Hậu Covid-19: Sự hồi sinh của kinh tế Trung Quốc có bị tô hồng?

Là nền kinh tế lớn đầu tiên hồi sinh sau khi khống chế thành công dịch Covid-19, nhưng sự hồi phục kinh tế Trung Quốc có bị 'tô hồng'?

Một cuộc khảo sát các doanh nghiệp Trung Quốc do China Beige Book (CBB) thực hiện cho thấy, đối với "nhóm các tập đoàn" - các doanh nghiệp lớn ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Đông - nền kinh tế Trung Quốc đang tăng tốc.

Trong thực tế, nghiên cứu cho thấy một quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều. (Nguồn: South China Morning Post)

Trong thực tế, nghiên cứu cho thấy một quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều. (Nguồn: South China Morning Post)

Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 3,2% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi sụt giảm kỷ lục 6,8% trong 3 tháng đầu năm.

Một số nhà phân tích dự báo, tăng trưởng quý III/2020 sẽ là hơn 5%, nhưng nghiên cứu cho thấy một quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều trong thực tế. Tăng trưởng sản lượng và doanh thu khối doanh nghiệp ở hầu hết các khu vực dự kiến sẽ thấp hơn trong khoảng thời gian từ tháng 7- 9 so với cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi các điều kiện kinh tế đã được cải thiện kể từ quý II.

Hãng CBB đã khảo sát 3.300 công ty trên 34 lĩnh vực ở tất cả các tỉnh và khu vực tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy trên 8 khu vực chọn trước, tăng trưởng doanh thu trong quý 3 thấp hơn so với một năm trước đó. Xu hướng này tương thích với các dữ liệu chính thức khi lĩnh vực sản xuất đã hồi phục mạnh hơn các lĩnh vực khác, cho thấy nền kinh tế quốc gia đông dân nhất thế giới đang phục hồi theo 2 cấp độ. Cung đã vượt qua cầu trong cả năm, với doanh số bán lẻ và kim ngạch nhập khẩu có xu hướng thấp hơn nhiều so với sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.

Theo cách tính của CCB, về sản lượng, các trung tâm công nghiệp phía Đông Trung Quốc, bao gồm Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô, đã chuyển từ mức điểm 60/100 trong quý III/2019 lên 49 điểm cùng kỳ năm nay, mặc dù con số này đã được cải thiện nhiều so với mức 8 điểm trong quý trước đó.

Trung tâm công nghiệp ở phía Nam, bao gồm Quảng Đông và Phúc Kiến, đã giảm 5 điểm so với cùng kỳ năm ngoái xuống 47 điểm trong quý III, nhưng chỉ số này đã tăng đáng kể từ mức âm 4 của quý II.

Ở khu vực hỗn hợp gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông và Hà Bắc, chỉ số sản lượng hiện ở mức 48, giảm 28 điểm so với mức 67 điểm của một năm trước đó, nhưng một lần nữa, chỉ số này có vẻ tốt hơn đáng kể so với quý II.

Tuy nhiên, một số khu vực thậm chí không ghi nhận sự cải thiện về sản lượng từ quý II đến quý III, chủ yếu là các khu vực nội địa và vùng sâu vùng xa ở phía Bắc và phía Tây. Đối với các doanh nghiệp ở Tây Tạng, Cam Túc, Thanh Hải và Tân Cương, sản lượng trong quý III/2020 kém hơn 30 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù nghiên cứu của CBB có thể không trùng khớp với dữ liệu chính thức, nhưng sự mất cân đối trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã rõ ràng ngay từ đầu năm, khi các nhà máy nhanh chóng mở cửa và nối lại hoạt động sản xuất, xuất khẩu, trong khi nhiều nhà hàng, rạp chiếu phim và các lĩnh vực dịch vụ khác vẫn buộc phải đóng cửa.

Theo viện nghiên cứu Nomura, ngay cả khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng cao hơn trong quý III, số lượt di chuyển bằng tàu điện ngầm qua các thành phố lớn vẫn thấp hơn đáng kể so với năm ngoái. Trong tuần tính đến ngày 20/9, số lượt di chuyển đã giảm 11,1% ở Thượng Hải, 18,2% ở Bắc Kinh và 10,9% ở Quảng Châu so với một năm trước.

Nghiên cứu trong ngành dịch vụ ăn uống do Nomura trích dẫn cũng cho thấy, trong cùng tuần, doanh thu nhà hàng đã giảm 28,6% so với đầu tháng 1, trước khi quy định đóng cửa do phong tỏa được áp dụng, ngay cả khi số lượng nhà hàng đang hoạt động tăng hơn so với trước đó. Trong khi đó, doanh thu rạp chiếu phim đã giảm 48,6% trong tuần tính đến ngày 19/ 9 so với một năm trước.

Tuy nhiên, Nomura đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý III lên 5,3%, cao hơn so với ước tính trước đó là 4,2%.

"Sự phục hồi của Trung Quốc chắc chắn là rất ấn tượng, đặc biệt là khi so sánh với các nền kinh tế lớn khác vẫn còn chật vật chống đỡ với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá thấp những trở ngại phía trước", trích ý kiến của các nhà nghiên cứu do nhà kinh tế trưởng Lu Ting của Nomura phát biểu.

(theo South China Morning Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-covid-19-su-hoi-sinh-cua-kinh-te-trung-quoc-co-bi-to-hong-124955.html