vừa qua làm người ta nhớ đến vụ tấn công hồi tháng 11/2015 ở Nhà hát lớn Bataclan tại Paris làm 90 người bị thiệt mạng. Đây là một vụ tấn công có đặc điểm chung là "nhằm vào một mục tiêu mềm và chúng ta thấy kiểu tấn công này đã lặp lại ở châu Âu trong những năm gần đây. Chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới và hiện giờ mục tiêu được lựa chọn nhiều hơn cả chính là trẻ em. Việc này về cơ bản không có gì khác so với việc bắt cóc các trẻ em gái Yazidi, cưỡng bức và giết hại chúng mà IS đã làm.

M.Châu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/he-lo-am-muu-cua-is-sau-vu-tan-cong-san-van-dong-o-anh.aspx