Hãy để nước mắt có ý nghĩa hơn

Siêu nhạc hội SoundFest khép lại đã bốn ngày nhưng câu chuyện các bạn trẻ cuồng điên vì những nhóm nhạc Hàn vẫn còn sôi nổi.

Cũng trong tối 14-4, lễ trao giải thưởng truyền hình HTV được nhắc nhiều. Khi giải Nữ ca sĩ được yêu thích nhất thuộc về Hồ Ngọc Hà, khán giả lại hò hét tên Mỹ Tâm... Bảo vệ sân khấu kêu gọi trật tự đã bị ném chai nước vào người.

Đâu là giới hạn của sự hâm mộ, đâu là ranh giới của văn hóa ứng xử công cộng?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Cơn mê cảm tập thể

Yêu thích một ai đó, với những thế hệ trước, giống như những nốt nhạc đẹp vang lên, tô điểm cho khung đời riêng của mình.

Với các fan hâm mộ hôm nay, họ đang dùng nốt nhạc đó như một thứ ma túy tinh thần, bất chấp mai sau. Và đáng ngạc nhiên hơn là chuyện cả một đám đông đang ồ ạt đơn điệu trong kiểu cách sống đó, như một cơn mê cảm tập thể của một thế hệ thiếu niềm tin, thiếu lý tưởng sống và lạc lối vào sự lựa chọn tạm thời của mình.

Phải chăng với những người bạn hâm mộ đó, thế giới quan chỉ hướng về một vài điều ít ỏi trước mắt họ? Cuộc sống rộng mở với muôn ngàn những kỳ thú và trắc ẩn dường như không là mối bận tâm của họ. Thậm chí có lần trò chuyện với một bạn fan rất trẻ, rất điệu đàng, khi nói về vụ động đất kinh hoàng ở Nhật năm 2011, bạn này đã hỏi: “Vậy Nhật đã chiến tranh với ai để bị động đất như vậy?”. Những người như bạn đó rất rành rẽ về thú ăn mặc của Mỹ Tâm hay Hồ Ngọc Hà và cũng sẵn sàng ném chai vào nhau khi tranh cãi về “thần tượng” của mình.

Lỗi đâu hoàn toàn thuộc về họ, sai lầm phải được chia đều cho gia đình, cho xã hội, đặc biệt là giới truyền thông luôn bắc những chiếc cầu mê mị vào cuộc sống vô nghĩa đó.

Nhìn tấm ảnh một cô gái ngất xỉu và được vác ra khỏi đám đông như một xác chết trong đêm diễn của Big Bang, tôi chợt nhớ đến bức ảnh một học sinh Trường Tây Sơn, Lâm Đồng nhảy xuống hồ cứu bạn và mất sức chết đuối.

“Hãy để cho những giọt nước mắt của bạn có ý nghĩa hơn giữa một thế gian đã thấm đẫm lệ rơi”. Trong ảnh: Một fan của Big Bang khóc tại siêu nhạc hội SoundFest ngày 14-4 vừa qua tại TP.HCM. Ảnh: HÀ NHUẬN NAM

Một người bạn ở xa, nhìn tấm ảnh fan nữ khóc đầm đìa trong đêm diễn của Big Bang, đã đưa một tấm ảnh trên Facebook của mình. Hình một cụ già đang khóc vì mừng khi tìm được hai ổ bánh mì cho con cháu mình giữa thời loạn lạc. Trong lời bình, người bạn này viết: “Hãy để cho những giọt nước mắt của bạn có ý nghĩa hơn, giữa một thế gian đã thấm đẫm lệ rơi”. Tôi cũng tự hỏi khi mẹ hay cha của fan ấy bạo bệnh, đã có bao giờ bạn ấy rơi nước mắt vì yêu thương chưa?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Bình thường và bất bình thường

Đấy là câu chuyện có thật, bình thường trong mọi xã hội. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy những ai yêu The Beatles phản bác, mạt sát những người hâm mộ ban nhạc The Rolling Stones và ngược lại. Hay cũng chưa ai nghe khán giả hâm mộ J. Dean mạt sát những gương mặt khác cũng được đề cử Oscar như J. Dean mà nếu kết quả giả dụ như J. Dean không đoạt giải.

Nghệ thuật giải trí vẫn có văn hóa, có hành vi ứng xử thích hợp của người hâm mộ. Những thần tượng của giới trẻ chỉ bị dư luận phê phán khi có những hành vi, cách sống không phù hợp (như dư luận đã phê phán cách sống của ngôi sao trẻ Lindsay Lohan qua rượu, ma túy và ăn chơi sa đọa). Đó là sự tương tác cần thiết và đúng đắn duy nhất của thế giới giải trí. Bởi nhân cách sống của một ngôi sao luôn có ảnh hưởng đến đám đông trong mọi xã hội.

Hiện tượng fan đả kích thần tượng của fan khác như trong lễ trao giải thưởng truyền hình vừa qua (và nhiều, nhiều lần trước đó) là biểu hiện bất bình thường của văn hóa ứng xử không được vun đắp đúng đắn. Vòm trời thế giới giải trí được thắp sáng bởi nhiều ngôi sao chứ không chỉ một. Hâm mộ thiếu nền tảng phân tích, nhận định và thiếu văn hóa ứng xử cộng đồng sẽ chỉ đưa đến kết quả cuối cùng là sự mù quáng, cực đoan. Dường như còn khá nhiều những ca sĩ, diễn viên ngôi sao của ta quan niệm chỉ giao lưu xây dựng sự hâm mộ hình ảnh của mình với các fan là đủ; còn văn hóa ứng xử với thần tượng khác là chuyện… của fan mình (!!!).

Thần tượng là cần, sự hâm mộ thần tượng cũng bình thường. Cái khác thường là hành vi ứng xử giữa những người trẻ tuổi với nhau. Nó đang tự giới thiệu “văn hóa nền” của đám đông ấy mà chính nền giáo dục chung từ nhà trường, gia đình đến xã hội cùng phải chịu trách nhiệm. Nếu chê trách họ, chúng ta cũng phải dám nhận sự chê trách về phía chúng ta. Công bằng và sòng phẳng.

Mê muội

Lần nhóm nhạc Super Junior sang Việt Nam (tháng 4-2010) biểu diễn, nhiều trang mạng đã trích dẫn lời của một nữ sinh 17 tuổi rằng: “Em thực sự không còn con đường nào khác để có vé xem Super Junior, em yêu Super Junior nên nếu như anh muốn em qua đêm với anh để nhường cho em một chiếc vé, em sẽ sẵn sàng, hãy giúp em...”.

Một người mẹ có con gái 15 tuổi ở Hà Nội cũng từng tâm sự trên VnExpress.net rằng: “Mới đây, có ban nhạc nữ của Hàn Quốc 2NE1 đến Hà Nội biểu diễn (tháng 11-2011). Con gái tôi yêu cầu khẩn thiết với mẹ tìm mọi cách để có tấm vé. Khi càng gần đến ngày biểu diễn, cháu càng tỏ thái độ cương quyết và cháu ra điều kiện nếu không được đi xem buổi biểu diễn đó sẽ không tiếp tục đi học nữa”.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20120417111729410p0c1021/hay-de-nuoc-mat-co-y-nghia-hon.htm