Hạt gạo từ giống lúa ông bà 300 năm tuổi đắt hàng

Được bảo tồn từ giống lúa ông bà trồng tỉa từ 300 năm trước, gạo lúa mùa nổi trồng ở vùng tứ giác Long Xuyên, An Giang đang được nhiều người tiêu dùng đón nhận vì chất lượng thơm ngon.

Giống lúa mùa nước nổi mọc cao 5-7m trồng tại tứ giác Long Xuyên, An Giang

Ông Nguyễn Văn Văn (Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết, hạt gạo mùa nổi được bảo tồn gen của giống lúa ông bà ta canh tác từ 300 năm trước, hiện là loại đặc sản nông nghiệp của vùng tứ giác Long Xuyên, canh tác tập trung tại xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Đây là loại lúa thích ứng với vùng biến đổi khí hậu, cây lúa sống mãnh liệt trong vùng ngập lũ sâu, nước dâng đến đâu cây lúa phát triển đến đó, cây lúa có thể cao từ 5-7m, thời gian sinh trưởng hơn 6 tháng, gấp đôi thời gian của các loại lúa mà nông dân miền Tây Nam bộ đang canh tác hiện nay. “Giống lúa mùa nước nuổi năng suất đạt từ 2 - 2,5 tấn/ha, nhưng lợi nhuận khá cao so với giống lúa trồng vụ lúa đông xuân nhờ hạt gạo chất lượng” - ông Văn cho biết.

Ông Phạm Hoàng Lâm - Tổng giám đốc Công ty Hưng Lâm An Giang - cho biết, cây lúa nước nổi không chỉ giỏi chịu nước mà còn có khả năng chịu hạn tốt và ít sâu bệnh. Gạo mùa nước nổi hạt màu đỏ nhờ không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, giàu vitamin, giảm cholesterol và đường trong máu. Hiện tại gạo mùa nước nổi được một số doanh nghiệp thu mua, đóng gói và bán cho các siêu thị với giá 45.000 đồng/kg.

Nông dân ở huyện Tri Tôn chia sẻ, tại khu vực tứ giác Long Xuyên, trước đây mùa nước nổi kéo dài đến hơn nửa năm, nông dân có thể canh tác được các giống lúa truyền thống như Nàng Tây Đùm, Tây Bông Dừa, Chệch Cụt, Bông Sen… và năng suất rất thấp. Ông Huỳnh Nam, nông dân ngụ tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn cho biết, năm 2013, Tổ chức GIZ (Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức) và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông thôn của Trường đại học An Giang phối hợp với Phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tri Tôn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ chi phí để thành lập các tổ hợp tác trồng lúa mùa nổi cho 21 hộ nông dân của xã Vĩnh Phước. Nhờ những hạt lúa giống được tuyển chọn công phu, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cặn kẽ, lúa mùa nổi đã cho năng suất cao hơn.

Gạo mùa nước nổi là nông phẩm đặc sản của vùng tứ giác Long Xuyên, An Giang

Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, diện tích trồng lúa nước nổi hiện chiếm hơn 50ha, cho sản lượng trên 100 tấn gạo/mùa và được bao tiêu hết cho nông dân. Theo kế hoạch, diện tích trồng lúa nước nổi tại tứ giác Long Xuyên sẽ tăng lên 500ha vào năm 2020 và đã được các doanh nghiệp đặt hàng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Trồng lúa nước nổi người nông dân Tri Tôn đã tận dụng được điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt khi nước lũ dâng cao dài ngày, phương thức canh tác này còn kết hợp thâm canh thêm cây bắp, bí, kiệu, khoai mì… vào mua khô. Nông dân Huyền Văn Bảy, ngụ tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn nói rằng, trước đây trồng lúa nước nổi cho kết quả khá bấp bênh, mùa được mùa thất bát vì chỉ có kinh nghiệm truyền thống. Khi biết chọn giống, thời điểm gieo trồng đúng kỹ thuật, giúp cho không thất mùa mà năng suất còn cao, người nông dân có thêm lợi nhuận.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/hat-gao-tu-giong-lua-ong-ba-300-nam-tuoi-dat-hang.html