Hãy tri ân bằng hành động

Những ngày tháng Bảy, hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước cùng đổ về các nghĩa trang, đặc biệt là hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9 để viếng các anh hùng liệt sĩ.

Biết ơn là nghĩa cử cao đẹp của người đang sống trong hòa bình dành cho những người đã hy sinh để có nền hòa bình, độc lập. Nhiều người sẵn sàng vượt cả ngàn cây số đến Quảng Trị chỉ để được thắp lên những phần mộ liệt sĩ một nén nhang tưởng nhớ và nói lời tri ân khi tháng Bảy về. Nhưng liệu rằng những nén hương hay những chuyến về nguồn đã đủ để thể hiện lòng biết ơn!?

Cũng là những ngày tháng Bảy, 54 người, trong đó rất nhiều người là cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành đang đứng trước tòa để nghe luận tội về những sai phạm trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu.

Người có chức vụ cao nhất trong số đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Hai người khác bị bắt khi đang giữ chức vụ phó chủ tịch cấp tỉnh, ngoài ra còn có hàng loạt các chức sắc “cỡ bự” khác. Lời khai của những cán bộ lãnh đạo này tại phiên tòa khiến dư luận phẫn nộ.

Giữa dịch bệnh hoành hành, các đối tượng này đã “ăn” cả xương máu của đồng bào khi bòn rút của những người muốn về nước tránh dịch với con số hàng trăm tỉ đồng. Những cuộc ngã giá, những khoản lót tay tiền tỉ khiến người dân vốn đã oằn lưng vì dịch lại càng thêm kiệt quệ. Đã không ít lần những cán bộ lãnh đạo này ở trong đoàn người đến viếng nghĩa trang trong những dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ.

Những nén nhang cũng đã từng được họ thắp lên phần mộ các anh hùng. Những lời tri ân cũng đã từng thốt ra trước vong linh người đã khuất. Những cái cúi đầu thành kính cũng đã từng được thể hiện một cách thuần thục trong phút tưởng niệm tri ân. Nhưng lòng biết ơn và những cái cúi đầu thành kính ở đâu khi có cơ hội kiếm chác, trục lợi!?

Sẽ không có một thước đo nào cho lòng người nhưng con người vốn được giáo dục và phải tự điều chỉnh hành vi bằng chính sự giáo dục. Trước khi bóp nghẹt cổ đồng bào, những người này có nghĩ tới sự hy sinh của lớp người đi trước để cho họ được sống trong hòa bình không? Trước khi ngửa tay cầm những vali tiền hối lộ cả chục tỉ đồng, họ có nghĩ đến những lời khấn nguyện đã từng nói khi đứng trước vong linh các liệt sĩ không? Đây là những câu hỏi mà có lẽ sẽ không cần ai phải trả lời.

Những liệt sĩ đang nằm lại ở các nghĩa trang từng là những thanh niên mười tám đôi mươi. Họ cũng từng có gia đình nhưng khi giặc đến xâm lược, những thanh niên này sẵn sàng ra chiến trường, sẵn sàng cầm súng đánh đuổi quân xâm lược.

Họ chấp nhận hy sinh cả xương máu và tính mạng để đất nước được tự do, để người dân được sống trong hòa bình. Những nén nhang hay lời tri ân khi tháng Bảy về mới chỉ là những việc cần làm chứ chưa phải đủ. Những người đang đứng trước tòa những ngày qua phần lớn là cán bộ lãnh đạo.

Họ đã được giáo dục về cả văn hóa và đạo đức cao hơn những người bình thường thì họ phải càng phải ý thức hơn về giá trị của việc tri ân này. Dùng sức lực, trí tuệ của mình để tận hiến xây dựng đất nước phồn vinh, giúp đỡ, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân mới là sự tri ân xứng đáng với sự hy sinh của hàng vạn anh hùng liệt sĩ. Sự tri ân bằng hành động luôn có giá trị cao hơn những lời nói hay những cái cúi đầu.

Có hòa bình mới có giàu mạnh. Có hòa bình mới có phát triển. Ở một góc nhìn nào đó, khi hàng vạn người đã hy sinh cho mình có được cuộc sống hòa bình mà mình “báo đáp” lại bằng cách phá hoại đất nước, bòn rút xương máu đồng bào thì đó là sự vô ơn với tiền nhân. Và khi đó, mọi nén nhang thắp lên hay những cái cúi đầu đều trở thành vô nghĩa.

Đáng tiếc hơn khi những người bị ra tòa trong vụ án lần này đều không phải là những cán bộ lãnh đạo đầu tiên có những hành vi phá hoại đất nước. Trước đó, hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp cao khác cũng đã từng bị đưa ra tòa, có người phải nhận mức án hàng chục năm tù như nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng; cựu chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long… Và đây chắc chắn rằng cũng sẽ chưa phải là những người cuối cùng.

Càng về những ngày cuối tháng Bảy, những đoàn xe hướng về các nghĩa trang càng dài thêm. Những phần mộ liệt sĩ như ấm áp hơn nhờ khói hương nghi ngút. Những liệt sĩ chắc chắn sẽ ấm lòng hơn khi nhận được sự quan tâm này.

Tuy nhiên, điều khiến các liệt sĩ ấm lòng nhất là đất nước được giàu mạnh, người dân được ấm no, hạnh phúc. Chính những con người của thế hệ hôm nay sẽ tạo ra điều đó. Đây mới chính là sự tri ân ý nghĩa nhất.

Quốc Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cung-ngam-nghi/hay-tri-an-bang-hanh-dong/178521.htm