HBC: Tiền đâu để triển khai dự án ở nước ngoài?

Tình hình tài chính khó khăn, song Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) dự kiến tham gia gói thầu trị giá hàng tỷ USD ở nước ngoài.

HBC đang có khoản nợ ngân hàng quá hạn hàng nghìn tỷ đồng.

Mới đây, HBC ký kết hợp tác chiến lược với Primetech Constructions Pty, tập đoàn xây dựng đến từ nước Úc. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ phối hợp triển khai dự án khu phức hợp gồm trung tâm thương mại, khối khách sạn và khu resort tại quốc đảo Vanuatu. Dự án này có tổng giá trị đầu tư 1,8 tỷ USD, tương đương 42.000 tỷ đồng, Matevulu Sands Limited là chủ đầu tư.

HBC là tổng thầu thiết kế và thi công các hạng mục xây trị giá khoảng 21.000 tỷ đồng, tương đương 900 triệu USD. Dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2024. Ngoài ra, HBC cũng hợp tác thi công các dự án của Primetech Constructions Pty tại Úc, mà trước mắt là 4 dự án có tổng giá trị lên tới gần 1,5 tỷ USD.

Tham vọng thi công những dự án có quy mô hàng tỷ USD, song HBC đang chịu áp lực trả nợ vay ngắn hạn rất lớn, trong khi nguồn tiền mặt khá eo hẹp. Tại thời điểm 30/6/2023, Công ty chỉ sở hữu lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là gần 305 tỷ đồng, giảm 235,2 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, Công ty có tổng nợ phải trả lên tới 5.231,8 tỷ đồng, gấp 10,39 lần vốn chủ sở hữu; trong đó, nợ vay dưới 1 năm lên tới 3.370,9 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, trong báo cáo soát xét bán niên năm 2023, E&Y Việt Nam nhấn mạnh, HBC phát sinh khoản lỗ 711,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, nâng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 6/2023 lên 2.812,8 tỷ đồng (vượt vốn điều lệ).

Ngoài ra, HBC ghi nhận 1.650,4 tỷ đồng nợ quá hạn, trong đó 1.512,04 tỷ đồng là nợ quá hạn đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn lịch trả nợ đến trước ngày 22/6/2024. Đối với dư nợ còn lại đã quá hạn hoặc có thời gian đáo hạn trong vòng 12 tháng tới, Công ty đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để gia hạn lịch trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay này.

“Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”, kiểm toán viên E&Y nhấn mạnh.

Ngày 26/8 vừa qua, HBC đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để trình cổ đông kế hoạch phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, huy động tối đa 3.288 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2023 - 2024.

Trong đó, phát hành riêng lẻ hoán đổi nợ 107 triệu cổ phiếu để hoán đổi 1.284 tỷ đồng nợ; phát hành riêng lẻ 120 triệu cổ phiếu đợt 1 để huy động 1.440 tỷ đồng (cho đối tác chiến lược Primetech Constructions Pty) và phát hành riêng lẻ 47 triệu cổ phiếu đợt 2 để huy động 564 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại hội đã tổ chức bất thành do không đủ tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự theo quy định của pháp luật, xuất phát từ cơ cấu cổ đông phân tán.

Tính tới cuối năm 2022, HBC chỉ có hai cổ đông lớn là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, sở hữu 17,14%; Hyundai Elevator Co., Ltd sở hữu 10,24%. 72,62% cổ phần còn lại do cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.

Giả sử kế hoạch tăng vốn của HBC được thông qua tại lần triệu tập đại hội tới đây và được triển khai thành công, thì có tới 1.284 tỷ đồng vốn cổ phần được phát hành để hoán đổi nợ. Nghĩa là, Công ty không phát sinh dòng tiền, chủ yếu thay đổi cách ghi nhận từ nợ sang vốn chủ sở hữu. Số vốn thu về từ 2 đợt phát hành riêng lẻ, tổng cộng 2.004 tỷ đồng cũng chỉ giải quyết được một phần trong tổng nợ ngắn hạn phải trả là 3.370,9 tỷ đồng.

Mặc dù nhà thầu có thể được chủ đầu tư tạm ứng tiền theo tiến độ dự án, nhưng khi thi công dự án ở nước ngoài, HBC vẫn phải chuẩn bị một nguồn vốn nhất định. Áp lực trả nợ vay trong vòng 1 năm lớn, lượng tiền mặt hạn chế đang cản trở tham vọng “vươn ra biển lớn” của Công ty.

Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hbc-tien-dau-de-trien-khai-du-an-o-nuoc-ngoai-post329527.html