Hậu Thượng đỉnh NATO, EU tính chuyện điều chỉnh quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ?

Cải tổ Liên minh Hải quan EU - Thổ Nhĩ Kỳ và khôi phục đối thoại cấp cao là 2 trong số những khả năng mà EU đang tính tới nhằm điều chỉnh quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra hồi đầu tuần này tại Litva đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ hai bên sau gần 6 thập kỷ Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập EU.

Liên minh châu Âu sẽ đánh giá lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp cấp ngoại trưởng diễn ra vào tuần tới. Trong một tài liệu dự kiến thảo luận tại cuộc họp mà trang tin Politico.eu có được, EU cho rằng, vấn đề liên quan tới tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ là một thực tế sẽ không sớm thay đổi. Tuy nhiên, tài liệu cũng lưu ý, cuộc xung đột tại Ukraine đã gia tăng mức độ liên quan về địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và EU có lợi ích chiến lược trong một môi trường ổn định và an toàn ở Đông Địa Trung Hải.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP

Việc đánh giá lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên cấp bách hơn, đặc biệt sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra ngày 11 và 12/7 vừa qua tại Litva. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gắn sự chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO với việc nối lại các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU bị đình trệ từ lâu của nước này. Đây là một lập trường gây bất ngờ bởi không mấy quốc gia thành viên EU mặn mà với việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ do những khác biệt về tôn giáo và lịch sử. Nhiều nhà lãnh đạo và quan chức EU tới nay đều cho thấy sự thận trọng khi đề cập tới mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: "Tại Hội đồng châu Âu vừa qua, chúng tôi đã quyết định cách chúng tôi muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, đồng thời cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu gửi các đề xuất và báo cáo để chúng tôi có thể làm như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng đối với chúng tôi và điều này sẽ được thể hiện trong các mối quan hệ trong tương lai”.

Một lựa chọn đang được xem xét là cải tổ liên minh hải quan EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã có từ năm 1995. Liên minh này giúp giảm bớt những rào cản thương mại giữa hai đối tác nhưng rất cần được hiện đại hóa để phản ánh những thay đổi trong công nghệ và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, một số nước thành viên lo ngại, việc tự do hóa thị thực đi kèm với nó có thể đặt ra những thách thức đối với Liên minh châu Âu vốn đã quá mệt mỏi với những người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi.

Một khả năng khác là khôi phục Đối thoại EU - Thổ Nhĩ Kỳ, vốn bị đình trệ vào năm 2021. Đây là lựa chọn dễ dàng thuyết phục các nhà lãnh đạo EU nhất khi cho phép EU mở các kênh tiếp xúc cấp cao với Thổ Nhĩ Kỳ mà không ảnh hưởng đến lập trường về tư cách thành viên của nước này.

Nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài gần 60 năm kể từ năm 1959 khi nước này nộp đơn xin gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của EU. Năm 1999, Thổ Nhĩ Kỹ đã được trao tư cách “ứng cử viên”, nhưng kể từ đó đến nay, tiến trình hầu như không đạt tiến triển. Mối quan hệ giữa hai bên cũng được đánh giá là là một trong những mối quan hệ “có đi có lại” lâu dài và phức tạp nhất.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hau-thuong-dinh-nato-eu-tinh-chuyen-dieu-chinh-quan-he-voi-tho-nhi-ky-post1032656.vov