Hạt dẻ, đặc sản du lịch vùng Tây Bắc

Hạt dẻ là sản vật thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc. Dù là hạt dẻ trồng nhưng cũng sinh trưởng tự nhiên như cây rừng nên đều cho chất lượng thơm, ngon. Từ lâu, hạt dẻ và những món ngon chế biến từ hạt dẻ đã trở thành đặc sản du lịch của vùng Tây Bắc.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở chuyên bán hạt dẻ tại chợ Cốc Lếu (TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) giới thiệu mẻ hạt dẻ vừa ra lò thơm ngon. Ảnh: B.NGUYÊN

Nổi tiếng nhất phải kể đến hạt dẻ Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), hạt dẻ Sa Pa (tỉnh Lào Cai), hạt dẻ rừng xã Mường Phăng (TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên)…

* Món ngon của núi rừng

Hạt dẻ rừng được bán nhiều ở xã Mường Phăng, nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là cơ quan đầu não của quân đội ta, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm 1954.

Hạt dẻ rừng thu lượm ở đại ngàn Mường Phăng còn được gọi là hạt dẻ thóc, hạt dẻ tí hon vì có kích thước nhỏ như đầu đũa, 1kg có cả ngàn hạt. Tuy nhỏ nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua vì hạt dẻ này khi rang lên rất thơm và có vị ngọt thanh hơn so với các loại hạt dẻ trồng.

Theo chị Lò Thị Hoa, chủ một điểm bán đặc sản ở xã Mường Phăng, khoảng tháng 10, thu hoạch xong vụ lúa mùa thì người dân tại các bản bắt đầu vào rừng nhặt hạt dẻ để kiếm thêm thu nhập khi nông nhàn. Món ăn này rất tốt cho sức khỏe nên không chỉ người dân tại địa phương mà ngày càng nhiều du khách đến Điện Biên mua về thưởng thức. Ngoài cách chế biến đơn giản là luộc, rang thì hạt dẻ rừng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác như nấu chè, nấu xôi…

Cơ sở làm bánh hạt dẻ tại TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Hạt dẻ ở Việt Nam được trồng nhiều ở vùng núi phía Bắc như: tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai… Trong đó, H.Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) được coi là thủ phủ trồng hạt dẻ. Hạt dẻ Trùng Khánh là đặc sản nổi tiếng, được bà con dân tộc Tày, Nùng trồng theo lối quảng canh, mọc tự nhiên như cây rừng nên cho chất lượng thơm, ngon. Chỉ riêng H.Trùng Khánh đã trồng hàng trăm ha cây hạt dẻ. Từ năm 2014, sản phẩm hạt dẻ Cao Bằng được công bố chỉ dẫn địa lý Trùng Khánh, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hạt dẻ của địa phương này.

* Đặc sản du lịch

Hạt dẻ được ví là "vua của loài quả khô'' trong mùa đông. Theo Đông y, hạt dẻ có vị ngọt, tính ôn; vào vị, tỳ, giúp bồi bổ cơ thể, chống mệt mỏi, tốt cho dạ dày… Ngày nay, hạt dẻ và các món ngon từ hạt dẻ được bán phổ biến, phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của du khách đến với núi rừng Tây Bắc. Ngoài món ăn vặt phổ biến là hạt dẻ nướng, bánh hạt dẻ thì nhiều quán ăn, nhà hàng tại Tây Bắc còn sử dụng loại hạt này chế biến ra nhiều món đặc sản ngon như: hạt dẻ nướng mật ong, xôi hạt dẻ, gà hầm hạt dẻ, bò hầm hạt dẻ, cơm rang hạt dẻ...

Du khách mua bánh hạt dẻ tại một điểm bán đặc sản Tây Bắc tại Lào Cai

TX.Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là điểm hẹn luôn thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Ẩm thực du lịch ở địa phương này rất phong phú, đa đạng. Trong đó, đặc sản hạt dẻ và các món ngon chế biến từ hạt dẻ được bày bán phổ biến ở khắp các chợ cho đến những điểm du lịch tại địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Xuân, du khách đến du lịch tại Sa Pa, món hạt dẻ và các loại hạt khác được bán rất nhiều ở chợ TX.Sa Pa. Nhiều điểm bán có lò rang hạt dẻ tại chỗ, du khách mua và thưởng thức ngay hạt dẻ vừa mới ra lò nóng hổi, dẻo thơm. Hạt dẻ tươi ngon, giá lại rẻ hơn nhiều so với mức giá bán tại các tỉnh miền xuôi nên không chỉ mua ăn tại chỗ, du khách đến Sa Pa thường chọn mua hạt dẻ tươi về làm quà tặng.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở chuyên bán hạt dẻ tại chợ Cốc Lếu (TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) so sánh, đây là chợ giáp biên giới Trung Quốc nên hạt dẻ Trung Quốc về nhiều, thường bán với giá rẻ hơn so với hạt dẻ trong nước. Nhưng nhiều du khách và cả người địa phương vẫn chuộng và tìm mua hạt dẻ Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Mùa thu hoạch của hạt dẻ Trùng Khánh là vào cuối năm chứ không có quanh năm như hạt dẻ Trung Quốc. Đáp ứng nhu cầu của khách, cơ sở thường mua và trữ đông hạt dẻ Trùng Khánh để có nguồn hàng bán quanh năm.

Ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ, bí quyết để rang hạt dẻ ngon là lò rang có lớp đá dăm vừa tạo độ nóng đều vừa có tác dụng hút lớp lông mịn bên ngoài hạt dẻ. Để có những mẻ hạt dẻ ngon, mỗi mẻ ông Mạnh chỉ rang khoảng 10kg; thời gian rang từ 20-25 phút cho đến khi nghe hạt dẻ chín nổ lách tách trong lò, lớp vỏ nứt ra để lộ phần nhân bên trong là có thể đem ra thưởng thức.

Điểm bán hạt dẻ rừng tại xã Mường Phăng (TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ảnh: K.T

Tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, có nhiều cơ sở chuyên chế biến bánh hạt dẻ, món ngon này trở thành nghề truyền thống ở các địa phương. Bà Nguyễn Thị Tiến Linh, chủ cơ sở làm bánh hạt dẻ gần chợ Cốc Lếu cho hay, cơ sở của bà mở được hơn 6 năm nay. Nguyên liệu chế biến món bánh hạt dẻ khá đơn giản gồm: bột mì làm vỏ bánh; nguyên liệu chính để làm nhân là hạt dẻ nấu chín nghiền nhuyễn trộn thêm với đậu xanh, bơ, đường; vỏ bánh rắc thêm ít hạt mè cho thơm. Tuy nhiên, mỗi lò bánh có bí quyết riêng trong công thức pha chế. Bánh hạt dẻ làm xong để trong môi trường tự nhiên thường chỉ được từ 3-4 ngày; muốn trữ lâu hơn phải hút chân không và cấp đông. Ngoài bán lẻ cho khách ăn ngay, lò bánh của bà Linh còn phân phối đi khắp nơi, chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng, trạm dừng chân chuyên bán đặc sản phục vụ du khách. Ngoài các tỉnh thành phía Bắc, sản phẩm này còn được cung cấp cho nhiều tỉnh, thành miền Nam như: TP.HCM, Đồng Nai…

Theo một số cơ sở kinh doanh hạt dẻ tại các tỉnh Tây Bắc, cùng với sự phát triển của du lịch, hạt dẻ trở thành đặc sản góp phần mang lại thu nhập tốt cho nhiều đồng bào dân tộc ở vùng Tây Bắc. Ngày nay, hạt dẻ còn được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202304/hat-de-dac-san-du-lich-vung-tay-bac-3163499/