Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên

Sáng 26/12, tại thành phố Đà Lạt, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội thảo 'Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên'.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kết luận hội thảo

Hội thảo với sự chủ trì của các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng. Tham dự Hội thảo có các PGS. TS Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Dự Hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, UBND, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông.

Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, Lâm Đồng là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế, với 47 dân tộc cùng chung sống, trong đó riêng đồng bào dân tộc thiếu số gốc Tây Nguyên chiếm hơn 17% đã tạo nên những nét văn hóa đa dạng, phong phú của nhiều vùng miền khác nhau; thành phố Đà Lạt trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc... Đồng chí khẳng định, Hội thảo sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong thời gian tới...

Đồng chí Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam báo cáo: Việt Nam có một lịch sử lâu đời và hào hùng, có một nền văn hóa phong phú, nhân văn và sâu sắc. Là một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, Việt Nam có truyền thống bao dung văn hóa, dung hợp văn hóa, có bề dày và chiều sâu của các lớp giá trị. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành trong suốt lịch sử và chiều sâu giá trị này. Những giá trị trong thời đại Hồ Chí Minh chính là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy các giá trị cộng đồng của các dân tộc Việt Nam; là sự tiếp thu, biến đổi và phát triển tinh hoa văn hóa nhân loại. Những giá trị này có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của dân tộc; là động lực tinh thần cho tiến bộ xã hội; là chiếc neo vững chắc trước các cuộc xâm lăng văn hóa, là chìa khóa để mở tâm hồn và tính dân tộc của người Việt, và là ngọn hải đăng, chiếc la bàn để đưa đất nước ta đi đến phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trải qua gần 40 năm đổi mới đã đặt ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn cho hệ giá trị của Việt Nam. Từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, vấn đề giá trị Việt Nam, hệ giá trị Việt Nam luôn được Đảng ta quan tâm, phát triển qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, nội dung của các hệ giá trị đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó nêu lên 4 hệ giá trị: hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam gồm 8 thành tố; hệ giá trị gia đình Việt Nam gồm 4 thành tố; hệ giá trị văn hóa Việt Nam gồm 4 thành tố; hệ giá trị quốc gia gồm 9 thành tố.

Tại hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất, các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ thực trạng triển khai việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, gắn với thực tiễn và đặc trưng riêng của vùng Tây Nguyên; vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, của hệ thống chính trị các cấp và nhân dân vùng Tây Nguyên trong việc triển khai thực hiện các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay…

Các tham luận đều khẳng định đẩy mạnh triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên. Qua đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp từ thực tiễn vùng Tây Nguyên để tiếp tục triển khai thực hiện và xây dựng có hiệu quả các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tại phiên thứ 2 thảo luận, tọa đàm bàn tròn, đại diện các cơ quan nghiên cứu lý luận, các chuyên gia, nhà khoa học trong vùng đã chia sẻ, lý giải, cung cấp thêm những thông tin, căn cứ hữu ích từ góc độ quản lý và thực tiễn từng địa phương trong vùng về việc xây dựng và thực hiện các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam ở Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay.

Kết luận hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết: Đây là Hội thảo thứ hai trong số các hội thảo, tọa đàm về 4 hệ giá trị tại các vùng, miền, địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ được tổ chức trong 2 năm 2023 - 2024 theo kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Hội thảo là diễn đàn để lãnh đạo các tỉnh ủy, các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa trong vùng trao đổi kết quả nghiên cứu; thảo luận, đi đến thống nhất nhận thức về các hệ giá trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đồng thời xác định những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và Nhân dân trong vùng triển khai thực hiện nhằm giữ gìn, phát huy các hệ giá trị, góp phần phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.

Quang cảnh hội nghị.

Hội thảo tiếp tục khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên, có vai trò và ý nghĩa quan trọng để các địa phương phát triển nhanh và bền vững; góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng, các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật… cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong Nhân dân thực hiện các hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; cụ thể hóa các giá trị nêu trên cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nên văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,…

Hoàng Khôi

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/he-gia-tri-quoc-gia-he-gia-tri-van-hoa-he-gia-tri-gia-dinh-va-chuan-muc-con-nguoi-viet-nam-trong-thoi-ky-152412