Hậu họa khi cho mượn đất

Là câu chuyện xảy ra rất nhiều trong cuộc sống, chủ yếu xuất phát từ thời đất chưa có giá trị, đến nay đất có giá thì người mượn không trả phát sinh tranh chấp.

Cẩn trọng khi cho mượn đất.

Chỉ cần gõ “mượn đất rồi không trả” trên thanh công cụ của Google sẽ hiện lên nhiều câu chuyện “khóc dở mếu dở” về việc cho mượn đất. Đó là những câu chuyện không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành trên cả nước mà còn cả ở địa bàn Bình Thuận. Mỗi câu chuyện có cách thức cho mượn khác nhau, nhưng đều chung là cho mượn thì dễ đòi lại thì khó. Điển hình, gia đình ông Lê Văn L ở phường Lạc Đạo có hơn 500m2 đất vừa ở vừa trồng cây ăn trái. Vào khoảng năm 1990, bà Nguyễn Thị T, người sống bên cạnh nhà ông, hỏi mượn một khoảnh đất rộng khoảng 30m2 để làm giàn mướp và trồng rau ăn. Vì thấy cảnh của nhà bà T khó khăn nên gia đình đồng ý, với điều kiện sau này nhà ông sử dụng đất thì bà trả cho ông. Sau đó bà không trả với lý do cho là gia đình ông L đã cho bà nên bà sử dụng. Ông L bức xúc cho biết: Tôi định kiện ra tòa, nhưng nghĩ thấy rầy rà nên thôi để cho bà ấy sử dụng, kiện cáo ra tòa cũng mệt. Hơn nữa đất nhà tôi cũng rộng, nếu đất hẹp không có chỗ cho các con ở thì tôi cũng đòi lại cho bằng được.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Th ở phường Hưng Long có gần 200m2 đất trong tổng diện tích gần 1ha của ông bà nội phân chia cho để ở. Năm 2000, anh cho bà Nguyễn Thị B, người trong dòng họ cất nhà ở tạm vì thấy hoàn cảnh của bà neo đơn khó khăn, nay bà B mất thì một người em của bà ấy đến ở vì cho là đất của chị mình. Ông Th cho biết: “Tôi hối hận vì cho bà ấy mượn, tới đây tôi sẽ kiện ra tòa, không thể để mất đất một cách vô cớ”. Đặc biệt gần đây nhất, ở huyện Hàm Tân cũng xảy ra trường hợp gia đình ông Đỗ Văn Hợi mua đất của ông Hồ Thanh Hải với diện tích đất gần 500m2. Sau đó gia đình ông Hợi xây dựng nhà tạm để ở. Quá trình xây nhà xảy ra xích mích liên quan ranh giới đất giữa nhà ông và nhà bà Nguyễn Thị Lê, người hàng xóm. Sau cuộc hòa giải do Ban điều hành thôn làm trung gian, bà Lê biết mình đã lấn sang phần đất nhà ông Hợi. Rồi bà xin ông Hợi cho phép mình tiếp tục sử dụng khi nào ông Hợi xây nhà lớn, bà sẽ trả lại. Do chưa có nhu cầu sử dụng phần đất này nên ông Hợi đồng ý tiếp tục cho bà Lê sử dụng khi nào ông xây nhà lớn thì bà Lê trả. Năm 2007, bà Lê bán nhà mình cho bà Nguyễn Thị Ngọc Hà. Sau đó gia đình ông Hợi yêu cầu bà Hà trả lại đất (phần bà Lê mượn), nhưng bà không trả. Ông Hợi đã kiện bà Hà ra tòa và đã lấy lại được đất.

Những vụ việc trên là trong số rất nhiều vụ cho mượn đất rồi không trả, chủ yếu xuất phát từ thời đất chưa có giá trị, đến nay đất có giá thì người mượn không trả phát sinh tranh chấp. Phần lớn người cho mượn cảm thấy lòng tốt của mình đã bị xem nhẹ nên tìm đến ngành chức năng can thiệp. Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch Hội Luật gia Phan Thiết cho biết, tình trạng cho mượn đất, cho ở nhờ, tranh chấp giáp ranh... xảy ra rất nhiều trong cuộc sống. Chỉ riêng ở thành phố Phan Thiết, Hội tiếp nhận tư vấn ít nhất 20 vụ/tháng. Giải quyết các vụ đòi đất cho mượn, cho ở nhờ là việc vô cùng khó khăn và phức tạp vì nó vừa mang tính chất của các giao dịch dân sự, vừa bị chi phối bởi chính sách pháp luật về đất đai trong từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử. Ở mỗi giai đoạn tương ứng với mỗi thời kỳ lịch sử, chính sách, pháp luật về đất đai lại có sự thay đổi.

Đất đai là tài sản có giá trị nên khi sử dụng tặng cho, vay mượn phải rất cẩn trọng, kể cả người thân, bạn bè, để tránh hậu họa. Trong trường hợp đã cho mượn không đòi lại được phải đưa ra tòa phân xử. Ông An cho biết, khi có nhu cầu đòi lại đất cho mượn, người dân cần gửi đơn đề nghị hòa giải tới UBND xã để được hòa giải theo quy định tại Điều 135, Luật đất đai năm 2013. Nếu UBND xã hòa giải không thành thì hai bên có thể gửi đơn đến tòa án (nếu thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013) hoặc UBND cấp huyện để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hau-hoa-khi-cho-muon-dat-117879.html