Hậu trường cưỡi ngựa giả trong phim cổ trang Trung Quốc

Ngựa là đạo cụ không thể thiếu trong các phim cổ trang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng ngựa giả, cây giả để thực hiện những cảnh này.

Sina đưa tin hiện tại nhiều bộ phim truyền hình cổ trang sử dụng ngựa giả, hoặc yêu cầu diễn viên "diễn chay" để thay thế ngựa thật trên màn ảnh. Do xử lý không khéo léo, những bộ phim như Trần Thiên Thiên trong lời đồn, Gia nam truyện, hay dự án được đầu tư như Thiên thịnh trường ca, Yến vân đài, đều lộ cảnh dùng ngựa giả.

Trong phim Tuyệt đại song kiêu 2020 (Giang hồ thập ác), tài tử Hồ Nhất Thiên đóng vai Hoa Vô Khuyết được đạo diễn chỉ đạo tư thế cưỡi ngựa giả. Nam diễn viên được hướng dẫn tỉ mỉ vì đây là lần đầu tiên anh đóng phim cổ trang, chưa có nhiều kinh nghiệm diễn trên đạo cụ ngựa.

Trong một số cảnh toàn, đoàn phim sử dụng ngựa thật. Tuy nhiên, số cảnh quay này không nhiều để tiết kiệm chi phí. Sử dụng ngựa giả mang lại nhiều tiện ích trong quá trình quay phim, đồng thời đảm bảo cho các diễn viên không bị thương nếu ngựa có vấn đề. Ví dụ Triệu Lệ Dĩnh khi đóng Cung tỏa trầm hương bị ngã ngựa dẫn đến vết thương ở lưng khiến cô đau đớn nhiều năm.

Như trường hợp của nam diễn viên Nhậm Gia Luân trong Cẩm y chi dạ, mỗi lần anh lên ngựa, chú ngựa không bước đi, thậm chí cảnh quay đáng ra phải xông lên giết giặc, ngựa lại xoay vòng rồi đi lùi khiến nam diễn viên dở khóc dở cười. Chính vì vậy, các diễn viên chưa có kinh nghiệm cưỡi ngựa thường diễn với đạo cụ, hoặc nếu cưỡi ngựa thật sẽ được nhân viên cầm dây cương để ngựa diễn theo đúng yêu cầu. Ở bên cạnh, nhân viên cầm cây để tạo hiệu ứng di chuyển.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của diễn viên Thành Nghị, diễn với ngựa giả còn khó hơn cưỡi ngựa thật.

Trong Thiên thịnh trường ca có cảnh các diễn viên đến trường đua để thi đấu bóng. Trong các cảnh quay cần lấy góc máy rộng, đoàn làm phim sử dụng ngựa thật, nhưng ở các cảnh diễn viên trò chuyện với nhau trên lưng ngựa, họ được sắp xếp ngồi trên khung gỗ để dễ dàng quay, lấy lời thoại trực tiếp.

Khi sử dụng ngựa giả, các cảnh quay đều tập trung vào phần trên, quay cận mặt diễn viên thay vì toàn cảnh. Nữ diễn viên Cúc Tịnh Y bị cho là có ngoại hình thấp bé, nên cô không chỉ sử dụng ngựa giả, mà còn sử dụng cả diễn viên đóng thế, trong cảnh quay ở phim Gia nam truyện. Tuy nhiên, đôi mắt của chú ngựa đã "tố cáo" đoàn phim.

Theo Sina, cưỡi ngựa giả dù an toàn hơn nhưng không thể đem lại cảm giác giống sử dụng ngựa thật. Trong phim Yến vân đài, có thể thấy nữ diễn viên Đường Yên cưỡi ngựa nhưng tóc không bay, cơ thể của cô cũng không di chuyển.

Khi cưỡi ngựa thật, tùy theo bước đi của ngựa, cơ thể của diễn viên sẽ cúi hoặc kéo dây cương, ngả người về phía sau cho phù hợp. Cưỡi ngựa giả vì thế khó hơn khi nghệ sĩ không tìm được cảm giác. Nữ diễn viên Đàm Tùng Vận trong Cẩm y chi hạ cũng lộ việc sử dụng đạo cụ bởi tóc của cô không di chuyển và cô chỉ giữ một tư thế.

Cưỡi ngựa thật và giả đem lại hiệu quả thị giác và chất lượng cảnh quay khác nhau. Trong ảnh là tài tử Chung Hán Lương cưỡi ngựa trên phố rất phong độ trong phim Cẩm tâm tựa ngọc và cảnh của một diễn viên trẻ lúng túng khi ngồi trên vai nhân viên thay cho ngựa.

"Thần tiên tỷ tỷ" Lưu Diệc Phi từng có cảnh cưỡi ngựa trong mưa kinh điển trong Thần điêu đại hiệp (2006). Sau 16 năm, cảnh phim vẫn được nhắc lại như những thước phim đẹp nhất trên màn ảnh Hoa ngữ. Nếu sử dụng ngựa giả, chắc chắn Lưu Diệc Phi sẽ không thể có cảnh để đời như vậy.

Đồ Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hau-truong-cuoi-ngua-gia-trong-phim-co-trang-trung-quoc-post1305414.html