Hãy đi chùa bằng tấm lòng thành

Tuy cảnh người ăn xin đầu năm nay có giảm, nhưng tình trạng chèo kéo mua nhang đèn, lá số tử vi, chim, cá, ba ba để phóng sinh và bói toán vẫn diễn ra tại nhiều chùa, miếu trên địa bàn TPHCM gây ra cảnh bát nháo, cần sớm chấn chỉnh.

Bắt động vật bán để… phóng sinh!?

Ngày bình thường, khu vực bến đò An Phú Đông (P5, Q.Gò Vấp) có tới 3, 4 gian hàng bán nhiều loại chim, cá, ba ba để phóng sinh. Vào những ngày đầu năm âm lịch, việc buôn bán các loại chim, cá... để phóng sinh còn nhộn nhịp hơn. Hàng trăm con chim ri, se sẻ bị nhốt trong những chiếc lồng cũ kỹ, cùng đàn cá trê, cá chép, ba ba to bằng ngón tay thả trong những chiếc thau, chậu tù túng được bày bán nhan nhản. Không chỉ trên bến đò, vào dịp này nhiều chủ đò cũng tranh thủ kinh doanh thêm động vật cho khách đi đò mua để phóng sinh. Hàng trăm con rùa, ba ba "sữa" nhốt trong những chiếc ly nhựa, sẵn sàng "trao tay" cho khách.

Trong khuôn viên và khu vực phía sau miếu Nổi (P5, Q.Gò Vấp), các loại chim, cá, ba ba để phóng sinh với đủ kích cỡ được mua bán nhộn nhịp chẳng khác nào một khu chợ "chồm hổm". Do nước sông Vàm Thuật bị ô nhiễm nặng, sau khi được thả xuống sông, nhiều con cá lập tức trồi đầu lên mặt nước thở thoi thóp, số khác thì chết phơi bụng hoặc bị một số người làm nghề chài lưới, xiệc điện chực sẵn gần đó đánh bắt trở lại.

Chim, cá, ba ba được bày bán để người đi chùa đầu năm mua đem phóng sinh

Tại chùa Hội Sơn và chùa Châu Đốc 3 (P.Long Bình, TP.Thủ Đức), việc mua bán chim, cá, ba ba để phóng sinh diễn ra còn nhộn nhịp hơn. Trong khuôn viên của các chùa này, chim, cá, ba ba để phóng sinh cũng được bày bán nhan nhản. Hàng trăm con chim cùng hàng ngàn con cá, ba ba nhỏ bị người bán nhốt trong lồng, nuôi trong các thau, chậu tù túng. Mỗi khi có khách hành hương đi qua, một số người bán tìm cách mời chào họ mua. Có người còn xách từng bịch lẽo đẽo theo sau du khách, chèo kéo để bán hàng cho bằng được.

Nhộn nhịp nhất phải kể đến khu vực bến đò Phước Bình Mỹ nằm trước hai ngôi chùa trên. Tại đây, hàng trăm con chim, cá, ba ba bị người bán nhốt sẵn trong thau, chậu, bỏ trong bịch nylon hoặc lồng sắt nhỏ xíu, chờ bán cho khách. Nhìn những con chim run rẩy, ủ rũ, lông lá xác xơ, tiếng kêu thảm thiết và những con cá ngóc đầu ngáp ngáp, thở thoi thóp, nhiều người không khỏi xót xa.

Tương tự, trên nhiều chuyến đò chở khách trên sông giữa hai ngôi chùa này, chủ đò chở theo hàng chục bịch nylon chứa cá trê, cá chép để tranh thủ bán cho khách phóng sinh. Khách mua xong, chủ đò sẽ lái phương tiện ra giữa sông Đồng Nai để họ thả cá. Tuy nhiên, do bị nuôi nhốt trong môi trường thiếu ôxy, nhiều con cá phơi bụng, ngáp ngáp, không biết có sống được hay không. Ngoài việc bán cá, ba ba để phóng sinh, chủ đò còn bán đủ loại nhang, đèn nhằm đáp ứng nhu cầu hành hương, cầu tài, cầu lộc của du khách.

Tình trạng ăn xin trước một ngôi chùa

Lá số tử vi, bói toán, ăn xin

Tại nhiều chùa, miếu còn có những người bán đủ loại sách xem số mệnh, lá số tử vi. Tình trạng người ăn xin, bói toán vẫn còn tồn tại. Vào những ngày đầu năm, khu vực bên hông miếu Nổi thường có 2, 3 người bày bán đủ loại sách như: văn khấn, lịch vạn niên và nhiều nhất là lá số tử vi. Người bán in hàng trăm tờ lá số tử vi trên những tờ giấy A4, xếp lại thành từng chồng để bán. Mỗi khi có khách đi ngang qua, người bán cầm những xấp lá số tử vi chìa ra trước mặt để chèo kéo họ mua.

Những ngày qua, trong khuôn viên chùa Hội Sơn thường có một phụ nữ lớn tuổi trải tấm bạt nhỏ, bày biện nhiều loại sách xem tướng số, sách số mệnh, văn khấn và hàng trăm lá số tử vi để bán cho khách. Trước cổng ngôi chùa này (đoạn nằm gần bến đò Phước Bình Mỹ) cũng có nhiều gian hàng bán đồ chơi trẻ em kiêm luôn việc bán lá số tử vi. Tại khu vực trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm (Q3), các loại sách xem chỉ tay, tướng số, lịch vạn niên và lá số tử vi cũng được rao bán tràn lan. Tin vào những lời ghi chép trong những tờ giấy A4 đó, nhiều người sẵn sàng móc ví lấy tiền mua rồi đọc ngấu nghiến.

Bên cạnh các loại sách số mệnh, lá số tử vi, tình trạng bói toán cũng xuất hiện tại nhiều ngôi chùa dịp đầu năm. Những ngày qua, tại đường vào chùa Châu Thới (Bình Dương) có một phụ nữ hành nghề coi bói bằng hình thức bói bài. Lúc khách đi ngang qua, người phụ nữ này thường đưa tay ra vẫy, mời coi bói. Ở miếu Thần Tài tại chùa Châu Đốc 3 cũng xuất hiện một phụ nữ trung niên môi son, má phấn, tay cầm bộ bài tây. Thấy chúng tôi đi ngang qua, người phụ nữ này luôn miệng chèo kéo, mời ghé vào chấm tử vi, coi bói. Bà ta "nổ": "Mới coi cho nhỏ kia, nó khen tui nói đúng quá trời! Cậu vào đây, tui chấm tử vi cho một quẻ, muốn cho bao nhiêu thì cho...".

Sách xem số mệnh, lá số tử vi bán nhan nhản tại nhiều ngôi chùa

Năm nay, TPHCM tăng cường thu dung người ăn xin, lang thang cơ nhỡ nên tình trạng người ăn xin ở ngoài đường giảm rõ rệt so với một số năm trước. Tuy nhiên, tình trạng người ăn xin vẫn còn xuất hiện tại nhiều ngôi chùa, xin tiền khách hành hương. Tại chùa Châu Đốc 3 thường có 3, 4 phụ nữ trong bộ dạng khắc khổ hành nghề ăn xin. Mỗi lần có người đi ngang qua, họ liền chìa chiếc rổ nhựa ra trước mặt để xin tiền.

Đối diện tu viện Tường Vân trên đường Nguyễn Hữu Trí (H.Bình Chánh) cũng xuất hiện nhiều người bán sách bói toán, lá số tử vi và gần chục người ăn xin, gồm người già lẫn trẻ nhỏ. Gặp khách đi chùa, họ chìa nón ra trước mặt để xin bố thí. Nhiều đứa trẻ con lẽo đẽo sau lưng khách hành hương để xin tiền, gây ra cảnh bát nháo, khó coi.

Đi chùa đầu năm để cầu tài lộc, sức khỏe, bình an là nét văn hóa truyền thống bao đời nay của người Việt Nam. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần dẹp bỏ những loại hình bát nháo "ăn theo" trên để giữ gìn nét đẹp văn hóa ở chốn tâm linh.

Chim, ba ba bày bán tràn lan ở Miếu Nổi

Hải Văn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/hay-di-chua-bang-tam-long-thanh_159306.html