Hậu quả khôn lường của bệnh sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận tới hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết. Đây là một căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ biến chứng rất cao, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ bị mắc bệnh hơn cả.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sốt xuất huyết

Triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn có nhiều điểm tương đồng với sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ. Khi bị nhiễm phải loại virus gây bệnh, người bệnh sẽ gặp phải một trong 2 trường hợp là sốt xuất huyết biểu hiện ra bên ngoài hoặc xuất huyết nội tạng.

Muỗi là thủ phạm chính truyền bệnh sốt xuất huyết

Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu khởi phát các triệu chứng như sốt cao đột ngột trong 2-7 ngày, kèm theo một số triệu chứng khác như:

- Nhức đầu, buồn nôn, chán ăn;

- Phát ban, da xung huyết;

- Các chấm xuất huyết hiện ở dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng…

- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Sốt cao đi kèm các triệu chứng khó chịu khiến người bệnh sốt xuất huyết, dù ở thể nhẹ vẫn cảm thấy mất sức, mệt mỏi, không tập trung làm việc, học tập. Do đó, người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, thăm khám và điều trị để nhanh giảm nhẹ triệu chứng, phục hồi sức khỏe.

Các biến chứng có thể gặp khi mắc sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết rất nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ có nguy cao đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí còn có thể gây ra tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết ẩn chứa nhiều nguy hiểm

Các biến chứng thường gặp của người bệnh sốt xuất huyết ở thể nặng như:

- Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc sốt xuất huyết

- Xuất huyết nặng

- Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch.

- Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc như aspirin, ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.

- Suy tạng nặng

- Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L.

- Suy thận cấp: Thiểu niệu, vô niệu (không có nước tiểu), ure, creatinin tăng cao.

- Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não).

- Viêm cơ tim, suy tim.

Cách chăm sóc và theo dõi khi mắc sốt xuất huyết

Bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể theo dõi, điều trị ngoại trú tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm mát, uống paracetamol hạ sốt khi sốt cao. Bù dịch, điện giải bằng uống nhiều nước oresol pha đúng tiêu chuẩn hoặc nước hoa quả, nâng cao sức đề kháng bằng các loại vitamin và tăng cường dinh dưỡng hợp lý.

Ở mức độ vừa, người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo như: Vật vã hoặc li bì, lừ đừ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ban xuất huyết nhiều ngoài da, nôn ói nhiều, đau bụng, gan to, tiểu chảy, nước tiểu ít sẫm màu. Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo này, người bệnh không được chần chừ, cần nhập viện ngay để theo dõi điều trị nội trú.

Người bệnh cần tới cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời

Ở mức độ nặng, người bệnh cần được theo dõi, điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Các dấu hiệu của xuất huyết dengue nặng bao gồm sốc tụt huyết áp; tràn dịch đa màng như màng tim, màng phổi, màng bụng; rối loạn đông máu gây xuất huyết nặng toàn thân như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, ho ra máu, đái ra máu, máu tụ lớn trong các khối cơ; suy chức năng đa cơ quan như suy hô hấp, suy tim, suy gan, suy thận, có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa đến phòng cấp cứu tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để theo dõi tích cực và được điều trị kịp thời.

Tổng hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/hau-qua-khon-luong-cua-benh-sot-xuat-huyet-191369.htm