Hậu Lộc, Thanh Hóa: Dân nghẹt thở với rác

GiadinhNet - Có đến đây mới thấy, biển Ngư Lộc hàng ngày phải oằn mình cõng một khối lượng rác thải khổng lồ.

Đã từ lâu, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc được mệnh danh là xã có nhiều cái "nhất" ở vùng biển xứ Thanh: diện tích nhỏ nhất, dân số đông nhất, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất... Có đến đây mới thấy, biển Ngư Lộc hàng ngày phải oằn mình cõng một khối lượng rác thải khổng lồ, người dân đối mặt với đủ thứ bệnh tật do ô nhiễm gây ra.

Anh Tô Văn Dữ, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc trước cống nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra biển chưa qua xử lý. Ảnh: N.H

Trên cá tôm, dưới phân, rác.

Mọi thứ đều nhờ biển…

xử lý hộ

"Đất chật, người đông, đến nghĩa trang chúng tôi cũng phải nhờ đất của xã Đa Lộc nữa là. Không có đất để quy hoạch bãi rác nên người dân chỉ còn cách duy nhất là thải ra biển. Xã thường xuyên tuyên truyền, động viên nhưng xem ra không chuyển biến là bao. Xã đã thành lập 8 tổ vệ sinh, hàng ngày thu gom và xử lý bằng cách mang rác ra bãi biển, phân loại phơi khô để đốt, còn những thứ không đốt được thì… nhờ biển xử lý hộ".

Ông Nguyễn Văn Ngữ,
Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc

Chúng tôi có mặt dọc bãi biển Ngư Lộc vào một buổi sáng cuối tháng 10, khi những đoàn thuyền đánh bắt hải sản cập bến. Mùi tanh của các loài cá, tôm hòa quyện với mùi hôi thối của rác thải khiến không khí nơi đây dường như nghẹt thở. Nhiều người dân Ngư Lộc não nề nói về một thời xa xưa khi biển nơi đây hãy còn sạch sẽ, thơ mộng. Còn bây giờ, vẻ đẹp hiền hòa của biển Ngư Lộc đã bị vùi lấp bởi hàng ngàn tấn rác.

Toàn xã có hơn 17.000 dân, diện tích tự nhiên chỉ hơn nửa km2, trừ đi diện tích dành ra để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh. Tiếng là nông thôn nhưng tính ra, người dân ở đây chỉ có khoảng 2m2 đất/người, một con số quá khiêm tốn để sinh tồn. Do không có đất để sản xuất nông nghiệp nên Ngư Lộc sống chủ yếu bằng nghề khai thác hải sản trên biển. Người dân ngày ngày vẫn phải "lội" qua bãi rác khổng lồ để ra biển mưu sinh. Tàu thuyền đánh cá cũng cập bến trên rác. Chợ hải sản cũng "chung chiêng" trên rác. Trên bãi rác này, những cuộc mua bán, trao đổi vẫn diễn ra tấp nập giữa các ngư dân và thương lái. Người ta không ngoa khi nói về bãi biển Ngư Lộc ô nhiễm nặng nề khi trên là cá, tôm, cua, mực, dưới thì thập cẩm đủ các loại rác, phân người, ruồi, nhặng... Một lái buôn người thành phố Thanh Hóa nhăn mặt nói với PV Báo GĐ&XH: "Lúc đầu ghê lắm, nhưng dần dần cũng thành quen, không ra bãi rác thì không có hàng để bán, ở đây mọi người đều sống như thế".

Đi tìm ngọn nguồn mới hay, từ bao đời nay do tập quán lạc hậu, phần đa người dân ở đây vẫn thường xuyên phóng uế tại bãi biển. Nơi đây trở thành trạm trung chuyển "chất thải" khổng lồ, trước khi được những con sóng đẩy ra biển. Theo ước lượng, hàng ngày, trung bình bãi biển này phải tải trên 2 tấn rác sinh hoạt, cùng với 600m3 nước thải các loại. Nước biển gần bờ tại đây đen ngầu, nhất là vào mùa mưa, rác thải tràn ngập khắp nơi. Anh Tô Văn Dữ (thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc), nhà gần bãi biển than thở: "Mùa đông còn đỡ, mùa hè thì khổ lắm, ăn cơm, uống nước, ngồi nói chuyện đều ở trong màn vì ruồi, muỗi nhung nhúc. Chúng tôi có chỗ chui ra, chui vào là hạnh phúc lắm rồi, lấy đâu ra diện tích để làm nhà vệ sinh, lấy đâu ra chỗ để đổ rác thải, nên tất cả đổ hết ra biển. Chính chúng tôi là những người trực tiếp hứng chịu những hậu quả do mình gây ra. Vẫn biết biển là nguồn sống chính, nhưng không còn cách nào khác".

Mọi mua bán, trao đổi đều trên bãi rác.

Dân khổ, chính quyền… "bó tay"?!

Vì miếng cơm manh áo, những người dân nơi đây hàng ngày vẫn phải gồng mình hứng chịu những hậu quả nặng nề do ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Tiến Lên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngư Lộc cho biết: "Người dân thường xuyên mắc phải các bệnh về mắt, tiêu chảy, ô nhiễm từ bãi rác không những gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân, mà còn phá hủy hệ sinh thái ven biển, đặc biệt là nước sinh hoạt có tỷ lệ Asen cao hơn 10 lần so với nồng độ cho phép". Thế nhưng, cán bộ địa phương cũng cho biết, vấn nạn trên là bài toán nằm ngoài khả năng của địa phương, do nguồn kinh phí quá lớn để xây dựng công trình xử lý rác thải tại các xã ven biển.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở Ngư Lộc, ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Hậu Lộc khẳng định: "Ô nhiễm môi trường tại các xã ven biển như Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, đặc biệt là Ngư Lộc đang là vấn đề bức xúc. Môi trường tại đây đang bị tàn phá hàng ngày". Được biết, năm 2010 UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình khu bãi rác và xử lý chất thải khu vực miền biển huyện Hậu Lộc với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng. Hiện tại, dự án đã giải phóng mặt bằng 3,2 ha tại xã Minh Lộc nhưng cũng mới chỉ xây dựng được hệ thống đường vào, tất cả vẫn còn ở phía trước. Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, người dân vẫn phải sống cùng đủ thứ độc hại trên đời, còn biển thì đang "chết" dần trong ô nhiễm.

Hơn lúc nào hết, người dân và bãi biển nơi đây đang rất cần sự đầu tư từ UBND tỉnh Thanh Hóa, để cứu lấy môi trường biển, cũng chính là cứu lấy nguồn sống cho hàng vạn ngư dân.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20111102101552676p0c1000/hau-loc-thanh-hoa-dan-nghet-tho-voi-rac.htm