Hãy học tập suốt đời, đừng học tập suốt ngày

Người học tập suốt đời không phải là người học suốt ngày, không chọn lọc điều cần học, mà là người học những điều để đưa vào cuộc sống, làm cho cuộc sống của xã hội và của cá nhân mình ngày càng đáng sống, ngày càng tốt đẹp.

Hành trình tri thức theo cả cuộc đời mỗi người

Trong những năm gần đây, nhất là từ khi có chủ trương xây dựng xã hội học tập, trên sách báo xuất hiện thuật ngữ "Hành trình tri thức" (The Journey of Knowledge), và với nhiều trường hợp, tác giả muốn dùng nó để nói lên quá trình học tập suốt đời của con người. Thuật ngữ "Hành trình tri thức", thực ra, không hoàn toàn là hoạt động học tập, nhưng về bản chất sâu xa, thì nội dung học tập đều có trong thuật ngữ này dù dùng nó trong trường hợp nào.

Tại bệnh viện, sau một ca làm việc, các bác sĩ ghi lại bệnh tình của những bệnh nhân trong phạm vi trách nhiệm của họ. Họ theo dõi diễn biến của những con bệnh sau khi dùng thuốc và những tác động trị liệu. Tập thể bác sĩ, y sĩ, y tá theo dõi đều đặn bệnh nhân của mình cho đến khi bệnh nhân được xuất viện hoặc không qua khỏi. Đối với mỗi ca bệnh cụ thể, các thầy thuốc rút ra những kinh nghiệm quý giá. Thực chất, đây là một bài học cần thiết để áp dụng cho những trường hợp tương tự mà họ tiếp tục phải giải quyết.

Có nhiều thầy thuốc đã viết luận án Tiến sĩ nhờ những tài liệu ghi chép lâm sàng này. Những số liệu đó là những bằng chứng chính xác, có đủ độ tin cậy khi đứng ra bảo vệ công trình trước một hội đồng khoa học.

Sau những trận so găng trên vũ đài boxing, các võ sĩ bao giờ cũng dành thì giờ để nhìn lại trận đấu. Các kết luận vì sao ta thắng một đối thủ lợi hại hoặc vì sao trận này ta lại bị đo ván… đều là những bài học bổ ích.

Hành trình nghiên cứu khoa học thường rất dài, rút ra nhiều bài học đẫm mồ hôi và máu

Vào thời Trung cổ, người ta ước ao bay được như chim. Có người nghĩ đơn giản là cần có đôi cánh đủ to là có thể bay được. Một người đã may đôi cánh bằng vải, lắp vào 2 tay rồi nhảy từ tháp chuông giáo đường xuống. Cho dù anh ta cố gắng vỗ đôi cánh của mình, nhưng vẫn rơi ngay tại chân tháp chuông và tử vong.

Sau này, Leonardo da Vinci đã thiết kế nhiều mô hình máy bay khoảng từ năm 1425 đến năm 1519. Ông gọi đó là những "cỗ máy biết bay". Khung máy bay làm bằng gỗ thông, được phủ một lớp lụa mỏng. Trong khung có một chỗ cho phi công nằm úp mặt, di chuyển đổi cánh lắp ở 2 bên thân máy bay bằng một bộ phận quay tay. Tuy nhiên, chưa có cỗ máy biết bay nào của ông nhấc được thân nó lên khỏi mặt đất.

Cuối thế kỷ XIX, Otto Lilenthal (Đức) nghiên cứu cách bay của chim để xác định khí động học trong thiết kế tàu lượn. Tại những ngọn đồi ở vùng Rhinon, ông đã thử nghiệm 2500 lượt bay của tàu lượn. Năm 1896, Lilenthal chết do tai nạn trong một chuyến bay. Ông không có cơ hội tìm ra những bài học cần thiết, nhưng những người đi sau ông đã có được những tri thức bổ ích cho việc tiếp tục sự nghiệp của ông.

Đúng 107 năm sau kể từ ngày Otto Lilenthal qua đời, ngày 17/12/1903, hai anh em Oville Wright và Wilbur Wright đã thành công trong vụ thử chiếc máy bay với thành tích bay được 40m trong 12 giây trên không trung. Nhân loại ghi nhận đây là chuyến bay đầu tiên của một chiếc máy bay. Chuyến bay lịch sử này được đặt tên là Flyer 1.

Hành trình tri thức luôn dài vô tận

Hành trình tri thức của một người đứng riêng lẻ thường đã là dài. Nhưng nếu gắn kết các hành trình của những người cùng chung một mục tiêu thì tổng thời gian của các cuộc tìm kiếm tri thức là cực kỳ dài, có thể ngang với hàng trăm đời người kết nối lại.

Hành trình tri thức của mỗi người đều có những nét riêng biệt, nhưng tất cả có một nét chung. Đó là, hành trình nào cũng thể hiện như một quá trình lao động trí tuệ nặng nhọc. Nó đòi hỏi con người những cố gắng lớn lao, sự theo đuổi kiên trì và lòng tin bền bỉ. Không có hành trình tri thức nào thoải mái như ta đi dạo chơi trong một công viên thơ mộng, lại không giống như một cuộc du lịch trên sông mà bạn là du khách chỉ việc ngồi trên thuyền ngắm mây núi giữa dòng sông trôi xuôi.

Không có lòng say mê và sự hứng thú với thứ lao động nặng nhọc này thì chắc chắn phải bỏ cuộc. Sự tập trung theo dõi các thí nghiệm, sự nung nấu những ý tưởng khoa học, sự miệt mài ngồi "ngốn" sách ở thư viện của không ít người làm công tác nghiên cứu thường làm con người quên ăn, quên ngủ. Lao động khoa học đã mài mòn sức khỏe của họ một cách ghê gớm, nhưng họ không quan tâm đến điều này. Chưa tới đích thì còn miệt mài đi, đi không ngủ, đi không biết mệt nhọc. Theo Thomas Edison, cái gọi là thiên bẩm chỉ chiếm 1%, còn lại 99% do lao động đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới mong có được một thành quả nào đó.

Điều chắc chắn là hành trình tri thức nào không vì lợi ích của nhân dân, không vì sự hùng mạnh của dân tộc, không vì lẽ sống còn của đất nước thì không bao giờ được cộng đồng người đánh giá cao. Điều ta làm tốt bao giờ cũng nhằm mục đích muốn ta trưởng thành, muốn ta sống tốt hơn, nhưng còn phải vì cả cái mục đích rộng hơn so với mục đích của cái tôi. Đây là một triết lý sống và cũng là chân lý vĩnh hằng.

Người học tập suốt đời

Người học tập suốt đời (Lifelong Learner) là người thực hiện những hành trình tri thức nối tiếp nhau trong cuộc đời của họ. Đây là những chuyến đi liền mạch, không một phút ngừng nghỉ, mà nó gần giống đoàn tàu hỏa xuyên quốc gia, đi nhiều chặng, mỗi chặng được kết thúc bằng một nhà ga. Tại ga, đoàn tàu đỗ lại, hành khách đi ga nào xuống ga nấy, hàng hóa đi tới ga nào được chuyển xuống ga đó; tiếp đó, tàu lại chuyển bánh, trên các toa xe thêm hành khách mới, thêm các hàng hóa mới.

Thước đo cuộc sống không phải ở chỗ dài hay ngắn, mà ở chỗ bạn đã sử dụng cuộc sống như thế nào".

Michel de Montaigne – Nhà văn Pháp

Người học tập suốt đời sẽ kết thúc một hành trình tri thức bằng việc tiêu hóa những kiến thức đã học, tiếp tục tiếp nhận những kiến thức mới, sao cho, trong hành trang của mình những khoảng cách (gap) giữa kiến thức đang có với kiến thức chưa có được rút ngắn. Trong một chừng mực nhất định, gap giống như một cảnh báo (warning) về sự thiếu hụt trong hiểu biết, nó yêu cầu người học cần nhận thức được sự thiếu hụt này. Vì thế, hành trình tri thức giống như một chuỗi hoạt động xếp các hiểu biết mới vào các ô còn trống trong bộ não. Đương nhiên, sức chứa của bộ não không bao giờ bị lấp đầy, cũng giống như ta đưa tri thức vào bộ nhớ của máy tính thông minh. Bộ nhớ đó chưa làm ai thất vọng.

Gap trong trí não chúng ta có tính mở (opening). Nạp bao nhiêu thông tin thì tính mở vẫn thể hiện. Chính vì thế, không bao giờ ta cảm thấy việc học của mình là đủ rồi.

Học tập suốt đời hoàn toàn không đồng nghĩa với học tập suốt ngày. Người ta học, phải có thời gian tiêu hóa những kiến thức, lưu lại kiến thức cần thiết, đưa những kiến thức thừa ra khỏi bộ não, để dành chỗ cho việc hấp thụ những kiến thức cần thiết mà ta chưa có cơ hội tiếp cận.

Jean Jacques Rousseau - Triết gia Pháp

Người sống lâu không phải là người cao tuổi, mà là người biết sử dụng cuộc sống của mình tốt hơn người khác.

Mượn ý tưởng của Montaigne và Rousseau, tôi thấy rằng người học tập suốt đời không phải là người học suốt ngày, không chọn lọc điều cần học, mà là người học những điều để đưa vào cuộc sống, làm cho cuộc sống của xã hội và của cá nhân mình ngày càng đáng sống, ngày càng tốt đẹp.

Người học tập suốt đời ở Việt Nam cần giác ngộ một điều quan trọng mang tính sống còn của dân tộc trong thời đại số ngày nay: Chỉ có làm giàu trí tuệ của từng người bằng con đường học tập sao cho đất nước có được kho tàng trí tuệ đủ lớn để cạnh tranh thắng lợi khi đưa nền kinh tế vươn ra thị trường thế giới. Chúng ta có nguồn hải sản lớn lao, có mặt hàng cà phê, trà xanh và nhiều trái cây được nhiều quốc gia ưa chuộng. Chúng ta cũng có nhiều dầu mỏ, gạo ngon nổi tiếng, đang từng bước trở thành thương hiệu trên trường quốc tế. Nhưng, những hàng hóa đó chỉ có thể đi xa khi nó chứa một hàm lượng chất xám cao, còn không, nó chỉ là hàng hóa thô. Vì thế, tri thức do chúng ta sản xuất ra phải là những tri thức mới, mang lại những giá trị gia tăng cao. Học tập suốt đời cần được hiểu là quá trình lao động sản xuất chất xám, sản xuất tri thức. Ai không học sẽ là người đứng ngoài hành trình lao động này.

Ngộ được điều này, người ta sẽ có động lực học. Không có động lực học tập thì không bao giờ học đến nơi đến chốn. Những người học tập suốt đời mấy khi thoát khỏi sự thất bại. Nhưng khi có động lực, họ không sợ thất bại. Thất bại thật sự khi ta sợ thất bại và không bao giờ dám thử, dám đương đầu với thất bại.

"Tự trọng" đích thực của người học tập suốt đời

J.K. Rowling có câu nói làm ta phải suy nghĩ: "Không thể sống mà chưa từng thất bại trừ khi bạn sống thận trọng đến mức bạn có thể chưa từng thực sự sống. Trong trường hợp đó, bạn đã mặc nhiên thất bại".

Thậm chí, X. Malcolm còn viết: "Trẻ em có một bài học mà người lớn nên học, đó là không xấu hổ khi thất bại, mà đứng dậy và thử lại. Hầu hết người lớn đều sợ hãi, thận trọng, muốn "an toàn", do đó thu mình và sợ hãi – đó là lí do tại sao rất nhiều người thất bại. Hầu hết người lớn ở độ tuổi trung niên đã tự nguyện chấp nhận thất bại".

Đọc câu này, tôi vội tự hỏi: Có đúng là như vậy không? Thực tế trả lời tôi là có như thế, và không ít trường hợp đúng như Malcolm đã viết.

Một vị giáo sư khả kính người Việt thường nói với mọi người xung quanh rằng, ông trở thành giáo sư rất sớm trong những giáo sư ở nước ta vì ông được đào tạo rất bài bản ở nước ngoài. Nhiều khi, ông phàn nàn mình không có cơ hội đưa nền giáo dục nước nhà ra khỏi tình trạng trì trệ nhiều năm qua. Một người bạn và cũng là học trò cưng của ông gần đây gọi điện cho tôi, tỏ ý ngạc nhiên rằng, ông giáo sư vốn là thần tượng của anh ta lại hoàn toàn mù công nghệ thông tin, không thể sử dụng máy tính, và thậm chí không dùng được điện thoại di động thông minh một cách "thông minh".

Tôi trả lời anh ta rằng, ông giáo sư khả kính ấy được đào tạo bài bản vào thập niên 60 của thế kỷ XX, nhưng lại què quặt trong học tập ở 2 thập niên đầu của thế kỷ XXI. Chắc ông cảm thấy công nghệ thông tin và máy tính khó với ông vì ông chỉ chuyên về một lĩnh vực hẹp của khoa học xã hội. Ông thất bại ngay khi sờ vào máy tính lần đầu và không dám nhận mình thất bại. Đấy là nguyên nhân ông thất bại trong cuộc đời khoa học của mình: Ông không thể đưa nền giáo dục đi theo hướng chuyển đổi số khi bản thân ông không thích nghi với môi trường số.

Người học tập suốt đời không thấy sự thiếu hụt tri thức là điều xấu hổ, họ chỉ xấu hổ khi không khắc phục được sự thiếu hụt ấy mà thôi. Dấu người khác về sự không hiểu biết của bản thân là một sĩ diện hão, bởi cái dốt trước sau sẽ bộc lộ ở một hoàn cảnh nào đó, tại một trường hợp nào đó. Dấu dốt là biểu hiện của sự thiếu dũng cảm, thiếu thật thà. Vì thế, văn hào người Pháp, ông Honoré de Balzac nói rằng: Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ.

Không biết thì phải học, mà học mãi vẫn chưa hiểu thì phải hỏi. Không dám hỏi thì phải chịu dốt lâu dài, còn dám hỏi, có khi chỉ dốt trong dăm phút. Điều này thấy rất rõ khi chúng ta phải làm quen với những công nghệ mới, những thiết bị thông minh. Có những người lớn đi mua một chiếc Smartphone khá đắt tiền. Nhưng chiếc máy đó vẫn chỉ được khai thác y hệt chiếc điện thoại có phím vật lý. Muốn gọi cho ai đó, họ phải cần đến một quyển danh bạ trên điện thoại. Họ không cài được danh bạ điện thoại vào cái máy thông minh của mình. Gặp một số lạ gọi tới, anh ta nói chuyện xong phải vội ghi số đó vào sổ danh bạ vì sợ quên. Khi thấy con mình nhắn tin cho bạn, họ muốn hỏi cách nhắn tin, nhưng lại sợ con hỏi lại: Bố không biết nhắn tin à?

Chiếc điện thoại thông minh có chức năng chụp hình giờ đây đang lên ngôi. Những chiếc máy ảnh vẫn được nhiều người mang theo khi đi dạo chơi, khi đi công tác hoặc du lịch, thì nay được cho vào ngăn kéo trong phòng ngủ. Đi đâu, người ta chỉ cầm theo chiếc điện thoại di động để chụp hình. Chụp được một tấm hình, họ phải sửa lại ảnh, cắt bỏ những chi tiết bên trong ảnh để tôn đối tượng chính trước bối cảnh, trang điểm lại cho nhân vật trong ảnh, thậm chí thay phông ảnh bằng phông hoàn hảo hơn, sau đó gửi cho cả chục người thân tấm ảnh đó. Toàn bộ việc chụp ảnh, sửa ảnh, gửi ảnh đi chỉ trong vòng 10 đến 15 phút đã là quá chậm. Song, đáng tiếc, có người sở hữu chiếc máy ảnh thông minh lại chưa bao giờ chụp hình bằng công cụ này.

Nói đến việc học tập suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc chúng ta phải học và hỏi. Người viết: "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ cho kịp nhân dân".
Theo Người, cái hạt nhân, cái cốt lõi trong học hỏi suốt đời có thể tóm tắt bằng 11 chữ sau: "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân".
Người giải thích, học hỏi là con đường lớn, minh minh đức là chính tâm, thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong bản thân mỗi người luôn gay go, gian khổ và liên tục. Nếu ta kiên quyết, cái mới sẽ đánh thắng cái cũ, chính tâm sẽ thành công.

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hay-hoc-tap-suot-doi-dung-hoc-tap-suot-ngay-179240417202459154.htm