Hậu Giang cần huy động nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp

Tại buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang ngày 17.7, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tỉnh cần xã hội hóa nguồn lực để phát triển công nghiệp…

Nhiều điều kiện để "cất cánh"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Hậu Giang có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản.

Tỉnh cũng có lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ vận tải, logistics như có vị trí chiến lược nằm trên tuyến lưu thông của Tiểu vùng tây sông Hậu, cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh nam sông Hậu với phần còn lại của vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế khác. Hậu Giang còn là đầu mối kết nối giao thông quan trọng cả về đường bộ và đường thủy của vùng Nam Sông Hậu thông qua 6 tuyến quốc lộ huyết mạch và 2 trục giao thông thủy quốc gia; đặc biệt là nằm liền kề với TP. Cần Thơ, kết nối thuận lợi với các đầu mối giao thông lớn trong vùng như sân bay Cần Thơ, bến cảng quốc tế Cải Cui, cảng nước sâu Trần Đề...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với Tỉnh ủy Hậu Giang

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình với kiến nghị của Hậu Giang về việc tăng thêm diện tích đất công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. “Ở đâu không có công nghiệp, ở đó kinh tế khó phát triển. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp thì phải dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương và tăng thêm bao nhiêu diện tích đất công nghiệp thì phải cân nhắc kỹ cho phù hợp”.

Bên cạnh tiềm năng du lịch, Hậu Giang có vùng nguyên liệu nông sản, lúa gạo dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản.

Nhờ nắm bắt, khai thác khá tốt các tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, kinh tế Hậu Giang liên tục phát triển và đang chuyển mình từ vùng “dự trữ chiến lược” sang thành vùng “động lực mới” trong chuỗi sản xuất công nghiệp của vùng. Hai năm qua, dù Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Hậu Giang vẫn xếp thứ hai trong 13 tỉnh, thành phố của vùng và top dưới 30 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,2 lần so với bình quân của vùng và gấp 1,7 bình quân tăng trưởng cả nước.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, công nghiệp của Hậu Giang quy mô vẫn nhỏ và khả năng cạnh tranh còn ở mức thấp. Kết cấu hạ tầng công nghiệp và thương mại vẫn còn chưa phát triển vượt bậc. Quy mô xuất nhập khẩu vẫn rất nhỏ, xếp vị trí 12/13 tỉnh, thành phố trong vùng. Hạ tầng thương mại cả về truyền thống và hiện đại cũng còn hạn chế, ứng dụng thương mại điện tử chưa nhiều.

Nguyên nhân của những hạn chế này là quy hoạch chưa đồng bộ, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng tầm, thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế để huy động vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển. Tuy tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông và chưa có nhiều sự nổi trội để thu hút được lao động ở các nơi. Kết cấu hạ tầng còn hạn chế, nhất là hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn yếu, chưa có nhiều quỹ đất sạch để tạo được lợi thế trong thu hút đầu tư.

Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tích hợp nông nghiệp - công nghiệp - đô thị

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang, dưới góc độ ngành công thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Tỉnh ủy Hậu Giang quan tâm một số vấn đề.

Trước hết, Hậu Giang cần tập trung xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn để kịp thời tích hợp vào quy hoạch của tỉnh. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ những định hướng của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia để xây dựng định hướng phát triển phù hợp với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ. “Hậu Giang phải khẩn trương thực hiện việc này và dựa vào quy hoạch ngành quốc gia đối với lĩnh vực công thương”.

Đồng thời, Hậu Giang cần đặc biệt quan tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp năng lượng, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu… Đây là những ngành tỉnh có thể phát triển tốt. Hậu Giang cũng cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch logistics, bởi có vị trí, điều kiện thuận lợi cả giao thông đường thủy, đường bộ và hàng không (Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ).

Đặc biệt, với nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Hậu Giang cần ưu tiên bố trí không gian hợp lý để phát triển chuỗi giá trị sản xuất tích hợp giữa nông nghiệp - công nghiệp - đô thị để định hướng thu hút đầu tư.

Cùng với đó, Hậu Giang phải tập trung thực hiện chủ trương xã hội hóa để huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics, và hạ tầng công nghiệp. Để thu hút được đầu tư vào công nghiệp, tỉnh phải bám vào các trục giao thông mới, nhất là những tuyến cao tốc đi qua. "Tôi đồng tình đô thị là một trong những trụ cột nhưng dân số của Hậu Giang chỉ có 800.000 dân. Để có người đến ở như Thủ tướng đã nói nhiều lần là phải có sản xuất. Vì vậy Hậu Giang cần huy động để xây dựng hạ tầng công nghiệp; chuẩn bị quỹ đất sạch phát triển công nghiệp; phát triển nhà ở xã hội để thu hút lao động và sẵn sàng đón nhà đầu tư"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

“Trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), cần chọn lọc các nhà đầu tư có công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây chuyền sản xuất và phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh trong nước để thực hiện mục tiêu tự chủ về công nghệ và quản trị doanh nghiệp”.

Với lợi thế là trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu, có nhiều trường đại học đa ngành, chuyên ngành và hệ thống các trường cao đẳng dạy nghề, Hậu Giang cần chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh phải tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đủ mạnh, có tính khả thi; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín, năng lực về tài chính, công nghệ.

Trong quá trình thu hút đầu tư từ bên ngoài, tỉnh cũng cần chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, phát triển nghề, làng nghề để từng bước xây dựng, củng cố công nghiệp địa phương; trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế và hình thành các trung tâm dịch vụ, vui chơi, du lịch…

Thời gian tới, Hậu Giang phải chú trọng quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại (kể cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại), nhất là vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án trung tâm logistics. Đồng thời, quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm của tỉnh; đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử, tiếp tục khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết để phát triển, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

PV

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/hau-giang-can-huy-dong-nguon-luc-phat-trien-ha-tang-cong-nghiep-i295669/