Hậu trường cuộc di tản muộn màng của Mỹ khỏi Kabul

Chiến dịch di tản khẩn cấp khỏi Kabul phản ánh chính xác thực tế cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ: giới lãnh đạo Washington không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Afghanistan.

Khi Taliban tiến vào Kabul, lác đác có những tiếng súng vang lên gần sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô, con đường duy nhất để di tản khỏi Afghanistan. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân nước ngoài tìm nơi trú ẩn ngay lập tức.

Cuộc di tản muộn màng, mà Lầu Năm Góc ước tính sẽ đưa 20.000 người Mỹ cùng một số lượng không được tiết lộ công dân Afghanistan rời khỏi Kabul, phản ánh chính xác câu chuyện của toàn bộ cuộc chiến 20 năm, đó là việc Washington hoàn toàn không biết thực tế nào đang xảy ra trên chiến trường.

Cuộc di tản hỗn loạn những ngày qua là bằng chứng mới nhất cho một chuỗi những dự đoán lạc quan tếu của Washington, rằng Taliban đang vỡ vụn, quân đội chính phủ sắp kiểm soát hoàn toàn đất nước, hay chính quyền Kabul không lâu nữa có thể tự đứng trên đôi chân của chính họ.

Rời đi quá muộn

Bốn tháng qua khi quân đội đồng minh quốc tế khăn gói rời khỏi vũng lầy chiến tranh, Đại sứ quán Mỹ ở Kabul cũng như Bộ Ngoại giao nước này ở Washington vẫn bám víu lấy hy vọng rằng hiện diện ít ỏi còn lại của người Mỹ bằng cách nào đó có thể duy trì xương sống cho chính phủ Afghanistan.

Nhưng Washington đã sai. Hôm 15/8, Taliban đã chiếm được Kabul. Máy bay vận tải C-17 Mỹ liên tục ra vào sân bay Harmid Karzai, mỗi chuyến bay chở 200 khách đưa hàng đoàn nhân viên sứ quán Mỹ và những người di tản rời khỏi Kabul.

Nhưng vẫn còn nhiều người Mỹ chưa thể rời đi. Tin nhắn và email khẩn liên tục đổ về Washington cầu cứu.

"Một trong những khả năng lớn nhất của quân đội Mỹ là tạo ra trật tự ở nơi không có trật tự, đó là những gì chúng tôi đang cố thực hiện", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói về tình hình hiện nay ở sân bay Kabul.

Suốt nhiều tuần, Lầu Năm Góc và giới chức quân sự cảnh báo Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao cần sớm di tản người Mỹ khỏi Afghanistan, bởi càng đợi lâu thì chiến dịch di tản sẽ ngày một khó khăn.

 Máy bay vận tải C-17 Mỹ liên tục ra vào sân bay Harmid Karzai trong ngày 15/8. Ảnh: Reuters.

Máy bay vận tải C-17 Mỹ liên tục ra vào sân bay Harmid Karzai trong ngày 15/8. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 15/8 bảo đảm di tản người Mỹ là "ưu tiên số một". Ông Blinken cho biết Washington cũng đang nỗ lực gấp đôi để giúp người Afghanistan từng cộng tác với chính phủ Mỹ.

Khi được hỏi vì sao Nhà Trắng không chuẩn bị di tản sớm và chu toàn hơn, đặc biệt với những người Afghanistan có nguy cơ bị Taliban trả thù vì cộng tác với Mỹ, Ngoại trưởng Blinken nổi giận.

"Chúng tôi đã xử lý vấn đề này ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi phải huy động toàn bộ hệ thống cho nỗ lực di tản. Đáng tiếc là khi chúng tôi tiếp nhận chính quyền này, mọi thứ phải bắt đầu từ con số không", ông Blinken nói, đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm.

Thế khó của Washington

Hiển nhiên, Washington phải cân bằng giữa yêu cầu rút dần lực lượng với tác động tiêu cực mà việc rời đi có thể gây ra cho tinh thần chiến đấu của quân đội chính phủ trước các cuộc tấn công của Taliban.

Ra lệnh di tản quá sớm sẽ là cú đánh tâm lý đẩy nhanh sự sụp đổ của chính quyền Kabul. Nhưng giới chức quốc phòng Mỹ cảnh báo nếu đợi quá lâu, sẽ có một cuộc di tản hỗn loạn khi hàng nghìn người đổ về sân bay, "nút cổ chai" và cũng là con đường tháo chạy duy nhất khỏi Taliban.

"Bắt đầu cuộc di tản sẽ kéo tụt tinh thần chiến đấu, bởi việc đóng cửa đại sứ quán sẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Mỹ không tin vào khả năng của chính phủ Afghanistan", Laurel Miller, cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng làm việc dưới thời Obama và Trump, nói.

Những tuần gần đây, căng thẳng dần tăng lên giữa Đại sứ quán Mỹ ở Kabul và Lầu Năm Góc, một số quan chức cho biết. Giới chức Lầu Năm Góc hối thúc sớm thu hẹp quy mô hiện diện ngoại giao ở Kabul, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ lại làm theo cách ngược lại.

Trong các cuộc họp nội bộ, Lầu Năm Góc liên tục cảnh báo rằng quân đội đang rời đi bất kể tính toán của Bộ Ngoại giao.

Ba tuần trước, khi các thành phố lớn của Afghanistan bắt đầu rơi vào tay Taliban, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phải gia hạn thời gian triển khai tàu đổ bộ USS Iwo Jima ở vịnh Oman. Một tuần sau đó, Bộ trưởng Austin chỉ đạo thủy quân lục chiến trên tàu đổ bộ tại Kuwait chờ lệnh triển khai tới Afghanistan.

 Trực thăng rời khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Kabul. Ảnh: New York Times.

Trực thăng rời khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Kabul. Ảnh: New York Times.

Trong ngày 15/8, quân đội Mỹ di tản được 500 người, các quan chức cho biết. Washington hy vọng có thể di tản khoảng 5.000 người mỗi ngày trong tuần tới.

Tất cả đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài đều có kế hoạch sơ tán khẩn cấp, nhưng cơ quan đại diện ở Kabul gặp nhiều trở ngại đáng kể.

Với 4.000 nhân viên, đây là một trong những đại sứ quán lớn nhất của Mỹ trên thế giới. Đóng cửa đại sứ quán, tiêu hủy tài liệu nhạy cảm và các giấy tờ khác cần thời gian.

Thứ hai, với việc Taliban đã kiểm soát hoàn toàn các cửa khẩu biên giới, việc di tản chỉ còn có thể thực hiện bằng đường không. Ngoài nhân viên sứ quán và gia đình, vẫn còn hàng nghìn người khác thuộc đối tượng di tản, họ là những người song tịch Mỹ, nhà thầu tư nhân.

Khi tiếng súng đã vang lên ở sân bay Hamid Karzai, giới chức sứ quán hối thúc công dân Mỹ đang mắc kẹt ở Afghanistan tìm nơi trú ẩn và gửi giấy tờ đề nghị giúp đỡ di tản, thay vì đổ tới sân bay.

Các nhóm binh sĩ Mỹ được triển khai tới khu vực để hỗ trợ di tản đã có kế hoạch đến Kabul từ lâu, nhưng chính quyền Tổng thống Biden lại quyết định tạm hoãn kế hoạch, tin rằng Mỹ sẽ có thêm thời gian.

Laurel Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, bảo vệ chiến lược di tản hiện nay. Bà Miller cho rằng nếu cuộc di tản diễn ra sớm vài tuần, nó sẽ chỉ đẩy nhanh tốc độ sụp đổ của chính quyền Afghanistan mà Mỹ cam kết hỗ trợ.

Biểu tượng cho thất bại

Ngày 24/7, Bộ trưởng Quốc phòng Austin vẫn lạc quan rằng người Afghanistan đã có một chiến lược nhằm củng cố các vị trí phòng thủ xung quanh các thành phố quan trọng mà chính phủ khi đó kiểm soát. Ông cho biết với hỗ trợ không quân ở quy mô hạn chế của Mỹ, lực lượng chính phủ có thể bám trụ được.

"Điều đầu tiên cần làm là bảo đảm lực lượng chính phủ có thể làm chậm đà tiến quân của Taliban, sau đó họ có thể giành lại một số vùng lãnh thổ đã để mất. Chúng ta sẽ xem chuyện gì sẽ xảy ra", ông Austin cho biết.

Nhưng chỉ một tuần sau, một quan chức cấp cao thừa nhận Nhà Trắng đã đánh giá sai lầm tác động từ chiến lược rút quân đối với nhuệ khí của quân đội chính phủ, tình hình an ninh trên thực địa cũng như khả năng di tản những người Afghanistan từng cộng tác với Mỹ.

Khoảng 2.000 người Afghanistan đã đặt chân đến Mỹ trong 2 tuần qua. Nhưng còn hàng chục nghìn người khác đang mắc kẹt giữa những thủ tục cấp thị thực quan liêu, rất có khả năng họ sẽ không kịp di tản.

Khi tình hình biến chuyển bất lợi chóng vánh trong tuần qua, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc một lần nữa hục hặc về thời gian Đại sứ quán Mỹ còn có thể mở cửa trước khi thủ đô Kabul sụp đổ.

 Các tay súng Taliban tiến vào Kabul. Ảnh: New York Times.

Các tay súng Taliban tiến vào Kabul. Ảnh: New York Times.

Hôm 12/8, một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết không thể có đánh giá chính xác, đồng thời cảnh báo cơ hội di tản trong trật tự đang ngày càng mong manh.

Ngay cả khi thông báo triển khai 3.000 lính thủy đánh bộ tới Afghanistan hỗ trợ di tản, cùng 4.000 binh sĩ tới các nước trong khu vực để trợ giúp người được di tản, các quan chức chính quyền Tổng thống Biden vẫn tin rằng họ còn có thời gian.

"Chúng tôi không coi đây là một chiến dịch di tản thường dân", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết.

Chiến dịch di tản thường dân (NEO) là một thuật ngữ gắn liền với những nhiệm vụ quân sự thất bại, được triển khai để sơ tán dân thường khỏi các khu vực nguy hiểm sau khi quân đội Mỹ đã không đạt được mục tiêu trên chiến trường.

"Như đã nói ngay từ đầu, đây chỉ là một nhiệm vụ ngắn hạn nhằm hỗ trợ nhân viên Bộ Ngoại giao và những người Afghanistan có hộ chiếu rời đi", ông Kirby nói.

Nhưng sáng ngày 15/8, NEO chính xác là những gì đang diễn ra.

Đám đông chen lấn lên máy bay ở Kabul Vào sáng 16/8, sân bay ở Kabul, Afghanistan rơi vào hỗn loạn khi đám đông chen lấn để tìm cách lên máy bay sau khi Taliban tràn vào thủ đô.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hau-truong-cuoc-di-tan-muon-mang-cua-my-khoi-kabul-post1251511.html