Hạt nhân trên 'sân chơi' OCOP ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh hiện có 287 sản phẩm OCOP, trong đó có 110 sản phẩm của 89 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất. Kinh tế tập thể đang khẳng định vai trò chủ lực trong chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' trên địa bàn.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhất là khu vực nông thôn của Hà Tĩnh. Ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn hăng hái thi đua, hấp thụ chính sách, xây dựng thương hiệu, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP chất lượng. Trong đó, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đã tiên phong khẳng định mình trên “sân chơi” này.

HTX Mật Ong Cường Nga chi 800 triệu đồng đầu tư hệ thống máy móc hạ thủy phần, nâng cao chất lượng mật ong.

Với HTX Mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm, Hương Sơn), chương trình OCOP đã trở thành “chìa khóa” để đơn vị thay đổi tư duy, đường hướng sản xuất, kinh doanh. Nếu như trước đây, HTX còn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa khẳng định được thương hiệu, thị trường tiêu thụ còn mang tính chất “làng xã” thì từ khi được công nhận sản phẩm OCOP (năm 2019), mật ong Cường Nga đã thực sự được nâng tầm.

Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga cho biết: “Năm 2022, chúng tôi tiêu thụ 10.000 lít mật ong, doanh thu 4 tỷ đồng. Năm 2023, HTX phấn đấu tiêu thụ 17.000 lít mật ong với doanh thu ước 6,8 tỷ đồng (trong khi trước đây chỉ bán được trên dưới 1.000 lít/năm”.

Điều đáng nói, quy mô sản xuất của HTX Mật ong Cường Nga không ngừng được mở rộng. Hiện nay, ngoài 16 thành viên, HTX còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho 52 hộ nuôi ong trên toàn huyện, đưa lại thu nhập cho nhiều hộ từ 180 – 200 triệu đồng/hộ/năm.

Hiện có 110 sản phẩm của 89 tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Trên lĩnh vực chế biến hải sản, sau nhiều năm gắn bó với nghề truyền thống, HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) quyết định chinh phục bằng được danh hiệu sản phẩm OCOP.

Bà Đặng Thị Bình – Phó Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng chia sẻ: “Xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang trên diện tích 1,2 ha, chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại... là những tiền đề để 4 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2019 (gồm: nước mắm Luận Nghiệp, cá mờm Luận Nghiệp, sứa ăn liền Luận Nghiệp và mắm ruốc Luận Nghiệp). Chưa dừng lại ở đó, năm 2020, HTX tiếp tục nâng hạng sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao đối với nước mắm Luận Nghiệp. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ tăng lên gấp đôi so với trước đây. Đặc biệt, sản phẩm nước mắm Luận Nghiệp hiện nay đang kết nối để đưa vào hệ thống siêu thị BigC, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Nga và Úc".

Đầu ra sản phẩm không ngừng tăng đồng nghĩa quy mô sản xuất của HTX cũng được mở rộng. Theo đó, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức lương từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đơn vị còn đóng góp tích cực trong việc bao tiêu sản phẩm thủy hải cho bà con ngư dân bằng việc liên kết thu mua nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cho hơn 300 tàu, thuyền đánh bắt tại xã Kỳ Ninh.

Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản lượng tiêu thụ hàng hóa của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng tăng gấp đôi so với trước.

Với sự năng động, táo bạo, hàng trăm HTX, THT trên địa bàn đã tiếp cận chính sách hỗ trợ từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để “chạm” danh hiệu sản phẩm OCOP. Nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX, THT đã trở thành nhân tố chủ đạo, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, đưa chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 287 sản phẩm, trong đó có 110 sản phẩm của 89 THT, HTX sản xuất. Các sản phẩm tập trung vào phát triển các đặc trưng truyền thống của từng địa phương trên các lĩnh vực. Điều phấn khởi là sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, doanh số bán hàng của các cơ sở đều tăng lên, bình quân tăng 40% so với trước khi tham gia chương trình. Đặc biệt, có một số sản phẩm OCOP của khu vực kinh tế tập thể đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản...

Các HTX, THT trên địa bàn tích cực tham gia quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định: “Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo “sân chơi” lớn cho khu vực kinh tế tập thể. Nhờ tham gia sản xuất sản phẩm OCOP mà HTX, THT được tập huấn nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh; thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; được “cầm tay chỉ việc” trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường... Đặc biệt, trong hành trình tham gia OCOP, các HTX, THT được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đồng hành, giúp đỡ. Theo đó, từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, manh mún, hiện nay, nhiều HTX, THT đã “chịu đầu tư” tạo nên nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao, được thị trường đón nhận. Nhờ vậy, doanh thu của các cơ sở không ngừng gia tăng, đảm bảo việc làm cho lượng lớn lao động tại địa phương”.

Thu Phương

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/hat-nhan-tren-san-choi-ocop-o-ha-tinh/251793.htm