Hậu quả khi tên lửa siêu thanh bắn trung tàu sân bay Mỹ

Tên lửa siêu thanh chính là mối đe dọa lớn nhất đối với các tàu sân bay Mỹ ở thời điểm hiện tại và liệu rằng, quân đội Mỹ đã đủ sẵn sàng để đối đầu với loại vũ khí này?

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ khi các tàu sân bay ra đời, nó luôn phải đối mặt với những mối đe dọa từ trên không, trên mặt biển, dưới lòng biển khơi và từ trên mặt đất.

Trong thế chiến hai, tàu ngầm là mối đe dọa nguy hiểm nhất cho tàu sân bay. Tác chiến chống tàu ngầm hiện đại (ASW) ra đời, đã tạo lợi thế trở lại cho các nhóm tác chiến tàu sân bay, vốn có thể sàng lọc và bảo vệ tốt hơn tàu sân bay.

Trong khi tàu ngầm không người lái, có thể gây ra một vấn đề mới đối với tàu sân bay; nhưng hiện tại, mối nguy hiểm lớn nhất có thể đến từ tên lửa siêu thanh. Hiện nay cả hai đối thủ lớn của Mỹ là Nga và Trung Quốc, đều sở hữu tên lửa chống hạm siêu thanh.

Kinzhal của Nga là hệ thống tên lửa hàng không siêu thanh đầu tiên trên thế giới; có thông tin cho rằng, nếu được phóng đi từ máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 Backfire, Kinzhal có tầm bắn đến 3.000 km. Ngay cả khi tầm bắn đó được phóng đại, thì tên lửa Kinzhal, vẫn là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với tàu chiến Mỹ; đặc biệt là tàu sân bay.

Do tốc độ di chuyển quá nhanh của tên lửa siêu thanh, nên tên lửa Kinzhal có thể phá hủy mục tiêu bằng tác động "động năng" tuyệt đối, mà không cần đến chất nổ. Các chuyên gia lo ngại rằng, tên lửa không thể chống lại và có thể phải viết lại về nguyên tắc chiến tranh.

Đây là lý do tại sao, một số ý kiến cho rằng, quân đội Mỹ nên đầu tư vào vũ khí công nghệ, hơn là vào các tàu chiến khổng lồ - một phần vì những vũ khí như trên, có thể dễ dàng tiêu diệt những tàu chiến đó.

Không chịu đứng ngoài cuộc đua, Nhật Bản với tiềm lực công nghệ của họ, đang tìm cách phát triển và triển khai vũ khí siêu thanh với đầu đạn đặc biệt, có thể xuyên thủng boong tàu sân bay - và rõ ràng đây là tàu sân bay Trung Quốc, những tàu này có thể đe dọa vùng biển xung quanh các đảo của Nhật Bản.

Trang web Stalker Zone gần đây đã tổ chức một cuộc tấn công giả định, nhằm vào một tàu sân bay lớn - trong trường hợp này là tàu USS George HW Bush của Hải quân Mỹ, có lượng choán nước 97.000 tấn và chiều dài 333 mét, thủy thủ đoàn 3.200 người, cộng với 2.500 quân nhân phục vụ hàng không.

Như vậy tàu sân bay là một mục tiêu khá lớn đối với bất kỳ loại vũ khí nào; nhưng để vượt qua hệ thống phòng không bảo vệ tàu sân bay, bao gồm cả số tiêm kích hạm và tên lửa của các khu trục hạm, sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhưng tên lửa siêu thanh có thể là một thay đổi cuộc chơi và thực sự tàn khốc.

Theo điều kiện của cuộc tập trận, các vũ khí hiện tại của các tàu sân bay của Hải quân Mỹ, không thể chống lại vũ khí tên lửa siêu thanh. Trong khi có vẻ như đài chỉ huy, sẽ là nơi tốt nhất để nhắm mục tiêu, và boong tàu sân bay có thể là nơi hiệu quả nhất. Khối lượng đầu đạn 500 kg của tên lửa Kh-47M2 Kinzhal, với tốc độ Mach 12 sẽ gây ra thiệt hại đáng kể.

Stalker Zone phân tích, ngay cả khi tàu sân bay có thể chịu nổi trong những giây phút đầu tiên sau cuộc tấn công, nhưng khả năng hoạt động của máy bay trên hạm sẽ giảm xuống 0, do thiệt hại gây ra trên boong. Ngoài ra, một cuộc tấn công như vậy, có thể dẫn đến hư hỏng ít nhất một trong hai lò phản ứng hạt nhân Westinghouse A4W trên tàu.

Tổng công suất của các lò phản ứng này là 1.100 MW. Nếu một tên lửa Kinzhal, với đầu đạn nặng nửa tấn, bay với tốc độ 12 Mach, không chỉ có thể phá hủy các ống tuần hoàn chất làm mát, mà còn dẫn đến việc nổ các lò phản ứng hạt nhân, đang trong quá trình hoạt động; đây mới là điều nguy hiểm, và có thể phá tan con tàu ngay lập tức.

Một cuộc tấn công như vậy, chỉ từ một tên lửa siêu thanh Kinshal có thể đủ sức mạnh để tiêu diệt hoàn toàn một tàu sân bay; chưa hết, cuộc tiến công sẽ có khả năng tạo ra một phản ứng dây chuyền, có thể tiêu diệt toàn bộ nhóm tấn công tàu sân bay, thông qua vụ nổ lò phản ứng hạt nhân trên tàu.

Các tên lửa đạn đạo hiện tại có thể đạt tốc độ siêu thanh, và bay theo đường bay cố định, nên có thể đoán trước được; nhưng một điều đáng lo ngại, là những tên lửa chống hạm hành trình siêu thanh này có thể thay đổi đường bay, do vậy rất khó đánh chặn bằng vũ khí đánh chặn thông thường.

Đây là lý do tại sao quân đội Mỹ đang dồn toàn lực, để phát triển các hệ thống đối phó, nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của tên lửa siêu thanh. Nếu không làm như vậy, là chấp nhận rằng, bất kỳ quốc gia nào có được vũ khí siêu thanh, đều có thể phá hủy hạm đội của Mỹ. Nguồn ảnh: QQ.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/hau-qua-khi-ten-lua-sieu-thanh-ban-trung-tau-san-bay-my-1494452.html