'Hãy để thơ ca mang khát vọng của cái đẹp và sự tự do đến mỗi người'

Đó là lời khai mạc xúc động của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong đêm thơ Nguyên Tiêu Hoàng Thành, giữa gió mưa và giá buốt. Một đêm Thơ trở nên huyền ảo và thiêng liêng hơn khi thi ca vẫn vang lên ấm nồng trong mưa phùn. Thơ với hành trình suốt chiều dài đất nước, đi qua 54 dân tộc đã chạm đến cảm xúc sâu lắng của con người, một bản hòa âm về đất nước.

1. Với nhiều nỗ lực đổi mới, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 kỳ vọng mang đến cho người dân Thủ đô một bữa tiệc thi ca giàu sắc màu. Năm nay, thiết kế tổng thể của Ngày thơ Việt Nam được lấy cảm hứng từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc và nền thơ ca của 54 dân tộc anh em. Họa tiết thổ cẩm được lựa chọn làm nền cho tất cả những hình ảnh tại Ngày thơ Việt Nam, tạo nên sự giao hòa của những vẻ đẹp của truyền thống ở giữa không gian hoàng thành Thăng Long cổ kính, linh thiêng.

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai (Dân tộc Mường) đọc thơ trong đêm Nguyên Tiêu.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong đêm thơ Rằm tháng Giêng lần thứ 22, gió rét và mưa bay như một thách thức của thi ca nhưng với dân tộc Việt Nam, càng trong thách thức, khổ đau và mất mát, những "đóa hoa" của trái tim, của mỗi gương mặt được mở ra, như những trái tim đang đập trong đêm nay tại Hoàng thành Thăng Long thiêng liêng và kỳ vĩ. Đó chính là bản chất của dân tộc Việt Nam và khiến cho dân tộc Việt Nam trở thành cái tên khác biệt trong toàn bộ lịch sử thế giới.

"Hãy để thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của người Việt. Hãy để thơ ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Xin các nhà thơ hãy cùng nhau cất lên "Bản hòa âm đất nước", xin những người yêu thơ ca hãy bước đến để đón nhận, hưởng thụ bằng vòng tay, trái tim và lương tri của mình vẻ đẹp của dân tộc mà một trong những vẻ đẹp đó là thi ca", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng bày tỏ niềm hứng khởi khi thơ ca của các dân tộc với những vẻ đẹp riêng biệt lần đầu tiên cùng vang lên tại một không gian văn hóa và lịch sử là Hoàng thành Thăng Long. "Trong không gian linh thiêng ấy, giọng nói của nhà thơ đại diện cho các dân tộc Việt Nam vang lên. Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Khách tham quan có cơ hội tìm hiểu những vẻ đẹp của thơ ca của nhiều vùng văn hóa khác nhau thông qua thơ ca của các dân tộc Kinh, Tày, Mường, Pa Dí, Dáy, Khmer, Chăm, Hoa...”.

Đêm thơ Nguyên Tiêu lần thứ 22 trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam bao gồm 4 phần: Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; Các nhà thơ quốc tế tham gia giao lưu và đọc thơ; Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam; Những dư âm còn mãi.

Tại chương 1 "Thơ và tác giả dân tộc vùng núi phía Bắc", nhà thơ Nguyễn Minh Cường mang đến sân khấu bài thơ "Người Tân Trào" (tác giả Nông Quốc Chấn), nhà thơ Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí) trình bày bài thơ "Con trai người Pa Dí". Trong khi đó, ở chương 2 "Thơ và các tác giả dân tộc miền Bắc", nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành - gương mặt nổi bật của thi ca trong năm qua trình bày bài thơ "Giấc mơ sông Thương", nhà thơ Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường) trình bày bài thơ "Khúc hát mùa xuân"…

Ở phần "Thơ và tác giả quốc tế", chương trình có sự góp mặt của nhà thơ Jeon-Min (Hàn Quốc) với bài thơ "Có một Vịnh Hạ Long trong lòng Hà Nội", nhà thơ Bành Thế Đoàn (Trung Quốc) trình bày bài thơ "Chuyến đi Việt Bắc"... Cả hai đều mang tới khán giả những cảm xúc đặc biệt, khi có cái nhìn đặc sắc, đầy yêu mến dành cho những cảnh sắc Việt Nam.

Trong chương 4 "Thơ và tác giả miền Trung và Nam Trung bộ", nhà thơ Nguyễn Quang Hưng trình bày đoạn trích trường ca "Đẻ đất đẻ nước" (sử thi dân tộc Mường), nhà thơ Kiều Maily (dân tộc Chăm) trình bày bài thơ "Hồn du mục"… Tại chương 5, các nhà thơ Nam bộ và Tây Nguyên cũng mang tới sân khấu những nét độc đáo của dân tộc mình, với các tác phẩm thi ca vừa phóng khoáng, vừa yêu đời, vừa tràn lòng mến khách.

Một góc của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22.

Con thuyền thơ của đêm Nguyên Tiêu đã đưa người yêu thơ đi từ miền núi phía Bắc, qua đồng bằng phía Bắc, đến miền Trung, Nam bộ, Tây Nguyên. Mỗi vùng miền có một giọng điệu thơ ca khác nhau, mang đến những âm hưởng khác nhau. Ở trên con thuyền thơ ca đó, chúng ta đã được tắm trong không khí đa sắc màu của một bản hòa âm đất nước, ngợi ca tinh thần đại đoàn kết dân tộc bằng những rung động tâm hồn và thẩm mĩ sâu sắc.

2. Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2024, người yêu thơ có thể tham quan Nhà ký ức, Đường thơ, tham gia trò chơi đố thơ, các buổi giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhà thơ trẻ, các nhà thơ đã thành danh, hoạt động của một số câu lạc bộ thơ trong các Quán thơ do Ban tổ chức sắp xếp.

Đường thơ do nhà thơ Trần Đăng Khoa chọn 54 câu thơ đại diện cho các dân tộc Việt Nam. Năm nay, tôn vinh các nhà thơ dân tộc thiểu số nên không phải câu thơ nào được chọn in ở đường thơ cũng nhận được sự đồng tình của độc giả dù họ đem đến một giọng điệu và tư duy khác biệt. Chẳng hạn: “Nước chảy được/ Nước thành suối thành sông/ Đất không chảy được/ Đất thành đồi thành núi” (Lò Ngân Sủn), “Quả ớt dù cay cũng ăn cả vỏ/ Quả chuối dù ngọt phải bỏ vỏ ra ngoài” (Lâm Quý), “Tôi còn buồn là tôi còn sống/ Tôi còn viết là tôi còn yêu/ Tôi hết yêu là tôi đã chết” (Inrasara)… Bên cạnh đó còn có những câu thơ của các nhà thơ nổi tiếng nhưng cũng viết về miền núi. “Núi mờ và núi đậm/ Rừng xa chen rừng gần/ Chiều trung du đến chậm/ Như thư của người thân” (Chế Lan Viên), “Tự do là tính của mây/ Đứng yên kiểu núi cũng đầy tự do/ Sắc mây thay đổi từng giờ/ Mà sao sắc núi bốn mùa cứ xanh” (Ngô Văn Phú)…

“Ngôi nhà ký ức” năm nay cũng là một điểm nhấn của Ngày thơ được dựng ngay giữa trục đi chính, rất trang trọng. Ở đó tôn vinh 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ dân tộc thiểu số đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhà ký ức mang hình dáng kiến trúc của một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên. Bạn yêu thơ có thể xem trực tiếp kỷ vật, hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng của các dân tộc thiểu số như nhà thơ Nông Quốc Chấn (dân tộc Tày), Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), Y Phương, Mạc Phi (dân tộc Tày), Bàn Tài Đoàn…

Có thể nói, Ngày thơ Việt Nam lần này là một lễ hội thơ được tổ chức cẩn thận, bài trí tỉ mỉ, nhiều sáng tạo. Sân khấu đêm Nguyên Tiêu được đầu tư công phu về kịch bản, hình ảnh, âm thanh, trang phục, với mục đích tôn vinh vẻ đẹp của thơ ca của 54 dân tộc, tôn vinh sự đa dạng về văn hóa của người Việt. Và hơn cả, là tinh thần gắn kết, hòa hợp dân tộc trong mọi lĩnh vực, trong đó có thi ca, văn học nghệ thuật.

Nhưng có thể Ngày thơ Việt Nam năm nay tổ chức vào những ngày mưa gió nên người yêu thơ thưa vắng hẳn so với những Ngày thơ ở Văn Miếu. Đó là điều rất đáng tiếc. Bởi, thơ cũng như mọi loại hình văn học nghệ thuật, tồn tại vì con người. Trong hội thảo “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” được tổ chức nhân Ngày thơ tại Hoàng thành Thăng Long, một vấn đề được đặt ra là “Bạn đọc có cần thơ không”? Đâu là những bài thơ họ cần? Thực tế, thơ nằm trong mã gen của người Việt và chúng ta là một dân tộc yêu thơ. Điều quan trọng là thơ có đủ hay để chinh phục trái tim con người trong đời sống quá nhiều thông tin này không.

“Bản lĩnh của nhà thơ chính là việc giữ gìn bản sắc, dám cất lên tiếng nói trung thực nhất của mình, dám lên tiếng về những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống. Đó chính là tiếng nói của lương tri và trách nhiệm của nhà thơ. Và đến cùng, là tính thiện lương của nhà thơ và niềm tin mãnh liệt của nhà thơ vào tính thiện ấy”. - Nhà thơ Nguyễn Bình Phương khẳng định và đó cũng là vấn đề mà các nhà thơ hiện nay cần suy ngẫm.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hay-de-tho-ca-mang-khat-vong-cua-cai-dep-va-su-tu-do-den-moi-nguoi-i723892/