Hắt hiu rốn lũ Thạch Định

Lũ nhiều, thành quen. Nước lên, thì chạy lũ. Nước rút thì về dọn nhà. Đôi khi, cơ nghiệp bị cuốn theo dòng lũ. Điệp khúc ấy nhiều năm nay đã thành thói quen với người dân vùng rốn lũ Thạch Định. Chúng tôi trở lại với người dân Thạch Định khi nước đã rút, xóm làng ảm đạm hắt hiu trong gió lạnh đầu mùa.

Điệp khúc sống chung với lũ

Một tuần từ khi lũ đổ về. Nhiều ngày bị cô lập trên núi Rú. Gần ngàn người dân Thạch Định (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) dắt díu nhau trở về nhà.

Thuyền trở thành phương tiện đi lại duy nhất đối với người dân vùng rốn lũ Thạch Định. (Ảnh: Anh Thắng)

"Nói là trở về nhà cho oai, thực ra nhiều nhà vẫn ngập trong nước lũ đến cả gang tay.

Về dọn bùn, rửa tường, cọ bàn ghế. Chứ nước rút hẳn thì bùn non quánh lại như keo. Còn sức đâu mà vét với cạo", ông Bùi Công Tính, thôn 4 Định Tường, xã Thạch Định buồn rầu nói.

Cũng như ông Tính, nhiều người dân chúng tôi bắt gặp đều có chung nét mặt mệt mỏi, phờ phạc.

Họ vừa trải qua nhiều đêm cầm cự trong mưa gió trên núi Rú. Đói và lạnh. Mệt mỏi vì chạy lũ.

Vì thiếu nước sạch. Vì mưa dầm tùm hum trong những chiếc lều bạt xiêu vẹo giữa triền đồi.

Vì cái nắng hanh oi nồng mùi bùn đất những ngày tiếp theo chờ lũ rút. Tất cả trông chờ, cô quạnh, nhưng dường như đã quá quen.

Núi Rú, thực ra chỉ là một cái đồi đất nhô lên như ốc đảo giữa mênh mông nước lũ bên bờ sông Bưởi.

Nơi trú ngụ hơn ngàn con người hoảng loạn chạy lũ giữa đêm 10/10.

Cả nấy con người chen chúc, thẫn thờ nhìn nhau trong mưa quất ào ào xen nước mắt.

Khi có lệnh di tản, các gia đình đưa được trâu bò, lợn gà lên núi, hoặc đưa lên sân thượng tầng 2. Rồi bỏ đồ đạc, tháo chạy.

Ông Đinh Trọng Huệ (60 tuổi, thôn 4, Định Tường, xã Thạch Định) đang lúi húi dọn lại đống đồ đạc ướt mèm, đổ nát trong căn nhà đầy bùn đất.

Ông nheo đôi mắt hằn đầy vết chân chim: "Mất mát nhiều quá các chú ơi. Ao cá nuôi 2 năm, chưa kịp bán thì đã trôi sạch.

Lúa gặt chưa xong, giờ chắc thối úng trong nước. May chuyển được 3 con bò cũng gà vịt lên núi, rồi người cuống cuồng chạy thi với lũ. Nước lên nhanh lắm, chỉ vài tiếng đã ngập lưng căn nhà".

Hàng trăm ngôi nhà chỉ còn lấp ló phần nóc trong sốn lũ. (Ảnh: Anh Thắng)

Bà Trương Thị Hiệp nhớ lại, cả đêm hôm ấy, cả núi Rú có lẽ chẳng ai ngủ.

Bốn bề ngập lũ, mưa như trút, nước trên núi ào ào đổ tràn qua nền đất các lều bạt. Ánh đèn pin loang loáng, tiếng trẻ khóc thét khắp nơi...

Những ngày tiếp theo mới ngao ngán. Bốn bề trắng nước. Ăn uống tạm bợ.

Trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế được trưng dụng làm chỗ ngủ, chỗ nấu nướng. Khói củi ướt bốc lên cay xè.

Thèm lắm một bữa canh rau, nhưng chẳng có. Đến nước uống, nước pha mỳ cũng phải dè sẻn. Lũ trẻ ăn mãi mỳ tôm xót ruột, nheo nhóc nhìn từng chiếc xuồng cứu trợ lướt qua, thèm thuồng mơ ước...

Hiu hắt ngày trở về

Do thói quen sống chung với lũ, nhiều gia đình đã dự trữ sẵn những chiếc bè bằng thùng phuy. Bình thường thì thay cót đựng lúa.

Lũ về thì kết thành bè, bốn thùng phuy bốn góc. Có thể chứa người, hoặc gà vịt, lợn, bò. Lũ lên, bè nổi theo, cầm cự tại chỗ chờ nước rút.

Nước lũ đánh tung những tấm bê tông lớn kè đê tại thôn 1 Định Cát, xã Thạch Định. (Ảnh: Anh Thắng)

Thời điểm lũ về, chúng tôi cùng các đoàn cứu trợ đã bắt gặp những chiếc bè lẻ loi như thế.

Kinh nghiệm của lực lượng cứu trợ nơi đây là không được đi xuồng máy vào gần những căn nhà chỉ còn nhô lên phần nóc hoặc có bè nổi.

Bởi sóng nước từ xuồng máy có thể vỗ bung tường, sập vách những căn nhà yếu.

Ngay cả Bí thư huyện Bùi Thị Mười, khi muốn trao tận tay một gia đình bị cô lập giữa rốn lũ, đã phải bỏ thuyền máy, ôm thùng mỳ tôm sang ngồi thuyền thúng.

Cứ thế, chiếc thuyền thúng mong manh như vỏ đỗ giữa biển nước chỉ chở được hai người, men dòng nước xiết vào với người dân...

Ở thôn 1 Định Cát, xã Thạch Định, nơi đê thấp bị nước lũ tràn đầu tiên, có chừng hơn chục gia đình cố thủ trong căn nhà bằng hai tầng.

Những bóng ao xanh quân đội thực sự trở nên thắm được tình quân dân khi có mặt tại khắp các địa phương bị thiệt hại bão lũ. (Ảnh: Anh Thắng)

Ông Ngô Văn Đức kể, nước lũ ào ào tràn mặt đê, xói bung hàng loạt tấm bê tông kè, dựng đứng rồi đổ sập xuống, nghe ầm ầm như tiếng cá heo quẫy.

Dù là dân sông nước cũng phải thót tim. Khi lũ rút, phần lớn bê tông kè đê đã bị nước xoáy bung, tường rào đổ sập hàng loạt.

Người dân rốn lũ không lẻ loi

Chạy lũ đã gian nan. Lũ rút, quay về sửa sang nhà cửa, lục lọi đống đồ đạc hư hỏng vì ngâm nước lại thấy ngao ngán bội phần.

Chúng tôi đã gặp không ít những gia đình ngồi thẫn thờ bên bao thóc ngấm nước đã lên mầm, bên đống chăn, chiếu, sách vở sũng nước bằng vẻ mặt lam lũ, nhẫn chịu.

Những đứa trẻ suốt mấy ngày ăn mỳ tôm cứu trợ, ngay sau khi lũ rút vẫn tung tăng đến trường bằng sức chịu đựng bền bỉ của dân vùng lũ. Họ dường đã quen với thử thách khắc nghiệt đến tàn nhẫn của thiên nhiên.

Ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Định cho biết, hiện đường vào xã vẫn ngập, phải đi vòng lên xã Thành Trực để rẽ vào. Trong lũ, toàn xã có 658 hộ với 2.933 nhân khẩu phải di dời.

Trong những ngày qua, người dân Thạch Định đã nhận được sự cứu trợ rất lớn của các cấp chính quyền, đoàn thể, Hội Chữ thập đỏ. Hàng ngàn thùng mỳ, lương khô, nước ngọt, thuốc khử sau lũ được cấp phát đến từng hộ dân.

Trận lũ sông Bưởi năm nay đã ghi dấu ấn vượt 38cm so với đỉnh lũ lịch sử năm 2007 đã gây vỡ đê nhấn chìm toàn bộ thị trấn Kim Tân. (Ảnh: Anh Thắng)

Khó khăn nhất của các xã Thạch Định, Thành Trực, Thành Vinh, Thành Mỹ hiện là công tác khắc phục sự cố môi trường, phòng chống bệnh tật, xử lý nguồn nước sạch và ổn định đời sống người dân sau lũ.

Theo Bí thư huyện ủy Thạch Thành Bùi thị Mười, lũ năm nay đã vượt đỉnh lũ lịch sử cách đây 10 năm từng gây vỡ đê, nhấn chìm cả thị trấn Kim Tân trong biển nước.

Tuy không thiệt hại về người, nhưng tác hại của cơn lũ đối với đời sống người dân là khá lớn.

Toàn huyện đã phải di dời 3.389 hộ thuộc 23/27 xã có hộ dân vùng trũng thấp, ngoài đê, vùng có nguy cơ sạt lở như: Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thạch Bình, Thành Mỹ, Thành Vinh, Thạch Tân, Thành Kim...

Thành công nhất của Thạch Thành là giữ được an toàn hệ thống đê điều.

Mục tiêu của huyện sẽ đảm bảo không gia đình nào bị đói, học sinh sớm trở lại trường học, công tác hỗ trợ khắc phục sản suất sẽ được triển khai sớm nhất có thể.

Người dân vùng rốn lũ sông Bưởi không lẻ loi bởi luôn có sự chung tay của các cấp ngành hỗ trợ, khắc phục khó khăn sau lũ. (Ảnh: Anh Thắng)

Rời rốn lũ Thạch Định trong cái ảm đạm của chớm gió lạnh đầu mùa.

Khắp làng xóm, cây cối, nhà cửa phủ một màu bùn non bàng bạc, ảm đạm. Nhưng người dân vùng rốn lũ sông Bưởi không hề lẻ loi.

Đã có hàng chục đoàn cứu trợ từ Trung ương đến địa phương đã kịp thời chuyển hàng chục tấn hàng cứu trợ khẩn cấp đến với người dân ngay trong lũ và những ngày sau lũ. Những tấm lòng hảo tâm quyên góp của đồng bào cả nước sẽ còn tiếp tục đến với người dân nơi đây, bằng sự ấm áp sẻ chia và bằng cả những tấm lòng nhân ái.

Hoàng Anh Thắng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/hat-hiu-ron-lu-thach-dinh-d55511.html