Hãy trở về nhà an toàn

Bà Quách Kim Ngọc (ngụ quận 7, TPHCM), năm nay 62 tuổi, là người gánh chịu nỗi đau bị tai nạn lao động (TNLĐ) trong hơn 46 năm qua. Năm 16 tuổi, khi đang làm việc tại một xưởng bún, bà Ngọc bị máy cán bột hút tay trái vào.

Hiện trường vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai làm 6 người tử vong

Tỉnh lại ở bệnh viện, bà Ngọc thấy mình mất các ngón tay trên bàn tay trái. “Với bàn tay khuyết tật, ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đời sống, nhưng tôi nghĩ mình còn sống là may mắn”, bà Ngọc nhớ lại. Gần 30 tuổi, một người đàn ông trong xóm thương tình cảnh bà Ngọc và ngỏ lời xin cưới. Nhưng suốt những năm đầu về làm dâu, bà luôn nghe sau lưng mình những lời nói đắng cay rằng chồng bà lành lặn lại đi lấy vợ khiếm khuyết. Không may mắn như bà Ngọc, TNLĐ đã cướp đi sinh mạng của anh Đặng Quang Tâm (ngụ quận 4, TPHCM) khiến cô con gái đang học cấp 1 rơi vào tâm trạng lo sợ mỗi khi chỉ có một mình. Vợ anh Tâm, chị Khuất Thị Hoàng Ngọc, tâm sự, một buổi sáng năm 2021, anh Tâm chào vợ con rồi đi làm như hàng ngày, nhưng đó là lần cuối chị và con gái nhìn thấy anh. Cũng từ đó, cuộc sống của mẹ con chị bị đảo lộn, lâm vào khó khăn.

TNLĐ để lại nỗi đau khôn cùng cũng như sự ám ảnh không gì bù đắp nổi. Bà Quách Kim Ngọc tâm sự, nổi ám ảnh về TNLĐ năm nào vẫn thường trực trong tâm trí bà. Cũng vì thế, bà luôn nhắc nhở các con chú ý thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động, nhất là với người con trai làm việc liên quan đến xây dựng. Thực tế, TNLĐ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào nếu có sự chủ quan, lơ là của người lao động, chủ doanh nghiệp. Điều đó cũng cho thấy các vụ TNLĐ có thể phòng tránh được nếu công tác an toàn vệ sinh lao động được quan tâm, đầu tư kỹ càng. Đặc biệt, ý thức của chủ doanh nghiệp và người lao động càng cao, có sự tuân thủ các yêu cầu về bảo hộ lao động, quy trình làm việc thì sẽ giúp giảm thiểu số vụ TNLĐ xảy ra.

Ngoài ra, rất cần chế tài, động thái xử lý nghiêm túc và cương quyết của cơ quan chức năng để đảm bảo các quy định an toàn tại nhà máy, công trình được tuân thủ nghiêm ngặt. Riêng người lao động, trước hết hãy nghĩ đến người thân của mình ở nhà, nghĩ đến những hệ lụy nếu vì phút bất cẩn để bản thân bị TNLĐ và trở thành gánh nặng của gia đình. Để từ đó, mỗi người lao động nâng cao hiểu biết về an toàn và hãy từ chối công việc được giao nếu thấy có rủi ro, nguy cơ xảy ra tai nạn, để còn có cơ hội trở về nhà an toàn sau một ngày làm việc.

NGUYỄN AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hay-tro-ve-nha-an-toan-post738123.html